Không những làm giàu cho bản thân, gia đình mình, ông Châu Văn Mên (SN 1954) ở Mỹ Thành, xã Hòa Thắng (huyện Phú Hòa) còn hết lòng hướng dẫn, hỗ trợ cho bà con quanh vùng cách làm kinh tế để vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.
Ông Châu Văn Mên chăm sóc vườn hoa, cây cảnh của gia đình - Ảnh: T.HIẾU
Sau khi tốt nghiệp lớp Trung cấp Tiền lương tại Đà Nẵng, ông Châu Văn Mên về làm việc tại Công ty Thương mại tổng hợp Phú Yên. Đến năm 2000, khi công ty làm ăn không hiệu quả, ngoài thời gian làm ở công ty, ông Mên còn tranh thủ những ngày nghỉ theo cha lên Nhất Sơn, xã Hòa Hội (Phú Hòa) để khai hoang và thuê đất trồng 2ha mía. Nhưng hai năm liền ông phải “phủi” tay vì mía không được giá, đầu ra bấp bênh. Ông Mên nhớ lại: “Những năm đó, vì trồng mía thua lỗ nhiều nên bà con ở đây ai cũng nản lòng, bán rẫy. Lúc bấy giờ tôi nghĩ chỉ cần đầu tư kỹ thuật, công chăm sóc và tìm được đầu ra ổn định thì việc trồng mía sẽ có thể nuôi sống cả gia đình. Cuối năm 2001, Nhà máy đường KCP Việt Nam xây dựng tại huyện Sơn Hòa, thế là tôi mạnh dạn đầu tư mua thêm 4ha đất để trồng mía”. Lúc bấy giờ ông Mên trở thành nông dân có diện tích trồng mía lớn nhất huyện Phú Hòa. Nhờ vậy mà trang trại mía của gia đình ông luôn được Nhà máy đường KCP quan tâm cả về giống, kỹ thuật trồng và vốn đầu tư… Kết thúc vụ mía năm 2002, ông thắng đậm và quyết định nghỉ việc ở công ty để về chuyên tâm trồng mía cho tới nay.
Ông Mên kể: “Lúc còn ở công ty, tôi làm bên bộ phận kinh doanh nên thường có những chuyến công tác đến các nhà máy đường, như Quảng Ngãi, An Khê để ký hợp đồng cho công ty và từ đó có điều kiện tiếp xúc với các vùng nguyên liệu mía ở các tỉnh này. Học được kỹ thuật trồng và chăm sóc mía, nên tôi đem những kiến thức học được áp dụng vào trồng mía và đạt năng suất cao. Cụ thể, những niên vụ mía 2003, 2004… bà con ở đây chỉ thu hoạch được 40-50 tấn/ha nhưng tôi thu hoạch từ 70-80 tấn/ha, lợi nhuận cao hơn người khác”.
Bây giờ diện tích mía của vợ chồng ông Mên đã lên 20ha. Ông đã mua được hai xe tải để chở mía. Vụ mía mới đây, vợ chồng ông thu hoạch 1.100 tấn mía nguyên liệu và 400 tấn giống, sau khi trừ chi phí, lãi ròng 500 triệu đồng. Bây giờ không chỉ đầu tư trồng mía để bán nguyên liệu cho Nhà máy đường KCP mà ông còn được nhà máy đầu tư để trồng thử nghiệm các loại giống mía mới, nếu đạt năng suất cao sẽ nhân giống, chuyển giao cho những trại mía khác trong vùng. Ông Mên cho biết: “Năm ngoái Nhà máy đường KCP nhập các loại giống mới từ Thái Lan về để tôi trồng thử nghiệm, như giống K95/156, K95/84, K83/29… Đây là những giống cho năng suất cao trên 100 tấn/ha. Tôi đang chuyển giao các giống này cho bà con trồng vào vụ mía năm nay”. Ông Mên còn cho biết, sản xuất mía giống cho lợi nhuận cao hơn trồng mía nguyên liệu. Mỗi tấn mía giống sẽ cho lãi cao hơn mía thịt khoảng 150.000 đồng vì giảm được các chi phí vận chuyển, tạp chất, chi phí phát sinh khi tiêu thụ…
Khi có của ăn, của để, vợ chồng ông Mên giúp đỡ những người dân nghèo ở địa phương, bằng cách cho mượn mía giống, tiền mua bò để cày đất, tiền mua phân… mà không tính lãi. Có người đến cuối vụ thu hoạch mía mới trả vốn. Có người tình nguyện đến trại ông xin làm công để trừ nợ. Nhờ đó cuộc sống của nhiều người dân được ông giúp không còn khốn khó như trước nữa. Ông Lê Văn Sương ở thôn Nhất Sơn, xã Hòa Hội cho biết: “Hơn 5 năm trước, gia đình tôi thuộc diện nghèo, hằng ngày chỉ biết lên rừng đốt than, chặt củi về đổi gạo. Từ khi được vợ chồng ông Mên hướng dẫn khai hoang làm rẫy để trồng mía; không có tiền đầu tư ông Mên cho mượn mía giống, phân thuốc… Nhờ vậy đến nay gia đình tôi đã trồng được 2ha mía, vụ vừa rồi cho thu nhập hơn 50 triệu đồng. Bây giờ tôi không chỉ trả hết nợ, mà còn có tiền trang trải cuộc sống, mua sắm tiện nghi trong gia đình, mua được bò cày và xe máy”.
NGUYỄN CHƯƠNG