Thứ Ba, 26/11/2024 22:28 CH
Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng:
Các thủy điện phải đảm bảo an toàn khi xả nước
Thứ Hai, 18/06/2012 14:00 CH

Việc vận hành các hồ thủy điện trong mùa khô và mùa mưa đều có ảnh hưởng nhất định đến đời sống người dân ở khu vực hạ du. Ngành Công thương đang kiểm tra, chỉ đạo các đơn vị bổ sung quy chế vận hành nhằm hạn chế ảnh hưởng của thủy điện đến đời sống người dân. Liên quan đến vấn đề này Báo Phú Yên phỏng vấn ông Hoàng Quốc Vượng, Thứ trưởng Bộ Công thương.

 

ong-Vuong120618.jpg

Ông Hoàng Quốc Vượng - Ảnh: N.XUÂN

* Theo quy trình xả lũ, các nhà máy thủy điện chỉ thông báo cho người dân trước 2 giờ. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân vùng hạ du vì không đủ thời gian chuẩn bị. Vậy Bộ Công thương đã có giải pháp gì để khắc phục, thưa ông?

 

- Đối với các hồ chứa nước ở khu vực miền Trung, Bộ Công thương ban hành các quy định về vận hành hồ chứa trong mùa lũ, gồm quy trình đơn hồ (xây dựng quy trình xả lũ cho từng hồ) và quy trình vận hành các hồ chứa liên hồ. Ở miền Trung, quy định của quy trình vận hành hồ chứa thì thời gian cảnh báo xả lũ là 2 giờ đồng hồ. Đây là khoảng thời gian khá ngắn cho công tác chuẩn bị của người dân khi có xả lũ. Thời gian cảnh báo này hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng dự báo thời tiết, nhưng do điều kiện, chất lượng và năng lực dự báo của chúng ta còn hạn chế nên thời gian cảnh báo cho người dân khá ngắn. Một khi chất lượng dự báo lũ về ở các hồ chứa được nâng cao thì chúng ta sẽ có thể kéo dài thêm thời gian cảnh báo trước khi xả lũ. Như vậy, người dân ở vùng hạ lưu có thêm thời gian trong trường hợp phải sơ tán khi nhà máy xả lũ.

 

Để giải quyết vấn đề này, Bộ Công thương yêu cầu các chủ hồ chứa, các nhà máy thủy điện phối hợp lắp đặt thêm hệ thống thiết bị dự báo thời tiết, khí hậu, các thiết bị đo mưa, trên cơ sở đó từng bước nâng cao chất lượng, độ chính xác dự báo lũ về các hồ chứa. Thời gian dự báo lũ cho người dân có thể tăng lên ít nhất một giờ. Bên cạnh đó, các ngành chức năng, nhà máy thủy điện cũng cần tăng cường công tác tuyên truyền về phòng chống bão lũ. Bộ Công thương cũng chỉ đạo các nhà máy hoàn thành bản đồ ngập lụt tương ứng với từng mức xả lũ trên các địa bàn hay xảy ra tình trạng ngập lụt, gửi cho các xã để dự báo trước cho người dân. Hiện chỉ có thủy điện Sông Hinh hoàn thành bản đồ này. Ngoài ra, Bộ Công thương cũng yêu cầu các nhà máy khẩn trương xây dựng phương án và triển khai cắm mốc hành lang bảo vệ hồ chứa...

 

thuy-dien120618.jpg

Các nhà máy thủy điện xả nước phải đảm bảo an toàn cho vùng hạ du. Trong ảnh: Nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ - Ảnh: T.HOÀI

* Khi thủy điện An Khê - Ka Nak vận hành, trong mùa khô nước được về phía An Khê, sông Ba nhiều đoạn cạn kiệt nước, ảnh hưởng đến sản xuất. Về lâu dài Bộ Công thương có hướng giải quyết như thế nào để đảm bảo vừa sản xuất, vừa phát triển thủy điện?

 

- Thời gian qua, các địa phương đã cho phép xây dựng một số nhà máy thủy điện xả nước từ lưu vực sông này sang lưu vực sông khác. Trong một thời điểm nhất định nào đó, một số nhà máy không đảm bảo được dòng chảy tối thiểu hay là dòng chảy môi trường cho phía hạ du. Thời gian qua, vấn đề này đã được đề cập đến rất nhiều. Bộ Công thương cũng vừa đi kiểm tra ở nhiều công trình thủy điện. Sắp tới, chúng tôi chỉ đạo tất cả các nhà máy thủy điện phải xây dựng một quy chế phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương trong việc vận hành hồ chứa không chỉ trong mùa lũ mà cả mùa khô. Bộ Công thương cũng sẽ yêu cầu các công ty thủy điện phải cùng nhau xây dựng quy chế phối hợp chặt chẽ giữa các nhà máy và các địa phương để thống nhất quy chế vận hành hồ chứa cả trong mùa lũ và mùa khô theo nguyên tắc: trong mùa lũ khi xả nước phải giảm thiểu ảnh hưởng đến người dân vùng hạ du; mùa khô phải đảm bảo dòng chảy tối thiểu. Trong trường hợp đặc biệt, các nhà máy thủy điện phải ưu tiên nước phục vụ nhu cầu sản xuất của người dân.

 

CHAY-LUT120618.jpg

Ngành chức năng tổ chức di dời người dân huyện Đông Hòa đến nơi an toàn khi nước sông Ba dâng cao trong mùa mưa lũ năm 2011 - Ảnh: M.ĐĂNG

* Hiện vẫn còn một số tồn tại về việc tái định cư cho người dân cũng như khôi phục lại rừng của dự án thủy điện Sông Ba Hạ. Vậy quan điểm của ông trong giải quyết những vấn đề này như thế nào?

 

- Vấn đề trồng lại rừng theo quy định của pháp luât khi xây dựng các dự án thủy điện phụ thuộc cả hai phía: phía công ty và cả chính quyền địa phương. Trong thời gian qua, khi xây dựng các dự án thủy điện ở Phú Yên, các nhà máy đã chấp hành tốt việc trồng lại rừng sau khi làm mất đất. Tuy nhiên, hiện nay các địa phương đều không thể tìm ra nguồn đất cho các chủ đầu tư dự án thủy điện trồng rừng. Cụ thể là trường hợp của công trình thủy điện Sông Ba Hạ. Theo quy định, nhà máy thủy điện này phải trồng lại khoảng 204ha rừng cho địa phương. Tuy nhiên, đến nay địa phương cũng mới chỉ tìm được khoảng 25ha, còn khoảng 79ha vẫn chưa thể bố trí được quỹ đất để cho Công ty cổ phầnThủy điện Sông Ba Hạ trồng rừng. Như vậy, một khi địa phương tìm được nguồn đất, chủ đầu tư phải có trách nhiệm trồng lại rừng ngay lập tức. Nếu các địa phương không bố trí được quỹ đất thì các chủ đầu tư rất khó thực hiện được cam kết trồng rừng.

 

* Xin cảm ơn ông!

 

NGÔ XUÂN (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek