Chủ trương giảm lãi suất cho vay, bố trí một phần vốn ưu đãi cho nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp phụ trợ của Chính phủ nhằm giúp các doanh nghiệp từng bước tháo gỡ khó khăn, tiếp tục phát triển sản xuất kinh doanh được các doanh nghiệp kỳ vọng. Tuy nhiên, trên thực tế dường như còn khoảng cách nhất định giữa các ngân hàng thương mại với doanh nghiệp. Không ít ngân hàng thương mại trên địa bàn Phú Yên đã lên tiếng về khoản tín dụng ưu đãi sẵn sàng cho doanh nghiệp vay theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ. Thế nhưng, các doanh nghiệp lại than rằng không dễ gì tiếp cận được nguồn tín dụng ưu đãi với lãi suất thấp của ngân hàng, bởi có nhiều quy định nhiêu khê, thiếu tính thực tế. Ví dụ như ngân hàng yêu cầu phải được kiểm toán tài chính minh bạch, trong khi khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện chiếm trên 90% số lượng doanh nghiệp ở Phú Yên thì không thể có điều kiện để hàng năm thuê đơn vị kiểm toán độc lập, chi phí cho việc này tương đối cao.
Lãnh đạo các ngân hàng nói có tiền và sẵn sàng cho vay với lãi suất thấp, nhưng cũng thừa nhận rằng với cách xếp hạng tín dụng để cho vay như hiện tại thì không nhiều doanh nghiệp có đủ điều kiện vay. Điều này cho thấy, giữa ngân hàng và doanh nghiệp chưa thể tìm được tiếng nói chung trong việc đầu tư vốn để cùng nhau phát triển. Một chủ doanh nghiệp hoạt động trong ngành xây dựng nói trong thời gian qua, các ngân hàng chỉ làm động tác “giả vờ” cứu doanh nghiệp, bởi có nhiều lý do để các ngân hàng không quá mặn mà cho doanh nghiệp vay vốn. Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên, hiện dư nợ tín dụng trên địa bàn Phú Yên đạt hơn 10.400 tỉ đồng, giảm 200 tỉ đồng so với đầu năm 2012. Điều này có nghĩa là tín dụng tăng trưởng âm 1,94%.
Chính phủ đang tập trung cho mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, nên doanh nghiệp trong nước gặp nhiều khó khăn. Thị trường tiêu thụ chậm, hàng tồn kho lớn, hoạt động sản xuất đình đốn, nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản, trong khi từng quý ngân hàng công bố mức lợi nhuận hàng trăm tỉ đồng. Rõ ràng giữa ngân hàng và doanh nghiệp chưa gặp nhau trong việc chia sẻ khó khăn.
Không ai muốn các ngân hàng phải gánh lỗ, vì hoạt động ngân hàng là “xương sống” của nền kinh tế. Tuy nhiên, trong điều kiện khó khăn này rất cần sự đồng hành, chia sẻ từ phía các ngân hàng để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn lãi suất thấp và có điều kiện phục hồi sản xuất kinh doanh. Về phía doanh nghiệp cũng cần phải nâng cao năng lực quản trị, minh bạch tài chính để khi ngân hàng nhìn vào mà tin tưởng “rót” vốn.
VÂN NGUYÊN