Khi giảm lãi suất, áp dụng trần lãi suất cho vay Việt Nam đồng 15%/năm đối với bốn nhóm đối tượng ưu tiên, các ngân hàng thương mại vẫn khó tìm được khách hàng đủ điều kiện vay vốn. Hệ quả là tín dụng 5 tháng đầu năm tăng trưởng âm. Báo Phú Yên phỏng vấn ông Nguyễn Ngọc Khố, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên về vấn đề này.
* Ông đánh giá thế nào về khả năng tiếp cận vốn lãi suất thấp của doanh nghiệp hiện nay?
Ông Nguyễn Ngọc Khố- Ảnh: L.HẢO
- Hiện khả năng tiếp cận vốn lãi suất thấp của các doanh nghiệp ở Phú Yên khá thấp, vì hầu hết không đáp ứng các điều kiện vay vốn của ngân hàng. Hàng hóa tiêu thụ khó khăn, hàng tồn kho nhiều… khiến khách hàng không trả được nợ cho các hợp đồng vay vốn, từ đó doanh nghiệp không thể vay mới với lãi suất thấp để mở rộng sản xuất, kinh doanh. Các doanh nghiệp sử dụng vốn vay ngắn hạn để đầu tư vào các đối tượng trung, dài hạn dẫn đến việc không trả được nợ cho ngân hàng đúng thời gian cam kết cũng làm hạ mức tín nhiệm.
Ngân hàng đang thừa vốn, nhưng tín dụng 5 tháng đầu năm lại tăng trưởng âm 1,94%. Vì vậy, theo tôi, việc các doanh nghiệp không tiếp cận được vốn vay cũng có nguyên nhân xuất phát từ hai phía, chứ không hẳn chỉ có ngân hàng. Các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh luôn chủ động tìm kiếm những khách hàng tốt; có phương án sản xuất, kinh doanh hiệu quả; tình hình tài chính minh bạch, lành mạnh để trao vốn nhưng nhóm đối tượng này hiện ít có nhu cầu vay vì đầu ra của sản phẩm hạn chế. Thậm chí ngân hàng cho vay dưới 15%/năm nhưng các doanh nghiệp này vẫn không vay được vốn. Ngược lại, các doanh nghiệp yếu kém muốn vay vốn, ngân hàng không dám giải ngân vì sợ mất vốn, nợ xấu tăng cao. Giống như doanh nghiệp, ngân hàng cũng muốn bán đắt hàng (cho vay vốn) nhưng nếu doanh nghiệp không hấp thụ được vốn thì ngân hàng cũng lực bất tòng tâm.
Khách hàng giao dịch tại một ngân hàng ở TP Tuy Hòa - Ảnh: L.HẢO
Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên, sau khi áp dụng trần lãi suất 15%/năm, đến thời điểm 15/5, trên địa bàn tỉnh đã cho 33 doanh nghiệp và 466 khách hàng cá nhân vay vốn lãi suất tối đa 15%/năm, với dư nợ 65 tỉ đồng; trong đó, lĩnh vực nông nghiệp nông thôn được vay 22 tỉ đồng, xuất khẩu 5 tỉ đồng, doanh nghiệp nhỏ và vừa 38 tỉ đồng.
* Hiện trên địa bàn Phú Yên, lượng tiền huy động chỉ đáp ứng được 60% nhu cầu vay vốn. Như vậy, liệu có nhiều doanh nghiệp được vay vốn với lãi suất thấp?
- Ngay từ đầu năm, mỗi ngân hàng thương mại đều có kế hoạch vốn riêng. Với lượng vốn huy động theo lãi suất 12%/năm, ngân hàng sẽ dành để cho vay lãi suất ở mức thấp. Các doanh nghiệp thuộc bốn nhóm ưu tiên nếu đáp ứng đủ điều kiện quy định sẽ được vay vốn với lãi suất tối đa 15%/năm. Doanh nghiệp nào phải chịu lãi vay trên 15%/năm thì cứ báo với Ngân hàng Nhà nước, chúng tôi sẽ can thiệp và có biện pháp xử lý. Còn doanh nghiệp không thuộc bốn nhóm này thì phải chịu lãi suất thỏa thuận với ngân hàng thương mại, dao động trong khoảng 17-18%/năm.
* Một số doanh nghiệp kiến nghị ngân hàng nên nới lỏng điều kiện và đối tượng được vay vốn với lãi suất thấp. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
- Thông tư 14/2012 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định bốn nhóm đối tượng được vay vốn với trần lãi suất 15%/năm thuộc các lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn, dự án sản xuất - kinh doanh hàng xuất khẩu, phát triển công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Khách hàng vay phải được tổ chức tín dụng đánh giá là có tình hình tài chính minh bạch, lành mạnh. Theo đó, các ngân hàng đều có những nguyên tắc thẩm định khách hàng nhằm bảo đảm an toàn cho các khoản vay. Chính sách cho vay và những ưu đãi của ngân hàng đã rõ ràng, doanh nghiệp nào đáp ứng đủ sẽ được vay vốn.
* Tình hình tài chính minh bạch, lành mạnh được hiểu như thế nào, thưa ông?
- Trong thông tư hướng dẫn, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ nói chung chứ không quy định cụ thể. Vì vậy, từng ngân hàng thương mại sẽ có tiêu chí riêng về “tình hình tài chính minh bạch, lành mạnh” như quan hệ với ngân hàng sòng phẳng, vay trả đúng hạn; có báo cáo tài chính qua kiểm toán, báo cáo thuế…
Các doanh nghiệp may xuất khẩu sẽ được ngân hàng cho vay vốn với lãi suất ưu đãi - Ảnh: L.HẢO
* Hiện ngành Ngân hàng có giải pháp nào giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn về vốn?
- Ngoài gói hỗ trợ 29.000 tỉ đồng của Chính phủ chủ yếu thông qua các chính sách gia hạn, miễn, giảm thuế, trong thời gian từ cuối tháng 4, đầu tháng 5/2012, ngành Ngân hàng có hai chủ trương lớn để giúp khách hàng vay vốn tháo gỡ khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đó là giữ nguyên nhóm nợ đã được phân loại theo quy định trước khi điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ đối với doanh nghiệp có chiều hướng sản xuất, kinh doanh tích cực, có khả năng trả nợ tốt; đồng thời áp dụng trần lãi suất cho vay 15%/năm đối với khách hàng thuộc bốn nhóm lĩnh vực ưu tiên có tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch. Chủ trương này đã được Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên triển khai đến các tổ chức tín dụng trên địa bàn, sau đó rà soát và hướng dẫn khách hàng đủ điều kiện làm các thủ tục vay vốn theo quy định.
Việc cơ cấu lại nợ nhưng vẫn giữ nguyên nhóm nợ cùng chủ trương hạ lãi suất sẽ giúp doanh nghiệp đang gặp khó khăn giảm đáng kể chi phí sản xuất kinh doanh và áp lực trả nợ cho ngân hàng khi đến hạn. Từ đó, doanh nghiệp từng bước phục hồi, duy trì và mở rộng sản xuất, kinh doanh, đảm bảo khả năng trả nợ, giảm nợ xấu…
* Xin cảm ơn ông!
LÊ HẢO (thực hiện)