Doanh nghiệp thành lập mới giảm mạnh, ngừng hoạt động tăng cao do lãi suất huy động vốn cao, kéo dài; đầu tư, tiêu dùng giảm, quản trị doanh nghiệp hạn chế…
May xuất khẩu ở một doanh nghiệp - Ảnh: L.MAI
Tại tờ trình về việc ban hành một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường gửi tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, Chính phủ đã nêu cụ thể năm nguyên nhân khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gặp khó khăn.
Ở tờ trình, tình hình doanh nghiệp thành lập mới và giải thể, phá sản đều mới chỉ dừng ở quý I/2012 với 18.700 doanh nghiệp tạm nghỉ kinh doanh có thời hạn, 10.350 doanh nghiệp giải thể phá sản và ngừng hoạt động, tăng 14,82%. Phân tích sâu hơn, Chính phủ nêu rõ một số ngành có lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động tăng cao so với quý 1/2011 như ở lĩnh vực nông lâm nghiệp, thủy sản tăng 18,6%, xây dựng tăng 12,6%, thương mại dịch vụ 17,3%, ăn uống khách sạn 31,6%. Và, đứng đầu là lĩnh vực kinh doanh bất động sản tăng đến 91,3%.
Bức tranh kinh tế càng ảm đạm hơn với con số 15/21 ngành kinh tế giảm doanh thu, thu nội địa quý I/2012 lần đầu tiên giảm so với cùng kỳ trong các năm gần đây. Và, chỉ hai tháng đầu năm số thuế nợ đã tăng 28,5% so với 31/12/2011. Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp khó khăn, theo nhận định của Chính phủ có cả nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan từ phía doanh nghiệp.
Thứ nhất, đầu tư và tiêu dùng giảm do chịu ảnh hưởng của việc áp dụng chính sách tiền tệ, tài khóa chặt chẽ để kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô được xem là nguyên nhân thứ nhất.
Thứ hai, tình hình khó khăn chung của nền kinh tế thế giới, khủng hoảng nợ công ở châu Âu đã tác động đến sức tiêu thụ tại các thị trường truyền thống, thị trường tiềm năng, ảnh hưởng đến tình hình xuất khẩu của doanh nghiệp.
Ba là, việc thực hiện các cam kết hội nhập về giảm dần thuế quan và cắt bỏ hàng rào phi thuế quan, dẫn đến áp lực cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài rất lớn, trong khi đó khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước chưa cao.
Nguyên nhân thứ tư, theo Chính phủ, lãi suất huy động vốn cao và kéo dài, giá các mặt hàng nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất như xăng, dầu, điện tăng làm chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tăng, trong khi giá một số mặt hàng chủ lực như nông sản giảm.
Thứ năm, quản trị tài chính và quản trị doanh nghiệp còn hạn chế như nhiều doanh nghiệp kinh doanh dàn trải, đa ngành nghề, phụ thuộc nhiều vào vốn vay, không đủ năng lực hấp thu vốn, giá trị gia tăng thấp là nguyên nhân thứ năm được Chính phủ nhìn nhận.
Chính phủ cũng đánh giá, việc thực hiện Nghị quyết số 08 của Quốc hội về một số giải pháp giảm, gia hạn nộp thuế đối với doanh nghiệp và cá nhân trong năm 2011 đã góp phần giúp các doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động trong một số lĩnh vực giảm bớt khó khăn và chi phí về vốn vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất.
Trong bối cảnh hiện nay, cho rằng đây vẫn là nhóm doanh nghiệp đang gặp khó khăn nhất nên bên cạnh các giải pháp thuộc thẩm quyền đã được ban hành, Chính phủ trình Quốc hội xem xét một số ưu đãi về miễn, giảm thuế cho các doanh nghiệp này.
Tính toán của Chính phủ cũng cho ra con số khoảng 16.000 tỉ đồng tiền vốn sẽ được để lại cho doanh nghiệp từ các giải pháp gia hạn thời hạn nộp thuế. Các giải pháp miễn giảm thuế sẽ giúp doanh nghiệp giảm chi phí và các giải pháp tài chính khác có giá trị khoảng 13.000 tỉ đồng.
(VNE)