Dự án trục giao thông phía tây qua ba huyện miền núi Đồng Xuân, Sơn Hòa, Sông Hinh dài 115km được khởi công từ năm 2004 với tổng vốn lên đến 609 tỉ đồng, nhưng đến nay vẫn còn một số đoạn dài gần 25km thi công ì ạch, bỏ dở dang. Hệ quả, đường nát bét lại bị đào xới ngổn ngang đất đá với nắng bụi, mưa sình, làm ảnh hưởng dân sinh, khó khăn trong vận chuyển nông sản và nguy hiểm cho người tham gia giao thông.
Đường hư nát bét nhưng việc thi công ì ạch, kéo dài làm ảnh hưởng dân sinh - Ảnh: N.LƯU
DÂN CHỊU KHỔ
Từ thôn Phú Hội, xã Xuân Phước (huyện Đồng Xuân) đi thôn Hòa Ngãi, xã Sơn Định (huyện Sơn Hòa) có đến gần 10km đường chỉ san ủi, hoặc đổ cấp phối tạm bợ, nham nhở, đất đá lổm chổm, nhiều ổ gà, ổ voi. Khi những chiếc xe tải chở mía quá tải chạy qua, cả đoạn đường này tung bụi mù mịt trong nắng gay gắt. Bụi đến nỗi người đi đường không còn thấy đường; bụi phả vào cây, vào nhà dân ở xung quanh đóng bợn thành từng lớp dày đặc. Học sinh ở đây kêu trời vì mỗi lần ra đường bị bụi bám đầy áo trắng, dơ bẩn. Bà con phải nhặt đá hoặc dùng búa tay đập từng viên đá lớn nằm nhô cao lên mặt đường để hạn chế mô tô, xe đạp qua lại bị trượt bánh té ngã.
Cũng trên đoạn đường trục dọc phía tây dài chừng 20km giáp ranh giữa hai huyện Đồng Xuân và Sơn Hòa, mặc dù đang trong thời điểm nắng nóng, nhưng một số đoạn ngập trong sình lún do mạch nước ngầm từ trong vách núi tràn ra. Mặt đường bị xé nát, xe cộ qua lại quá khó khăn và nguy hiểm. Anh Nguyễn Văn Hải, lái xe vận chuyển nông sản bị mắc lầy tại đầu dốc Đứng, bức xúc nói: “Thời gian qua đã có hàng chục ô tô mắc lầy tại đoạn đường này, trong đó có ít nhất bốn xe tải bị ngã đổ phải thuê xe cẩu kéo lên, chi phí khá lớn”. Đoạn đường hơn 3km qua thị trấn Hai Riêng (Sông Hinh) cũng xuống cấp trầm trọng nhưng việc thi công vẫn đang “giậm chân tại chỗ”.
Theo những người dân sống dọc con đường này, từ khi đường được nâng cấp, các đơn vị thi công đổ đất đồi để làm nền đường rồi không thực hiện tiếp, tạo nên những đám bụi khổng lồ hắt vào nhà cửa, vườn tược của người dân và người đi đường. Các em học sinh hằng ngày đến trường phải qua lại đoạn đường dở dang khiến áo trắng biến thành áo nâu, mặt mũi, cặp sách lấm lem bụi đất. Nhà dân ở hai bên đường suốt ngày phải đóng cửa, vậy mà nhà nào cũng bị bụi đóng dày lên tất cả đồ vật.
Nhà ở thôn Phước Nhuận, xã Xuân Quang 3, là người thường xuyên đi lại trên tuyến đường này, anh Nguyễn Phi Hùng, cán bộ Huyện đoàn Đồng Xuân, than thở: “Sáng nào tôi cũng phải kéo vòi nước ra tưới đường nhưng chỉ được một lúc, nước bốc hơi hết là bụi lại tung mịt mù. Người già, trẻ con ở đây rất dễ mắc bệnh đau mắt đỏ, viêm mũi dị ứng. Riêng tôi hết sức vất vả trong việc đi lại khi làm việc ở thị trấn La Hai, và bị dị ứng mũi là chuyện thường xuyên. Thêm vào đó, xe tải chở sắn, mía quá tải thường xuyên qua đây khiến đoạn đường này đã bụi lại càng thêm bụi. Do đó, người, xe rất dễ bị ngã vì đường nham nhở và bụi mịt mù che khuất tầm nhìn.
DO THI CÔNG Ì ẠCH
Cách dốc Đứng khoảng 2km, biển báo công trình đặt ngay trên đoạn đường rách nát tả tơi này, ghi “…Tiểu dự án 4, đoạn km40- 46+666 sẽ đầu tư hoàn thành vào tháng 7/2011”. Thế nhưng, theo phản ánh của nhiều người dân, lâu rồi không thấy đơn vị nào thi công (!?). Quan sát đoạn đường từ Xuân Phước đi Xuân Quang 2, chúng tôi chỉ thấy ba chiếc xe cơ giới của đơn vị thi công đang “đứng bánh” ở bên đường! Đoạn đường hơn 20km này có đến sáu đơn vị thi công nhưng chỉ làm cầm chừng. Điều khó hiểu là, đoạn đường qua khu dân cư đông đúc lại thi công ì ạch, bỏ dở dang; còn các đoạn đường rừng vắng vẻ lại được “ưu tiên” nâng cấp hoàn thành từ lâu! Ông Nguyễn Lý Nguyên, Phó chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân cho biết, dự án trục giao thông phía tây lẽ ra phải hoàn thành trong năm 2011. Thế nhưng, các nhà thầu thi công quá ì ạch; một số nhà thầu khi nhận mặt bằng xong thì thi công kiểu “da beo” cầm chừng từng đoạn đường, vừa “hành” dân, vừa gây khó khăn cho địa phương. Bà con đã liên tục gửi đơn kêu cứu và huyện cũng nhiều lần báo cáo UBND tỉnh và Sở Giao thông -Vận tải sớm can thiệp.
Ông Hoàng Văn Tuấn, Giám đốc Ban quản lý dự án chuyên ngành giao thông Phú Yên, đại diện chủ đầu tư cho biết: “Chúng tôi đã nhiều lần đôn đốc, nhắc nhở nhưng tiến độ thi công của các nhà thầu vẫn chưa chuyển biến tích cực. Việc dân phản ảnh những đoạn đường còn dở dang, đi lại khó khăn, ô nhiễm môi trường do bụi là có thật. Chúng tôi sẽ nhắc nhở các đơn vị thi công thường xuyên tưới nước để giảm bớt bụi. Theo chỉ đạo của tỉnh, vào cuối năm nay những gói thầu còn lại trên ĐT642 thuộc dự án trục giao thông phía tây Phú Yên sẽ hoàn thành. Chủ đầu tư xin lỗi và mong người dân thông cảm vì sự chậm trễ trong việc thực hiện dự án”.
Đem những thắc mắc của bà con trên trục dọc phía tây này trao đổi với ông Nguyễn Thành Trí, Giám đốc Sở Giao thông vận tải thì được ông lý giải: Nguyên nhân chậm tiến độ và đường xuống cấp là do các yếu tố khách quan, chủ quan; trong đó có nhà thầu thi công thiếu năng lực, khó khăn trong giải phóng mặt bằng và huy động nguồn vốn từ trái phiếu Chính phủ, vốn vay ADB và ngân sách địa phương... Ngành giao thông vận tải “hứa” sẽ khẩn trương khắc phục những đoạn đường xung yếu, đảm bảo lưu thông đi lại, vận chuyển hàng hóa cho nhân dân; đồng thời tập trung mọi nguồn lực và giải pháp để đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành trong năm 2012.
NGUYÊN LƯU - LỆ VĂN