Phú Yên luôn được đánh giá là vùng đất có tiềm năng về du lịch, song nhiều công ty, đơn vị lữ hành thừa nhận, khách du lịch đến Phú Yên hầu như ít quay lại lần thứ hai.
Tại cuộc gặp mặt giữa lãnh đạo các doanh nghiệp du lịch và các cơ quan truyền thông, báo chí trên địa bàn tỉnh do Sở VH-TT-DL Phú Yên tổ chức, rất nhiều giải pháp được đưa ra để thúc đẩy phát triển du lịch Phú Yên: phát triển sản phẩm du lịch; tăng cường hoạt động lữ hành, xúc tiến, quảng bá du lịch, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh du lịch...
Du khách tham quan gành Đá Đĩa (huyện Tuy An) - Ảnh: L.MINH
CHƯA THU HÚT KHÁCH
Thực tế hiện nay du khách đến Phú Yên, đến các danh thắng, di tích chỉ để chụp ảnh rồi… quay về. Các dịch vụ hay hình thức vui chơi giải trí hấp dẫn ở các điểm du lịch để du khách có thể thư giãn, tiêu tiền… chưa đáp ứng nhu cầu. Ông Phạm Lương Đôn, đại diện Công ty cổ phần Thương mại Thuận Thảo, cho biết: “Sau Năm Du lịch quốc gia Duyên hải Nam Trung Bộ - Phú Yên 2011, lượng khách đến tỉnh tăng. Một số công ty lữ hành cũng bắt đầu chọn Phú Yên để đưa khách đến tham quan với giá “mềm”, cơ sở lưu trú tốt, ăn uống ngon, rẻ. Tuy nhiên, khách đến với Phú Yên chỉ ăn với ngủ thì chưa đủ; quan trọng là phần giải trí, vui chơi”. Còn ông Phạm Minh Danh, đại diện khách sạn Thanh Kim Anh, nói: “Khi khách tham quan ra về, chúng tôi mời họ lần sau trở lại thì chỉ nhận được cái lắc đầu. Hiện nay, tỉnh có đầu tư hạ tầng tại các điểm du lịch, di tích, danh thắng… nhưng chưa đủ, vì khách đến những nơi đó cũng chỉ ngắm nhìn, chụp ảnh, không có gì cuốn hút để khách lưu lại nhiều ngày hơn. Yêu cầu đơn giản là bóng mát, nơi nghỉ chân cho khách hiện nay tại các điểm du lịch như: Gành Đá Đĩa, Vũng Rô, Bãi Môn - Mũi Điện… vẫn chưa có”.
Rất nhiều lý do vì sao du lịch Phú Yên chưa thu hút được du khách. Du lịch muốn phát triển thì phải được sự quan tâm hỗ trợ đầu tư của nhà quản lý về chính sách, hạ tầng, môi trường... Trong khi cơ sở lưu trú mọc lên khá nhiều, còn điểm tham quan, du lịch vẫn chỉ ở dạng tiềm năng, chưa được đầu tư bài bản. Theo ông Phạm Ngọc Phi, Tổng biên tập Báo Phú Yên, điểm nhấn trong du lịch rất quan trọng, nó là điều kiện cần và đủ để đẩy mạnh du lịch. “Tỉnh cần có sự chọn lọc trong đầu tư phát triển điểm du lịch để mỗi tuyến điểm đều hội tụ những đặc điểm hấp dẫn; nên chọn lựa và mời gọi đầu tư một vài điểm du lịch thật quy mô, hấp dẫn. Có như vậy mới tạo ra cú hích cho du lịch tỉnh nhà, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển, sáng tạo ra những sản phẩm du lịch phục vụ du khách”, nhà báo Phạm Ngọc Phi kiến nghị.
Quang cảnh buổi gặp mặt doanh nghiệp du lịch với báo chí - Ảnh: K.CHI
TĂNG CƯỜNG QUẢNG BÁ, XÚC TIẾN DU LỊCH
Tiềm năng du lịch đa dạng là điểm mạnh quan trọng của Phú Yên so với các tỉnh, thành lân cận. Với gần 20 di tích, danh thắng cấp quốc gia và hàng chục di tích cấp tỉnh cùng những điểm đến hấp dẫn khác, du lịch Phú Yên đã và đang khai thác dưới góc độ văn hóa, con người thông qua các lễ hội, du lịch danh thắng, di tích… Tuy nhiên, cách làm này chỉ mới hấp dẫn du khách trong một chuyến đi mà chưa đủ sức kéo họ quay lại.
Ông Ngô Văn Định, Tổng thư ký Hội Doanh nghiệp Phú Yên, cho biết: Lâu nay doanh nghiệp Phú Yên chỉ làm lưu trú và ăn uống chứ chưa làm du lịch. Chúng ta vẫn chưa khai thác triệt để tiềm năng du lịch. Vì thế, điều cần thiết hiện nay là nên có hiệp hội những người làm du lịch để liên kết, thúc đẩy quảng bá du lịch. Để thu hút khách du lịch cho những năm sau thì công tác quảng bá phải bắt đầu từ bây giờ. Công tác quảng bá không nên làm manh mún như hiện nay mà ngành cần phải có một tổ chức chỉ đạo chuyên nghiệp, thực hiện quảng bá bởi các công ty truyền thông chuyên nghiệp trên các kênh thông tin đại chúng đang có lượng bạn đọc, người xem, người truy cập cao thì mới mang lại hiệu quả. Ngành, doanh nghiệp cần tổ chức thêm nhiều sự kiện, đặc biệt nên có sự kiện nâng tầm cho thương hiệu du lịch Phú Yên để thu hút khách, ví dụ Festival cá ngừ đại dương.
Bà Võ Thị Hiệc, Giám đốc DNTN Phù Đổng, tâm sự: “Để du khách quay lại, Phú Yên nên xây dựng thương hiệu du lịch, tiếp tục đầu tư, hoàn chỉnh hạ tầng và đa dạng hóa dịch vụ nghỉ ngơi, giải trí. Bên cạnh đó, chúng ta cần xây dựng khung tiêu chuẩn cho các sản phẩm du lịch: an toàn vệ sinh, giá cả, chất lượng, để du khách có thể định hình được những trải nghiệm mà họ sẽ trải qua khi đến du lịch tại Phú Yên”.
Rất nhiều công ty, đơn vị lữ hành trong tỉnh mong muốn mỗi tuần vào thứ 7, chủ nhật nên trưng bày hai bộ đàn đá và kèn đá tại Bảo tàng Phú Yên rồi bán vé cho khách vào tham quan; tạo được cây xanh, điểm nghỉ chân, xây dựng những khu vệ sinh công cộng tại điểm du lịch; đầu tư nâng cấp tuyến đường từ Tây Nguyên đến Phú Yên… có như vậy mới kéo được khách du lịch về Phú Yên.
Trong điều kiện nguồn kinh phí còn hạn hẹp, muốn phát triển du lịch, nhất thiết phải có sự phối hợp toàn diện, đồng thuận của các cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch, của cộng đồng doanh nghiệp và dân cư địa phương trong việc thực hiện đồng bộ các giải pháp. Sự kết hợp các yếu tố nội lực và ngoại lực trong hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch sẽ đưa Phú Yên trở thành điểm đến hấp dẫn, có sức lôi cuốn mạnh mẽ không chỉ bằng phong cảnh thiên nhiên hoang sơ, di tích lịch sử, danh thắng văn hóa độc đáo mà còn bằng chất lượng dịch vụ, sự thân thiện, hiếu khách của người dân.
KIM CHI