Hơn một tháng nay tôm tít xuất hiện nhiều ở đầm Ô Loan (huyện Tuy An). Tôm tít xuất hiện nhiều có lợi hay gây hại đối với việc nuôi trồng thủy sản và môi trường trong đầm, rất cần các cơ quan chuyên môn vào cuộc.
Thời gian gần đây, ngư dân làm nghề đăng, chấn, lưới ở khu vực đầm Ô Loan bắt được nhiều tôm tít. Sự xuất hiện bất thường của loài thủy sản này khiến ngư dân ở năm xã sống quanh đầm lo lắng, vì sản lượng các loài thủy sản khác ngày càng giảm, trong khi tôm tít lại xuất hiện nhiều. Ông Nguyễn Văn Thành, 60 tuổi ở thôn Tân Long, xã An Cư cho biết ông làm nghề chấn hơn 20 năm, chưa bao giờ bắt được nhiều tôm tít như hiện nay. Bình quân mỗi đêm bắt khoảng 7-10kg, cá biệt có đêm bắt đến 15kg tôm.
Theo ngư dân ở đây, tôm tít sống chủ yếu ở hang và các kẽ đá, đến mùa động (mùa mưa bão) tôm mới rời hang tìm thức ăn. Thức ăn của tôm tít là các loại thủy sản có trọng lượng hơn nó 5-7 lần. Ông Trần Quang Hưng ở xã An Hòa, cho biết: “Tôm tít bắt được chỉ cỡ 90 đến 120 con/kg. Những loại lưới sử dụng cước mảnh bị tôm cắn rách, người làm nghề phải tốn rất nhiều công để vá lưới, trong khi giá mỗi ký tôm chỉ 15.000 đồng. Đang vào mùa khai thác cua, ghẹ, tôm đất và các loài cá khác trong đầm, nhưng sản lượng rất ít. Không biết sự xuất hiện của tôm tít có làm ảnh hưởng đến các loài thủy sản khác hay không?”
Ông Trần Sáu, Phó phòng NN-PTNT huyện Tuy An cho biết: “Đây là lần đầu tiên tôm tít xuất hiện nhiều ở đầm Ô Loan. Loại tôm này xuất hiện nhiều có lợi hay gây hại đối với nuôi trồng thủy sản và môi trường nước trong đầm thì địa phương không đủ khả năng để nhận định. Vấn đề này rất cần các cơ quan chuyên môn nghiên cứu và đánh giá. Hiện môi trường nước trong đầm đang suy giảm, độ mặn chỉ khoảng 15%o, thấp hơn so với các năm trước 10%o. Nguyên nhân là do cửa biển Tân Quy bị bồi lấp, chính vì vậy mà nhiều loài thủy sản có giá trị và đặc trưng của đầm không phát triển”.
N.NHƯ - K.NHO