Hiện nhu cầu học nghề của nông dân Phú Yên rất cao. Báo Phú Yên phỏng vấn ông Nguyễn Trọng Kim, ủy viên Ban chấp hành Hội Nông dân Việt Nam, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh xung quanh vấn đề này.
Hội Nông dân tỉnh tổ chức dạy nghề trồng hoa, cây cảnh, tạo dáng bon sai cho nông dân xã An Thạch (huyện Tuy An) - Ảnh: T.HIẾU
* Ông cho biết công tác đào tạo nghề cho nông dân Phú Yên được triển khai như thế nào?
- Thời gian qua, Hội Nông dân tỉnh quan tâm đến công tác đào tạo nghề cũng như giải quyết việc làm ổn định cho nông dân. Hội đã khảo sát và phối hợp tổ chức nhiều lớp dạy trồng trọt, chăn nuôi và hỗ trợ nguồn vốn cho các làng nghề truyền thống. Đồng thời các sở, ban, ngành, địa phương cũng quan tâm tạo điều kiện về kinh phí, cơ sở vật chất để tổ chức lớp, giúp nhiều nông dân nắm bắt được khoa học, kỹ thuật trong việc trồng trọt, chăn nuôi nên có thu nhập ổn định. Chính vì thế, công tác đào tạo nghề trong năm 2011 được nông dân đánh giá cao và đồng tình với cách làm của hội là chọn nghề đào tạo theo nhu cầu, sau đào tạo có việc làm ngay. Trong năm 2012, Hội Nông dân tỉnh đặt ra mục tiêu lớn cho công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho nông dân, nhưng lại gặp nhiều khó khăn. Đến nay, tuy kế hoạch đã sẵn sàng nhưng hội vẫn chưa nhận được kinh phí hỗ trợ về việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn từ các sở, ngành và Trung ương nên chưa thể tổ chức đào tạo nghề cho nông dân được.
* Vậy Hội Nông dân tỉnh làm gì để nông dân sớm tiếp cận các lớp học nghề, thưa ông?
- Hội đang chờ nguồn vốn hỗ trợ của Chính phủ, Sở LĐ-TB-XH và nguồn vốn của Hội Nông dân Việt Nam, đồng thời đề nghị Hội Nông dân Việt Nam làm việc với Chính phủ phân bổ nguồn vốn và phân xuống cho Hội Nông dân. Bên cạnh đó, hội cũng yêu cầu các sở, ngành tạo điều kiện sớm có kinh phí để có điều kiện phối hợp mở các lớp dạy nghề cho nông dân. Khi có kinh phí, Hội Nông dân tỉnh sẽ tổ chức lớp dạy nghề đảm bảo đúng thời điểm để nông dân có điều kiện đến học, nắm bắt kiến thức, kỹ thuật áp dụng ngay vào mùa vụ nhằm đạt năng suất cao và giải quyết việc làm ổn định.
Hội Nông dân xã Hòa Kiến (TP Tuy Hòa) hướng dẫn nông dân cách trồng khổ qua phủ bạt - Ảnh: T.HIẾU
* Kinh phí cấp chậm có ảnh hưởng như thế nào đến việc đào tạo nghề cho nông dân?
- So với những năm trước thì công tác đào tạo nghề cho nông dân năm nay chậm. Do kinh phí phân bổ chậm dẫn đến việc tổ chức dạy nghề gặp nhiều khó khăn. Khi nguồn vốn về chậm thì giải quyết vấn đề đào tạo nghề chỉ đảm bảo chỉ tiêu giao chứ chất lượng đào tạo sẽ hạn chế. Nguyên nhân là thời gian đó sẽ trúng vào mùa vụ hay vào mùa mưa, người dân không có điều kiện tham gia học, cũng như khi học xong không thể áp dụng kịp thời vào mùa vụ sản xuất nên sản phẩm của nông dân sẽ giảm hơn. Bên cạnh đó, việc làm cho nông dân cũng không thể tổ chức bài bản theo kế hoạch do không xây dựng kế hoạch giải quyết việc làm ngay được.
* Ngoài việc trang bị kỹ năng, kiến thức, Hội Nông dân tỉnh tạo điều kiện như thế nào để giải quyết việc làm cho nông dân, thưa ông?
- Sau việc đào tạo nghề, hội còn tạo điều kiện cho nông dân trong giải quyết việc làm ngay. Chẳng hạn như Hội đã hướng dẫn kỹ thuật, cách chọn giống, thành lập trang trại chăn nuôi cho nông dân huyện Sơn Hòa. Hiện mô hình này đã được hình thành, nhiều nông dân đã tham gia và phát triển tốt. Ngoài ra, hội còn kết hợp, hỗ trợ bao tiêu sản phẩm cho người dân để bà con yên tâm sản xuất. Cụ thể, hội đã làm việc với Nhà máy đường KCP (huyện Sơn Hòa) tổ chức lớp dạy nghề trong vùng nguyên liệu để nâng cao chất lượng sản phẩm đạt năng suất cao. Hiện KCP cũng đã thống nhất tiếp tục tổ chức lớp để nông dân nắm chắc kỹ thuật trồng mía hơn nữa. Tại TP Tuy Hòa, hội đã trang bị kỹ thuật về trồng cây cảnh, bon sai… sau đó hỗ trợ vốn cho nông dân để phát triển sản xuất từ các nguồn vốn thương mại, ngân hàng chính sách xã hội, nhờ đó mà nông dân thu nhập cao và ổn định cuộc sống.
* Xin cảm ơn ông!
TRUNG HIẾU (thực hiện)