Cá ngừ đại dương nói riêng và cá ngừ nói chung là một trong những mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Tuy nhiên, có một thực tế là đội tàu của ngư dân Việt Nam nói chung và Phú Yên nói riêng còn nhỏ, trang thiết bị phục vụ khai thác lạc hậu. Vì vậy, hiện đại hóa nghề câu cá ngừ đại dương đang là yêu cầu cấp thiết hiện nay.
Ngư dân TP Tuy Hòa chuyển cá ngừ vào bờ để sơ chế - Ảnh: L.PHONG
Nghề câu cá ngừ đại dương được hình thành từ những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, xuất phát từ ngư dân làm nghề câu cá mập ở làng biển Phú Câu (phường 6, TP Tuy Hòa). Năm 2011, Phú Yên có khoảng 700 tàu câu cá ngừ đại dương, sản lượng đạt hơn 5.600 tấn, tương đương 800 tỉ đồng. Phần lớn những người đi bạn (thủy thủ, thuyền viên) có thu nhập khoảng 10 triệu đồng/chuyến biển. Đời sống phần lớn ngư dân câu cá ngừ đại dương được nâng cao, việc học hành của con em ngư dân được chăm lo; nhà cửa, trường học, trạm xá, đường giao thông được bà con ngư dân tích cực đóng góp xây dựng ngày càng khang trang. Nghề này còn góp phần làm giàu cho nhiều người thu mua, chế biến, xuất khẩu, dịch vụ xăng dầu, nước đá, ngư cụ, lương thực thực phẩm…
So với các nước phát triển, phần lớn tàu câu cá ngừ đại dương của ngư dân Phú Yên có công suất nhỏ, trang thiết bị thô sơ, trình độ vận hành, sử dụng các máy móc, thiết bị khai thác, hàng hải, thông tin liên lạc, sơ chế, bảo quản sản phẩm trên tàu còn nhiều hạn chế. Hệ thống các cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá còn nhỏ lẻ, chưa tương xứng với nhu cầu phát triển. Hiện chưa có tàu thu mua cá ngừ đại dương và cung cấp các nhu cầu về dầu, nước đá, lương thực, thực phẩm, nước ngọt trực tiếp trên biển. Hệ thống bến, cảng, kho bãi chưa đảm bảo yêu cầu tiêu chuẩn làm hàng cá ngừ đại dương khi tàu về bến. Một yếu tố quan trọng khác là nguồn vốn lưu động (phí tổn chuyến biển) của ngư dân còn hạn chế, phần lớn các chủ tàu phải ứng trước các đại lý thu mua để tổ chức chuyến biển.
Đẩy mạnh hiện đại hóa nghề câu cá ngừ đại dương là biện pháp để nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế. Trước hết, định hướng và giải pháp về đầu tư, sắp xếp bố trí cơ cấu nghề phát triển hợp lý, giảm áp lực khai thác thủy sản gần bờ và bảo vệ môi trường sinh thái nguồn lợi ven bờ, khuyến khích khai thác ngư trường xa bờ. Các cơ quan chuyên môn cần thường xuyên dự báo ngư trường, nguồn lợi và mùa vụ khai thác cá ngừ đại dương, tập huấn hướng dẫn kỹ thuật khai thác, sơ chế bảo quản và vệ sinh an toàn thực phẩm trong quá trình khai thác cho ngư dân; thông tin thị trường tiêu thụ cá ngừ đại dương, sử dụng máy tầm ngư (đối với nghề lưới vây rút chì), định vị, máy kéo câu, máy bộ đàm, điều khiển tàu thuyền, phòng tránh bão, an toàn hàng hải… cho ngư dân.
Năm 2011, giá trị xuất khẩu cá ngừ đạt 379,4 triệu USD, tăng 29,4% so với năm 2010. Việc khai thác, thu mua, chế biến, xuất khẩu cá ngừ đã giải quyết việc làm, ổn định cuộc sống cho hàng chục ngàn lao động ven biển cả nước. |
Mặt khác, bà con ngư dân cần cải tiến ngư cụ và mồi câu, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp để giảm chi phí sản xuất. Ngư dân cần đầu tư tàu có công suất lớn, trang thiết bị hiện đại, như hệ thống trang thiết bị sơ chế cá ngay trên tàu, hầm bảo quản, máy làm lạnh để tăng khả năng giữ lạnh trong thời gian tàu hoạt động trên biển. Các chủ tàu cần trang bị đồ bảo hộ lao động cho thuyền viên, thủy thủ đoàn. Các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ nguồn nước đá theo đúng yêu cầu chất lượng; thành lập các ngư đội đánh bắt cá ngừ đại dương để tăng khả năng hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ vốn, kỹ thuật, thông tin ngư trường, thị trường… Bên cạnh đó, các ngành chức năng cũng cần quan tâm đầu tư hệ thống thông tin liên lạc tầm xa giữa đất liền với tàu khi hoạt động trên biển; tổ chức tàu lớn thu mua cá ngừ và cung ứng nguyên, nhiên liệu ngay trên biển cho các tàu câu cá ngừ đại dương nhằm giảm chi phí, tăng hiệu quả kinh tế cho mỗi chuyến biển. Các doanh nghiệp thu mua cá ngừ ký cam kết tiêu chuẩn chất lượng cá ngừ đại dương sẽ thu mua với cơ quan chức năng có thẩm quyền và niêm yết công khai để ngư dân biết. Cơ quan chức năng tăng cường công tác giám sát việc thực hiện cam kết của các cơ sở thu mua; tăng cường xử lý vi phạm tiêu chuẩn chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm trong khai thác, thu mua, chế biến cá ngừ đại dương. Ngành thủy sản Việt Nam cần sớm ban hành tiêu chuẩn chất lượng cá ngừ đại dương để phục vụ tốt hơn cho công tác quản lý. Các cơ sở chế biến xuất khẩu cá ngừ đại dương phải đầu tư hiện đại hóa trang thiết bị, máy móc, đổi mới công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng hàng hóa đáp ứng nhu cầu của nhiều thị trường trong và ngoài nước.
Các cơ sở đóng, sửa tàu thuyền hiện có tại địa phương nên đầu tư theo hướng hiện đại. Hệ thống cung ứng dịch vụ xăng dầu, nước đá, nước ngọt, vật tư, máy móc thiết bị phục vụ nghề câu cá ngừ đại dương phải được tăng cường nhằm đáp ứng kịp thời sự phát triển của nghề câu cá ngừ đại dương ở từng địa phương và trong cả nước. Thị trường xuất khẩu cá ngừ đại dương cần được mở rộng thông qua việc đẩy mạnh quan hệ hợp tác với các đối tác nước ngoài, từng bước đưa thương hiệu cá ngừ đại dương của Việt Nam ra thị trường thế giới.
NGUYỄN KHẮC TÂN
Phó chủ tịch Hiệp hội Cá ngừ Phú Yên