Thứ Tư, 09/10/2024 13:26 CH
Nuôi sò huyết thương phẩm ở đầm Ô Loan (huyện Tuy An):
Bảo vệ nguồn lợi đang dần mai một
Thứ Ba, 01/05/2012 14:05 CH

Đầm Ô Loan (huyện Tuy An) có nhiều loài thủy sản sinh sống, trong đó sò huyết có giá trị kinh tế cao. Dự án Xây dựng mô hình nuôi sò huyết thương phẩm bằng chắn đăng ở đầm Ô Loan đang được triển khai, kỳ vọng sẽ góp phần bảo vệ nguồn lợi quý mang tính đặc thù của đầm Ô Loan…

 

So-3120430.jpg

Người dân sinh sống ven đầm Ô Loan (Tuy An) đang khai thác sò huyết - Ảnh: A.NGỌC

DỰ ÁN KHẢ THI

Từ lâu, đầm Ô Loan là nơi mưu sinh chính của một bộ phận dân cư sống ven đầm. Khi nghề nuôi tôm phát triển mạnh, việc sử dụng các loại thuốc, hóa chất xử lý ao nuôi và dịch bệnh xảy ra đã ảnh hưởng đến cân bằng sinh thái và sự phát triển tự nhiên của nhiều loài thủy sản trong đầm. Theo điều tra của Trung tâm Giống và kỹ thuật thủy sản tỉnh (Sở NN-PTNT Phú Yên), từ năm 2007 nguồn sò huyết Ô Loan bị cạn kiệt, riêng các năm 2008, 2009 hầu như không thấy sò xuất hiện trong đầm, nhiều người làm nghề khai thác sò huyết phải chuyển sang nghề khác.

Trước thực trạng này, việc phục hồi và phát triển bền vững nguồn lợi sò huyết đầm Ô Loan là yêu cầu cấp thiết được các nhà khoa học, các nhà quản lý và người dân đặc biệt quan tâm. Cuối năm 2009, Trung tâm Giống và kỹ thuật thủy sản tỉnh thực hiện đề tài khoa học công nghệ cấp tỉnh: Nghiên cứu xây dựng mô hình bảo vệ và phát triển bền vững nguồn lợi sò huyết ở đầm Ô Loan, đánh giá những nguyên nhân chính ảnh hưởng đến nguồn lợi sò huyết ở đầm là ô nhiễm môi trường, cửa biển bị bồi lấp dẫn đến khả năng trao đổi nước giữa đầm với biển rất hạn chế. Ngoài ra, thời tiết biến đổi thất thường và ý thức bảo vệ nguồn lợi thủy sản của người dân chưa cao, việc khai thác theo kiểu tận thu là những nguyên nhân làm cạn kiệt nguồn sò huyết đầm Ô Loan.

Vấn đề đặt ra là làm sao bảo vệ và phát triển bền vững nguồn lợi sò huyết ở đầm Ô Loan? Nuôi sò huyết thương phẩm là một trong những giải pháp được đề xuất nhằm góp phần tái tạo nguồn lợi sò huyết, tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho một bộ phận dân cư sống ven đầm. Mới đây, dự án Xây dựng mô hình nuôi sò huyết thương phẩm bằng chắn đăng ở đầm Ô Loan đã được Hội đồng khoa học và công nghệ tỉnh xét duyệt đề cương thuyết minh và hoàn chỉnh dự án để triển khai thực hiện. Ông Lê Quang Hiệp, Phó giám đốc Trung tâm Giống và kỹ thuật thủy sản tỉnh, Chủ nhiệm dự án, cho biết: “Nghiên cứu xây dựng mô hình nuôi thử nghiệm sò huyết bằng chắn đăng ở đầm Ô Loan là một hướng mới,

đảm bảo định hướng phát triển của ngành. Mô hình này còn góp phần đa dạng hóa, chuyển đổi đối tượng nuôi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần bảo vệ nguồn lợi quý mang tính đặc thù của đầm, tạo thu nhập cho các hộ dân thuộc các xã ven đầm”.

NỖI LO CON GIỐNG

Thời gian gần đây, mật độ nuôi trồng thủy sản ở đầm quá dày, lượng chất thải trực tiếp vào đầm rất lớn gây ô nhiễm môi trường. Dịch bệnh tôm sú, tôm thẻ chân trắng trong những năm qua là bằng chứng cho thấy môi trường sinh thái ở khu vực đầm bị ô nhiễm nặng. Theo tiến sĩ Thái Ngọc Chiến, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III (Khánh Hòa), dự án Xây dựng mô hình nuôi sò huyết thương phẩm bằng chắn đăng ở đầm Ô Loan rất có ý nghĩa cho việc phát triển nuôi trồng thủy sản vì sò huyết là loài ăn lọc. Dự án thành công sẽ giảm thiểu ô nhiễm và cải tạo môi trường nước trong đầm, sò huyết có thể sinh sản tự nhiên trong đầm và nguồn lợi quý hiếm này sẽ được hồi phục và bổ sung.

Trước đây, sò huyết giống được chọn để thả nuôi có nguồn gốc từ tỉnh Bến Tre là cùng loài với sò huyết ở đầm Ô Loan (Ana­dara granosa). Theo phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Chính, nghiên cứu viên cao cấp Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III (Khánh Hòa), thủy nhưỡng ở đầm Ô Loan rất tốt, chất đáy phù hợp với sự sinh sản, phát triển của sò huyết, nên sò huyết giống từ Bến Tre đưa về thả nuôi ở đầm Ô Loan đạt chất lượng thịt cũng giống như sò huyết ở tại đầm Ô Loan… Tuy nhiên, ông Hồ Văn Phước, Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật tỉnh, lưu ý: “Việc chọn mua giống sò huyết từ các tỉnh, thành về thả nuôi ở đầm Ô Loan phải hết sức thận trọng. Nếu chọn mua không cùng giống sò huyết Ô Loan thì hậu quả sẽ rất khó lường, “thương hiệu” sò huyết Ô Loan có khả năng không còn vì giống sò bị lai”.

Thời gian qua, cửa biển Tân Quy bị bồi lấp làm hạn chế việc trao đổi nước giữa đầm Ô Loan với biển, môi trường nước trong đầm không ổn định, làm giảm khả năng phát triển của các loài thủy sản sống trong đầm. Ông Trần Sáu, Phó phòng NN-PTNT huyện cho biết: “Nếu như mô hình nuôi sò huyết thương phẩm bằng chắn đăng ở đầm Ô Loan thành công thì những người làm nghề đăng, chấn hay các nghề cấm khai thác như xung điện, bóng Thái Lan… sẽ có cơ hội chuyển sang nuôi sò huyết. Tuy nhiên, nuôi sò huyết phải mất 7-8 tháng mới cho thu hoạch, trong khi nước trong đầm bị ngọt hóa do ảnh hưởng bởi mưa lụt ảnh hưởng đến sò huyết nuôi”.

ANH NGỌC

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek