Thứ Năm, 10/10/2024 17:24 CH
Đưa cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” vào chiều sâu
Thứ Bảy, 14/04/2012 14:00 CH

Sau gần ba năm triển khai, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã đạt nhiều kết quả khả quan; hàng Việt ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng. Để cuộc vận động đi vào chiều sâu, rất cần sự phối hợp giữa các cấp, ngành. Xung quanh vấn đề này, Báo Phú Yên đã có cuộc trao đổi với ông Bá Thanh Kia, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh Phú Yên, đại biểu Quốc hội khóa XIII.

 

kia120414.jpg

Ông Bá Thanh Kia, Chủ tịch Ủy ban MTTQ VN tỉnh - Ảnh: X.HUY

* Ông đánh giá thế nào về cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thời gian qua ở Phú Yên, thưa ông?

 

- Có thể nói khái quát là cuộc vận động đã mang lại hiệu quả thiết thực cả về kinh tế lẫn xã hội. Hiện các doanh nghiệp, nhà phân phối trong tỉnh như: Siêu thị Co.opMart Tuy Hòa, Công ty cổ phần Thương mại miền núi Phú Yên, Công ty cổ phần Kỹ nghệ thực phẩm Phú Yên, Công ty cổ phần An Hưng, DNTN Hoàng Phương, Công ty TNHH Bia và nước giải khát Phú Yên… đã tích cực hưởng ứng bằng việc không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm với giá cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

 

Hàng Việt Nam chất lượng cao không chỉ có mặt ở siêu thị, trung tâm thương mại mà còn có mặt ở các cửa hàng bán lẻ tại các địa phương. Tính đến nay, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn tỉnh ước đạt hơn 11.600 tỉ đồng, tăng hơn 23% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó hàng nội địa chiếm tỉ trọng hơn 91%. Kết quả này là nhờ Sở KH-ĐT và Sở Công thương đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ xúc tiến thương mại, du lịch như: hội chợ triển lãm, thương mại, hàng tiêu dùng, quảng bá thương hiệu Việt gắn với chính sách giảm giá, khuyến mãi; tổ chức hàng chục phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, khu công nghiệp lôi kéo nhiều doanh nghiệp trong tỉnh tham gia. Các cơ quan quản lý trên địa bàn tỉnh công bố các tiêu chuẩn về chất lượng, giá cả sản phẩm nội địa cũng như hàng nhập ngoại một cách thường xuyên, rộng rãi; thường xuyên tổ chức kiểm tra, kịp thời ngăn chặn, xử lý không để hàng giả, kém chất lượng có mặt trên thị trường.

 

Các đơn vị Nhà nước đã có sự chuyển biến tích cực trong nhận thức, chỉ đạo theo hướng ưu tiên sử dụng hàng hóa nội địa khi mua sắm, trang bị tài sản công. Các cơ quan báo, đài đã tuyên truyền, vận động có hiệu quả, phát huy lòng yêu nước, ý thức tự lực, tự cường, lòng tự tôn trong sản xuất, phân phối và tiêu dùng hàng Việt. Xây dựng văn hóa tiêu dùng trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Đặc biệt hơn, cuộc vận động còn có ý nghĩa thực hiện hiệu quả Nghị quyết 11 của Chính phủ về “Những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội”.

 

hh120414.jpg

Người tiêu dùng Phú Yên chọn mua hàng tại một hội chợ đưa hàng Việt về nông thôn - Ảnh: M.ĐĂNG

* Ông có thể cho biết những vấn đề tồn tại ảnh hưởng đến hiệu quả thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”?

 

- Hiện nhiều địa phương, hàng hóa nội địa dần chiếm lĩnh thị trường, có nơi đánh bật hàng hóa nhập ngoại, nhất là hàng Trung Quốc. Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn những sản phẩm quá đát, kém chất lượng xuất hiện, nhất là tại các thị trường nông thôn, miền núi khiến người tiêu dùng bức xúc như: rượu giả chứa độc tố, mỹ phẩm chứa hóa chất không được phép sử dụng, thực phẩm chứa chất bảo quản, thuốc kích thích tăng trưởng chứa dư lượng chất kháng sinh quá mức, mũ bảo hiểm giả, nhái; xăng dầu bị đong thiếu… Để giảm thiểu vấn nạn này, chúng tôi đang tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng tỉnh tăng cường thanh kiểm tra, giám sát các điểm bán hàng nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

 

Trong khi đó, cơ chế, chính sách, giải pháp về quản lý Nhà nước nhằm tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà cung cấp dịch vụ đưa hàng Việt đến người tiêu dùng chưa đồng bộ, đầy đủ. Việc đưa hàng Việt về nông thôn còn mang tính phong trào, thời vụ. Các doanh nghiệp chưa chú trọng đến công tác nghiên cứu thị trường, phát triển sản phẩm thương mại trên thị trường cả nước. Công tác tuyên truyền chưa thực sự sâu rộng, trách nhiệm của các ngành, các tổ chức trong hệ thống chính trị có lúc, có nơi chưa phát huy đầy đủ, thiếu tập trung chỉ đạo thực hiện. Một lý do khác là cuộc vận động còn mới nên bước đầu trong chỉ đạo có những lúng túng nhất định, các chương trình hành động mang tính riêng lẻ, độc lập, chưa gắn kết nên chưa phát huy thế mạnh của từng địa phương. Bên cạnh đó kinh phí còn hạn chế nên các đơn vị gặp khó khăn trong công tác tuyên truyền, triển khai cuộc vận động.

 

cho120414.jpg

Người dân Đồng Xuân mua hàng tại phiên chợ “Đưa hàng Việt về nông thôn” - Ảnh: X.HUY

* Để khắc phục những tồn tại, hạn chế đó, theo ông trong thời gian tới cần làm những gì để cuộc vận động đi vào chiều sâu?

 

- Để thực hiện thắng lợi Kết luận 264 của Bộ Chính trị, Kế hoạch 18 của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQVN; Nghị quyết Đại hội lần thứ XV của Đảng bộ tỉnh, Ban chỉ đạo cuộc vận động đã triển khai nhiều kế hoạch đồng bộ, như duy trì thường xuyên công tác tuyên truyền theo hướng khuyến khích các đơn vị tiếp tục mua sắm thiết bị, hàng hóa Việt. Cán bộ, đảng viên không chỉ tích cực hưởng ứng mà còn vận động người thân trong gia đình mua hàng Việt, lồng ghép vào các phong trào thi đua yêu nước ở từng địa phương, đơn vị. Sở GD-ĐT tiếp tục tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, đưa nội dung cuộc vận động vào trường học một cách hợp lý, góp phần hình thành, giáo dục ý thức, văn hóa tiêu dùng hàng nội cho học sinh, sinh viên. Tập trung phản ánh việc thực hiện cuộc vận động từ các doanh nghiệp, cơ quan cũng như phản ánh suy nghĩ, ý kiến, kiến nghị của người tiêu dùng hàng Việt.

 

 Bên cạnh đó, tăng cường công tác thanh kiểm tra, quản lý thị trường, công tác giám định để ngăn chặn hàng kém chất lượng, không đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm; thực hiện bình ổn giá để bảo vệ quyền và lợi ích của người tiêu dùng cũng như các doanh nghiệp chân chính.

 

Bên cạnh việc tăng cường kinh phí hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, tạo điều kiện giao thương, hợp tác, cần tiếp tục triển khai công tác hỗ trợ xúc tiến thương mại, du lịch Phú Yên thông qua hội chợ, hội thảo, quảng bá thương hiệu Việt, đưa hàng Việt về nông thôn. Về phần mình, các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh hàng hóa cần đầu tư, đổi mới công nghệ, hoàn thiện chất lượng, mẫu mã, có chính sách hậu mãi hấp dẫn … nhằm thu hút và giữ chân khách hàng. Cuối cùng các cơ quan báo, đài nghiên cứu xây dựng các chuyên trang, chuyên mục để quảng bá thương hiệu Việt một cách thường xuyên đến với người tiêu dùng trong cả nước. Tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền cuộc vận động, kịp thời đấu tranh, phê phán các hành vi vi phạm quyền lợi người tiêu dùng, tâm lý sính ngoại trong nhân dân.

 

* Xin cảm ơn ông !

 

XUÂN HUY (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Vẫn ì ạch
Thứ Sáu, 13/04/2012 14:00 CH
4 huyện đạt và vượt kế hoạch
Thứ Sáu, 13/04/2012 08:00 SA
Lãi suất cho vay thấp nhất 13,5%
Thứ Sáu, 13/04/2012 07:00 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek