Thứ Năm, 10/10/2024 19:17 CH
Tín dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn:
Giúp người dân cải thiện chất lượng sống
Thứ Sáu, 13/04/2012 07:30 SA

Những năm gần đây, chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (NS&VSMTNT) của chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (VBSP) Phú Yên đã phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng đời sống của người dân, giúp các địa phương có điều kiện thực hiện tiêu chí về môi trường trong xây dựng nông thôn mới.

 

nuoc-sach120413.jpg

Nước sạch đến với hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Sông Hinh - Ảnh: N.TRƯỜNG

GÓP PHẦN NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CUỘC SỐNG

Đến cuối tháng 3/2012, dư nợ chương trình tín dụng NS&VSMTNT trên địa bàn tỉnh đạt trên 155 tỉ đồng cho hơn 38.760 lượt hộ vay với mức bình quân 4 triệu đồng/công trình. Những địa phương có dư nợ đạt khá chủ yếu tập trung ở đồng bằng, ven biển như các huyện Tuy An (30,8 tỉ đồng), Đông Hòa (gần 30,7 tỉ đồng), Phú Hòa (26,4 tỉ đồng), TX Sông Cầu (gần 24,3 tỉ đồng)…

Từ năm 2006, VBSP Phú Yên bắt đầu cho vay NS&VSMTNT. Đây là một trong những chương trình tín dụng ưu đãi giúp các hộ dân ở nông thôn, miền núi có nhu cầu được vay vốn để khoan giếng, xây bể, mua bồn chứa nước, lắp đặt đường ống dẫn nước sạch; xây nhà vệ sinh, làm hầm biogas… Theo đó, mỗi gia đình được vay 4 triệu đồng cho một công trình nước sạch, hoặc một công trình vệ sinh; nếu hộ gia đình cùng lúc thực hiện 2 công trình thì mức vay tối đa lên đến 8 triệu đồng/hộ, thời hạn vay 5 năm, lãi suất 0,9%/tháng.

Bà Mai Thị Tùng ở thôn Phú Thịnh, xã An Thạch, huyện Tuy An cho biết: “Trước kia, mỗi ngày vợ chồng tôi phải thay phiên đi gánh nước về sử dụng. Mùa khô, giếng cạn, phải chờ cả buổi mới có nước dùng. Từ ngày có nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội, gia đình vay 8 triệu đồng, rồi thêm một ít tiền dành dụm được xây bể chứa, nhà tắm, nhà vệ sinh và làm đường ống đấu nối nước sạch từ công trình nước tập trung của xã. Nhờ vậy, mọi sinh hoạt của gia đình rất tiện lợi, môi trường sống cũng được cải thiện”. Còn ông Phan Lịch ở xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa thì dùng số tiền 4 triệu đồng vay từ chương trình NS&VSMTNT để đầu tư xây hệ thống ủ khí thải biogas. Nhờ đó, chất thải của đàn heo hơn chục con được tập trung vào hầm, vừa tạo ra khí gas làm chất đốt phục vụ việc nấu nướng trong gia đình, vừa hạn chế được tình trạng ô nhiễm môi trường. “Nguồn vốn vay ngân hàng đã giúp gia đình tôi giải quyết được vấn đề vệ sinh, góp phần đảm bảo sức khỏe, tiết kiệm chi phí chất đốt hàng tháng”, ông Lịch nói.

Theo bà Trần Thị Thúy Oanh, Phó chủ tịch Hội Phụ nữ xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa, chương trình tín dụng NS&VSMTNT phù hợp với nguyện vọng của người dân ở khu vực nông thôn, miền núi, phát huy hiệu quả về kinh tế và xã hội, góp phần tăng tỉ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch; tăng số hộ gia đình có nhà xí hợp vệ sinh, giúp cải thiện môi trường sống. Không chỉ hộ nghèo mà những hộ có nhu cầu làm công trình nước sạch, công trình vệ sinh phục vụ sinh hoạt đều được Hội hướng dẫn làm thủ tục vay nguồn vốn này.

Anh-Le-Hao120413.jpg

Người dân xã Sơn Phước, huyện Sơn Hòa sử dụng nước sạch - Ảnh: L.HẢO

“ĐÒN BẨY” CHO NÔNG THÔN MỚI

Sau 6 năm triển khai chương trình, tỉ lệ hộ dân ở nông thôn, miền núi Phú Yên được sử dụng nước sạch là 66%, tỉ lệ gia đình có công trình vệ sinh tăng lên 56%. Ông Hồ Văn Thục, Phó giám đốc VBSP Phú Yên cho biết: chương trình đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, từng bước giúp các địa phương thực hiện về tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, việc giải ngân vốn chương trình NS&VSMTNT hiện đang gặp một số khó khăn. Tại một số phường ven biển ở TX Sông Cầu, TP Tuy Hòa, nhiều người dân vẫn có nhu cầu vay vốn xây dựng công trình nước sạch, vệ sinh phục vụ cho việc sinh hoạt trong gia đình, nhưng vì sống ở khu vực đô thị nên nhóm đối tượng này không được hưởng tín dụng ưu đãi. Trong khi đó, ở các huyện miền núi Đồng Xuân, Sơn Hòa, Sông Hinh không thể giải ngân hết vì nhu cầu vay vốn của người dân ở đây quá thấp. Ngoài ra, mức cho vay 4 triệu đồng/công trình được duy trì từ năm 2004 đến nay đã không còn phù hợp. Hiện các hộ dân sau khi được vay đều phải bỏ thêm vốn tự có mới đủ tiền xây dựng một công trình có thể sử dụng lâu dài.

Theo ông Thục, trong thời gian tới, VBSP Phú Yên tiếp tục kiến nghị nâng mức vay để đảm bảo đủ nguồn vốn cho các hộ dân làm được công trình nước sạch, vệ sinh có chất lượng; mở rộng thêm các đối tượng vay, ưu tiên người dân ở các phường ven biển có nhu cầu vay vốn. Các địa phương cần đầu tư xây dựng thêm nhiều công trình nước tập trung, về phần mình các hộ sẽ sử dụng vốn vay từ VBSP để đấu nối sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh đảm bảo sức khỏe; đồng thời phối hợp giữa các hội đoàn thể, cơ quan chuyên môn tăng cường tuyên truyền, giáo dục để người dân, đặc biệt là ở khu vực miền núi, nhận thức được lợi ích khi sử dụng các công trình nước sạch, vệ sinh, thay đổi tập quán sinh hoạt, hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường sống. Năm 2012, VBSP Phú Yên được giao kế hoạch giải ngân 20 tỉ đồng cho vay chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường. Ngân hàng sẽ tiếp tục khảo sát nhu cầu vay vốn của các hộ chưa được vay để giải quyết cho vay, trong đó ưu tiên phân bổ vốn cho các xã bãi ngang ven biển, xã điểm xây dựng nông thôn mới.

VIỆT AN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek