Hiện hàng nông, thủy sản mang thương hiệu Phú Yên xuất hiện tại siêu thị ngày càng nhiều, được khách hàng lựa chọn, mang lại không ít cơ hội cho doanh nghiệp sản xuất lẫn siêu thị. Tuy nhiên, để đảm bảo lợi ích, rất cần sự chung tay góp sức của cả hai phía…
Hàng rau củ quả được bày bán tại siêu thị Co.opMart Tuy Hòa - Ảnh: H.XUÂN
LỢI CẢ ĐÔI BÊN
Với chuỗi cung ứng trải rộng khắp nước, lấy chất lượng làm uy tín hàng đầu, siêu thị được xem là kênh quảng bá, giới thiệu sản phẩm quan trọng. Do đó, việc đưa hàng nông, thủy sản địa phương vào bán tại các siêu thị được xem là cách làm kinh tế hiệu quả, chẳng những giúp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có đầu ra ổn định, mà còn góp phần nâng cao giá trị thương hiệu. Cách đây ba năm, chỉ có một vài sản phẩm “made in Phú Yên” có mặt tại Siêu thị CoopMart Tuy Hòa và Siêu thị Thuận Thanh như: cá ngừ đại dương, cà phê, bò một nắng thì nay có thêm hàng chục sản phẩm khác nhau tại mỗi siêu thị như: bánh tráng, yến sào, rượu, nước mắm, khô da cá, muối kiến vàng, dược liệu, nước giải nhiệt,… và đều được bán khá chạy.
Ông Nguyễn Ngọc Anh, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp – Kinh doanh tổng hợp Bình Ngọc (TP Tuy Hòa) cho biết: “Các loại rau xanh của HTX như húng quế, xà lách, ngò, hành… được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, nhưng do cung cấp cho các chợ đầu mối, ít người biết đến nên giá bán ra không cao. Kể từ khi đưa vào bán tại siêu thị, sản phẩm rau Bình Ngọc ngày càng được biết đến nhiều hơn. Hiện mỗi tháng, HTX cung cấp cho siêu thị khoảng 3 tấn rau các loại, với giá bán cao hơn bên ngoài từ 2.000-3.000 đồng/kg, nên số tiền lời thu về trên 30 triệu đồng/năm/ha”.
Theo bà Nguyễn Thị Hà, chủ DNTN Hà Trung (huyện Sơn Hòa), cho biết, từ khi vào siêu thị, sản phẩm bò một nắng của doanh nghiệp ngày càng được nhiều người biết đến. Nhờ đó, doanh nghiệp có điều kiện phát triển một số sản phẩm mới như: Bò khô sợi ăn liền, mực khô sợi, thịt đà điểu một nắng… Hiện siêu thị vẫn là một trong những kênh phân phối quan trọng để sản phẩm của đơn vị có mặt trên thị trường cả nước…”.
Bà Nguyễn Thị Kim Hồng, Trưởng phòng Kinh doanh Siêu thị Thuận Thanh cho biết: “Hiện chúng tôi rất quan tâm đến các sản phẩm địa phương bởi nó giúp siêu thị đa dạng hóa nguồn hàng, giảm chi phí vận chuyển, thời gian giao hàng cũng như nâng cao tính cạnh tranh của hàng hóa. Do đó ngoài việc dành cho hàng địa phương một gian trưng bày riêng, dễ thu hút sự chú ý của khách hàng, siêu thị còn tạo điều kiện quảng bá hàng địa phương tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng…”.
ĐỂ NÔNG SẢN VÀO SIÊU THỊ NHIỀU HƠN
Hiện nay, do ảnh hưởng của việc tăng giá xăng dầu, gas nên người tiêu dùng ngày càng có xu hướng “thắt lưng buộc bụng”, việc tìm đầu ra cho sản phẩm của doanh nghiệp cũng gặp khó khăn nhất định. Vì thế việc đưa hàng địa phương vào siêu thị cũng là cách nhằm giải quyết đầu ra ổn định cho sản phẩm. Điều quan trọng chính là sự phối hợp hiệu quả giữa siêu thị và nhà sản xuất.
Theo các doanh nghiệp sản xuất, để hàng hóa có mặt tại siêu thị thường phải mất khá nhiều thời gian do thủ tục. Thường thì phải sau hơn một tháng bán hàng, doanh nghiệp sản xuất mới được thanh toán nên buộc họ phải chạy vạy khắp nơi để trả lãi, ảnh hưởng đến nguồn vốn để tái đầu tư. Bên cạnh đó do diện tích có hạn nên lượng hàng đưa vào siêu thị không được nhiều như mong muốn cộng với khoản chiết khấu vẫn đang ở mức cao gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.
Bà Nguyễn Thị Kim Hồng cho biết thêm: “Để hàng hóa địa phương vào siêu thị nhiều hơn, ngoài việc không ngừng đầu tư, nâng cao chất lượng sản phẩm, các doanh nghiệp phải đảm bảo các thủ tục thông thường như: giấy đăng ký kinh doanh, mã số thuế, giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, các tiêu chí chất lượng khác tùy theo từng ngành hàng cụ thể”. Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Lài, Phó giám đốc Siêu thị CoopMart Tuy Hòa, bất cứ hàng hóa nào vào siêu thị phải thông qua một quy trình kiểm tra kiểm soát hết sức nghiêm ngặt. Hiện nay nhân viên quản lý, kiểm soát chất lượng của siêu thị thường kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất các mẫu thực phẩm tại các cơ sở sản xuất. Về phía siêu thị, ngoài việc tạo điều kiện tối đa cho nhà sản xuất, sắp tới siêu thị sẽ dành riêng một gian để trưng bày hàng địa phương. Điều quan trọng hiện nay là các doanh nghiệp cần chủ động hơn nữa trong việc phối hợp với siêu thị thực hiện các chương trình hỗ trợ, khuyến mãi, giảm giá dành cho người tiêu dùng. Bởi ngoài việc tri ân khách hàng, điều này cũng góp phần bình ổn giá cả hàng hóa trên thị trường”.
XUÂN HUY