Cách đây 53 năm, ngày 1/4/1959 Bác Hồ đã về thăm làng cá và ngư dân trên đảo Tuần Châu (tỉnh Quảng Ninh) và đảo Cát Bà (TP Hải Phòng), những nơi Bác đến, Người đã căn dặn cán bộ và nhân dân “Biển bạc của ta do nhân dân ta làm chủ” và nhắc nhở “Cán bộ phải tổ chức sản xuất và chăm lo đời sống cho nhân dân vùng biển”.
Tàu cập cảng Vũng Rô (Phú Yên) để bốc dỡ hàng - Ảnh: P.NAM
Thực hiện lời dạy của Bác, cán bộ, công nhân, viên chức, lao động ngành thủy sản và bà con ngư dân trong cả nước luôn bền bỉ phấn đấu, xây dựng ngành thủy sản trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Không ngừng đẩy mạnh sản xuất kinh doanh có hiệu quả, nâng cao đời sống cán bộ công nhân viên và người lao động, đặc biệt là việc nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho bà con ngư dân vùng biển, như lời Bác Hồ đã căn dặn cách đây 53 năm.
Chúng ta tự hào đất nước ta là một quốc gia biển, có chiều dài bờ biển 3.260km, diện tích vùng biển đặc quyền kinh tế trên 1 triệu km2, với dân số vùng biển và đảo trên 32 triệu người. Phú Yên cũng là một tỉnh có thế mạnh về biển, có chiều dài bờ biển trên 189km, diện tích vùng biển và vùng đặc quyền kinh tế trên 34.000km2, với chín đảo lớn, nhỏ gần bờ (Lao Mái Nhà, hòn Yến, hòn Chùa, hòn Than, hòn Dứa, hòn Khô, hòn Nưa...) có nhiều rạn đá san hô và thảm thực vật biển tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều loài thủy sản sinh sôi, phát triển; Với dân số vùng biển gần 500.000 người, chiếm hơn một nửa dân số của tỉnh, đây là nhân lực quan trọng để phát triển kinh tế biển và tham gia bảo vệ biển, đảo.
Nhận rõ tầm quan trọng của lực lượng sản xuất thủy sản đối với phát triển kinh tế và bảo đảm an ninh, quốc phòng của Tổ quốc, những năm qua Đảng và Nhà nước đã luôn quan tâm đầu tư cho phát triển thủy sản cả về cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng, khoa học công nghệ và đào tạo nâng cao trình độ quản lý, kỹ thuật, kỹ năng nghề nghiệp cho cán bộ và nhân dân vùng biển. Đồng thời, Nhà nước cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ ngư dân để nâng cao sức sản xuất và ổn định cuộc sống. Nhờ đó mà nhiều tiềm năng, lợi thế về tự nhiên và xã hội ngành Thủy sản đã được khai thác và phát huy hiệu quả. Nhiều vùng đất và mặt nước hoang hóa trước đây nay đã trở thành những vùng nuôi trồng thủy sản trọng điểm với trình độ thâm canh cao và ứng dụng khoa học kỹ thuật ngày càng hiện đại, tạo ra năng suất, hiệu quả kinh tế cao. Cuộc sống bà con ngư dân ngày càng được nâng cao, bộ mặt ngư thôn không ngừng đổi mới. Bên cạnh sự phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực nuôi trồng và lĩnh vực khai thác thủy sản, thì lĩnh vực chế biến, xuất khẩu thủy sản cũng có bước phát triển vượt bậc, công nghệ chế biến ngày càng hiện đại, tạo ra sản phẩm chất lượng cao và đa dạng về chủng loại mặt hàng. Việc tiêu thụ sản phẩm thủy sản cũng đã vươn ra thị trường quốc tế.
Ở Phú Yên, các vùng đất nhiễm mặn và mặt nước hoang hóa ở hạ lưu sông Bàn Thạch, đầm Ô Loan, vịnh Xuân Đài, đầm Cù Mông, vịnh Vũng Rô đã trở thành những vùng nuôi trồng thủy sản trọng điểm của tỉnh. Đặc biệt nghề nuôi tôm hùm bằng lồng, bè và nghề câu cá ngừ đại dương đã phát triển vào bậc nhất của cả nước. Nhiều doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu trên địa bàn tỉnh được thành lập và hoạt động ngày càng mạnh, nhiều cảng cá, bến cá, cơ sở đóng sửa tàu thuyền, cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá được đầu tư xây dựng, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển sản xuất kinh doanh thủy sản. Đạt được thành quả to lớn đó là nhờ Đảng và Nhà nước ta đã có đường lối chính sách đúng đắn trong phát triển kinh tế thủy sản, sự nỗ lực phấn đấu lao động của bà con ngư dân, sự tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh hải của Tổ quốc của lực lượng Bộ đội Biên phòng, Hải quân, Cảnh sát biển…
Tuy nhiên, những năm gần đây, nhiều tàu nước ngoài đã trắng trợn xâm phạm lãnh hải nước ta, đe dọa nghiêm trọng quyền làm chủ biển, đảo của Tổ quốc, đòi hỏi việc tăng cường công tác bảo đảm an ninh và trật tự an toàn trên biển là hết sức cấp thiết. Một mặt, vừa tăng cường đấu tranh trên nghị trường quốc tế, giải quyết vấn đề xâm phạm lãnh hải và xâm hại ngư dân và các lực lượng làm kinh tế trên biển Đông thuộc chủ quyền của nước ta thông qua con đường ngoại giao, hòa giải, vừa tăng cường hoạt động của lực lượng Cảnh sát biển, Hải quân, Bộ đội Biên phòng tuần tra, phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp tàu nước ngoài xâm phạm lãnh hải, xâm chiếm biển, đảo nước ta, xâm hại ngư dân và các lực lượng làm kinh tế của ta trên biển Đông. Mặt khác, phải chủ động đẩy mạnh công tác tự vệ và phòng vệ trên biển cho bà con ngư dân và các lực lượng làm kinh tế của ta; trang bị cho ngư dân kiến thức về an ninh, quốc phòng, về Luật Biển năm 1982 và các biện pháp tự vệ khi có tình huống xảy ra. Nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ ngư dân hoạt động ở ngư trường khơi - vùng đặc quyền kinh tế, đặc biệt đối với các tàu câu cá ngừ đại dương của ngư dân các tỉnh miền Trung, như: Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Định để họ bám biển, tăng khả năng ứng phó, phòng vệ ngay trên biển.
Khi các biện pháp đảm bảo an ninh và trật tự an toàn trên biển được tăng cường, đẩy mạnh và duy trì thường xuyên sẽ góp phần giúp bà con ngư dân yên tâm ra khơi, bám biển đánh bắt thủy sản, tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh hải của Tổ quốc, để thực sự “Biển bạc của ta do nhân dân ta làm chủ” như lời Bác Hồ đã căn dặn.
NGUYỄN KHẮC TÂN
Phó chủ tịch Hiệp hội Cá ngừ Phú Yên