Giữa trưa hè nắng gắt, hàng trăm người già trẻ, gái trai háo hức, tất bật gặt lúa chất thành từng đống cao ngất ngưởng. Dọc các con đường, tiếng máy tuốt lúa hòa trong tiếng gọi nhau í ới rộn rã cả góc làng. Toàn xã Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân những ngày này ngập tràn niềm vui vào vụ gặt mới.
Bà con đồng bào dân tộc thiểu số xã Phú Mỡ phấn khởi thu hoạch lúa đông xuân - Ảnh: P.NAM
Cánh đồng Phú Giang, xã Phú Mỡ đang rộ mùa thu hoạch lúa đông xuân với diện tích hàng chục hecta, lúa trải thảm vàng rực như nắng hè. Đây là một trong những cánh đồng lúa nước lý tưởng so với các xã vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh. Không như các địa bàn miền núi khác, đến kỳ thu hoạch, bà con Phú Mỡ đồng loạt ra đồng giúp nhau gặt hái, tấp nập vận chuyển lúa về buôn.
Xã Phú Mỡ có hơn 65ha lúa nước hai vụ, tập trung chủ yếu ở cánh đồng Phú Giang, bình quân mỗi hộ có từ 1-3 sào. Toàn bộ diện tích được chủ động bơm tưới từ 4 công trình thủy lợi với vốn đầu tư hàng tỉ đồng. Trong đó, phải kể đến Trạm bơm Phú Mỡ được đầu tư từ năm 2000, đảm bảo nguồn nước quanh năm cho cánh đồng Phú Giang. Cầm nắm lúa vàng trĩu hạt trên tay vừa mới gặt, Chị La Thị Hoa, nhà ở làng Bè, thôn Phú Giang phấn khởi cho biết: “Gần 10 năm nay, người dân nơi đây không còn cảnh thiếu ăn, hầu như nhà nào cũng có lúa dự trữ cho mùa sau. Vụ này, tôi trồng được hơn 1 sào lúa, thu được gần 1,5 tấn”. Tuy mới lập gia đình, anh Thanh Văn Nhung ở thôn Phú Giang cũng được chia hơn 400m2 ruộng, vụ trước thu được hơn 300kg, đủ để hai vợ chồng và đứa con nhỏ chủ động được cái ăn. Anh Nhung tâm sự: “Năm qua, hai vợ chồng tôi trồng thêm hơn 2 sào sắn, thu được trên 3 tấn, có lãi hơn 3 triệu đồng để mua thêm một số đồ dùng sinh hoạt trong nhà. Nếu mùa màng thuận lợi, khoảng 2-3 năm nữa là có thể tích góp xây được nhà ngói”.
Tại ruộng lúa đang thu hoạch của mí Sở cũng ở thôn Phú Giang có gần 20 người tất bật gặt hái, khuân vác lúa lên bờ đưa vào máy tuốt. Mí Sở phấn khởi khoe: “Nhà tôi có 4 người, trồng được hơn 2 sào, chưa gặt xong nhưng ước cũng thu được hơn 40 bao. Nếu lúa đủ phân, không bị sâu đục thân, thu 2,5 tấn là cái chắc”. Mí Sở cho biết thêm, hiện nay hầu hết bà con thôn Phú Giang đều có ruộng lúa nước 2 vụ nên không ai thiếu đói. Tuy năng suất không cao như ở đồng bằng, nhưng cũng chủ động được cái ăn tại chỗ, chứ không bấp bênh như trồng lúa rẫy trước đây.
Ngoài lúa nước, xã Phú Mỡ còn có hơn 300ha sắn, năng suất bình quân hàng năm đạt 1,5 tấn/ha và 6ha mía, năng suất bình quân trên 75 tấn/ha, gần 50ha các loại cây trồng khác và hơn 1.500 con bò.
Theo ông So Bếp, Chủ tịch UBND xã Phú Mỡ, nhờ chủ động được cái ăn tại chỗ nên bà con mạnh dạn đầu tư, mở rộng diện tích trồng sắn, mía và hoa màu tăng thu nhập. Hiện nay, việc phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp tuy có chuyển biến tích cực nhưng sản lượng lương thực cây có hạt đạt hiệu quả chưa cao; việc chuyển đổi cơ cấu giống, cây trồng vật nuôi, triển khai xây dựng nông thôn mới còn chậm. Trong những năm tới, địa phương tiếp tục đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với lợi thế của địa phương; chủ động đưa các giống mới, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, nâng cao năng xuất các loại cây trồng, phấn đấu đến cuối năm 2012 đạt sản lượng lương thực cây có hạt khoảng 885 tấn, tăng hơn 150 tấn so với năm 2011 và giảm tỉ lệ hộ nghèo bình quân 5%/năm.
PHƯƠNG NAM