Những ngày này, dọc quốc lộ 25 và các tuyến đường thuộc huyện Sơn Hòa, sắn phơi trắng rẫy, sắn chất đống trước hiên nhà… Từng tốp người đang miệt mài với công việc nạo bóc vỏ sắn, xắt lát, phơi khô nhằm kiếm tiền trang trải cuộc sống.
Một điểm nạo bóc vỏ sắn tại thị trấn Củng Sơn (Sơn Hòa) - Ảnh: H.LINH
Ông Đào Duy Linh, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Sơn Hòa cho biết: Niên vụ sắn 2011-2012, toàn huyện trồng được 1.900ha, đến thời điểm này nông dân đã thu hoạch trên 1.800ha sắn. Giá sắn năm nay không bằng những năm trước, người trồng tranh thủ thu hoạch chế biến thủ công để giải phóng đất, chuẩn bị xuống giống vụ sau.
Từ sau tết đến nay, sắn vào vụ thu hoạch rộ, các thương lái về tận nơi để thu mua, sau đó tập kết về các điểm chính thuê công nạo bóc vỏ, xắt lát, phơi khô. Tại một điểm tập kết sắn ở thị trấn Củng Sơn, từ mờ sáng, hàng chục người miệt mài với công việc nạo bóc vỏ. Chị Huỳnh Thị Kim Lan ở khu phố Trung Hòa, thị trấn Củng Sơn mồ hôi thấm ướt cả khẩu trang cho biết: “Tôi làm công việc này được mấy năm rồi, tuy thu nhập không cao nhưng cũng có đồng ra đồng vào. Cứ 100kg sắn tươi nạo vỏ thương lái trả 15.000 đồng. Tùy theo sức, một ngày có người nạo cả tấn”. Còn chị Hồ Thị Sa cho hay: “Một ngày làm luôn trưa thu nhập được một trăm ngàn đồng, tuy vất vả nhưng có tiền nuôi con ăn học”.
Giá sắn năm nay giảm, sắn tươi chỉ có 1.000 đồng/kg; sắn khô dao động 2.600-3.000 đồng/kg, so với năm ngoái giảm gần 500 đồng/kg. Giá sắn rẻ nhưng bán lại không dễ. Hầu hết các đại lý chỉ dám thu mua cầm chừng bởi giá tụt quá nhanh. Có đại lý thu mua từ đầu mùa với giá khá cao, nhưng chỉ sau 3 ngày, giá sắn đã hạ 2-3 giá. Để giải phóng đất, nhiều người nhổ sắn, thuê công nạo bóc vỏ, xắt lát, phơi khô chờ giá lên bán. Chị Nguyễn Thị Hanh, ở xã Suối Trai trồng 5 sào sắn nhưng giá hạ từng ngày nên chị quyết định thuê công nhổ và chế biến thủ công. “Mỗi héc ta sắn đầu tư 2-3 triệu đồng, với giá sắn khô như hiện nay thì người trồng không có lãi bao nhiêu. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn phải bấm bụng thu hoạch để trả tiền phân bón cho các đại lý và giải phóng đất cho vụ sau”, chị Hạnh nói. Chị Trần Thị Ngọc, một trong những đầu mối thu gom sắn ở huyện Sơn Hòa cho hay: “Ngoài công việc nạo vỏ sắn, người lao động còn có thêm thu nhập từ việc cắt sắn lát, phơi khô. Công việc này tính theo giờ, một giờ được 10.000 đồng. Nếu gom cả việc nạo vỏ sắn đến xắt sắn lát thì thu nhập mỗi ngày khoảng 120.000-150.000 đồng”.
HỒNG LINH