Thứ Tư, 27/11/2024 17:25 CH
Khi nông dân có “cần câu”
Thứ Năm, 15/03/2012 09:00 SA

Những năm qua, phong trào dạy nghề cho nông dân được triển khai rộng khắp với cách truyền đạt dễ hiểu, bám sát từng mô hình thực tế nên nông dân dễ tiếp thu. Khi có “cần câu cơm”, hoạt động sản xuất của nông dân trở nên ổn định và phát triển hơn.

ca-phe120315.jpg

Nông dân huyện Sơn Hòa chăm sóc cây cà phê - Ảnh: H.NAM

Ông Ma Min, tên khai sinh là Nay Y Dấc ở buôn Quen (xã Ea Bar, huyện Sông Hinh) sau một khóa tập huấn kỹ thuật trồng cà phê đã mạnh dạn đầu tư trồng loại cây này theo mô hình trang trại. Nhờ những kiến thức học được trong 3 tháng về kỹ thuật chọn giống, chăm sóc, phòng bệnh…, Ma Min đã trồng và thu được 16 tấn quả tươi trên diện tích 1ha cà phê chè, sau khi trừ chi phí lãi 40 triệu đồng. Ngoài ra, Ma Min còn thu được 20 triệu đồng/năm nhờ trồng sắn và làm dịch vụ máy tuốt, máy cày. Đặc biệt, ông cũng nuôi 30 con bò cái, hàng năm xuất bán 10 con, thu về hơn 50 triệu đồng. Theo lời Ma Min, khi phong trào trồng cà phê phát triển mạnh ở xã Ea Bar, ông chuyển đổi 2ha đậu đỏ sang trồng cà phê vối, thế nhưng loại cây này cho năng suất thấp nên gia đình thua lỗ. “Lúc đó, tôi phải bán bò để trả nợ. Một năm sau, nông trường cà phê Ea Bá có chủ trương mở rộng diện tích cà phê chè, tôi tìm đến học hỏi kinh nghiệm, đồng thời tham gia khóa tập huấn tại xã và quyết định chuyển đổi 1ha cà phê vối sang trồng cà phê chè”, Ma Min nói. Ngoài ra, ông cũng đã chuyển 2,5ha trồng cà phê sang trồng cao su. Sau một thời gian, lứa cao su này phát triển tốt, Ma Min trồng thêm 2,5 ha nữa. Hiện gia đình Ma Min chuẩn bị thu hoạch lứa mủ cao su đầu tiên. Ngoài ra, ông còn tận dụng nguồn nước từ suối trồng hơn 8 sào lúa nước phục vụ cái ăn cho gia đình.

Tương tự, ông Phạm Văn Ninh ở thôn Phú Sơn (xã Krông Pa, huyện Sơn Hòa) sau khi tham gia tập huấn khuyến nông, lâm, ngư đã xây dựng trang trại tổng hợp trồng mía, sắn, cây ăn quả và chăn nuôi bò. Đến nay, diện tích của trang trại đã được gần 20ha; trong đó mía hơn 12ha, sắn 4ha, còn lại là một số loại cây ăn trái như mãng cầu, xoài, bơ và điều. Cùng với trồng trọt, ông còn chăn nuôi gia súc, gia cầm; tổng thu nhập hằng năm trên 50 triệu đồng. Ông Ninh mong muốn có một câu lạc bộ nông dân trên địa bàn xã để cùng chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật tăng năng suất, mang lại thu nhập cao, xây dựng đời sống ngày một ấm no. Ông Nguyễn Trung Đạt, Chủ tịch Hội Nông dân xã Krông Pa nhận xét: “Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Ninh luôn sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi giống cây trồng tốt với bà con lối xóm. Hàng năm, trang trại của ông còn tạo việc làm cho hàng chục lao động là đồng bào dân tộc thiểu số”.

Ông Trần Kim Hương ở xã An Mỹ, huyện Tuy An sau khi học nghề nuôi gà thả vườn đã cải tạo lại chuồng trại của gia đình mình để nuôi theo hướng an toàn sinh học. Trước đây, gia đình ông Hương kinh tế khó khăn, ít ruộng lại đông con nên ai thuê việc gì vợ chồng ông cũng làm. Năm 2011, ông Hương vay mượn vốn để nuôi gà thả vườn với quy mô 200 con. “Ban đầu, tôi cứ nghĩ nuôi gà không khó nên làm theo kiểu “xưa làm nay bắt chước”, không theo tiêu chuẩn nào, gà chậm lớn hay bị dịch bệnh. Có năm, đàn gà gần 100 con nuôi sắp đến ngày xuất bán thì lăn ra chết hết, cụt cả vốn”, ông Hương cho biết. Đầu năm 2011, ông quyết định đăng ký khóa học kỹ thuật nuôi gà thả vườn an toàn tại Trạm Khuyến nông Khuyến ngư huyện Tuy An. “Nhờ bài giảng sinh động, hấp dẫn sát với thực tế nên kiến thức chúng tôi học được ở lớp đều được vận dụng vào sản xuất và đã đem lại hiệu quả cao”, ông Hương nói.

Ông Nguyễn Trọng Kim, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Phú Yên cho biết: “Thực hiện đề án Dạy nghề cho lao động nông thôn, năm 2011 vừa qua, Trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân cùng các cấp hội tổ chức 59 lớp dạy nghề cho gần 3.000 lượt nông dân tham gia. Thời gian đến, Hội sẽ phối hợp với các ngành liên quan đào tạo nghề theo chương trình Mục tiêu quốc gia phù hợp với tình hình điều kiện phát triển kinh tế xã hội ở mỗi địa phương. Hội cũng sẽ chú trọng đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật; vận động nhân dân chuyển đối cơ cấu giống cây trồng vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học vào trồng trọt chăn nuôi đem lại hiệu quả kinh tế. Công tác hướng dẫn nông dân đẩy mạnh liên kết, hợp tác trong quá trình sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh sẽ được chú trọng.

LÊ TRÂM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek