Thứ Hai, 30/09/2024 04:28 SA
Khi sản xuất chưa chú trọng môi trường
Bài 5: Trách nhiệm các ngành chức năng đến đâu? Làm gì để bảo vệ môi trường trong phát triển bền vững?
Thứ Ba, 21/11/2006 07:29 SA

* Bài 1: Cụm công nghiệp Hòa An (Phú Hòa): Nhà máy đã sản xuất, nhưng dự án xử lý nước thải còn... nằm trên giấy!

 

* Bài 2: Phân xưởng cồn Nhà máy Đường Tuy Hòa: Mới sản xuất thử nghiệm đã phải điều chỉnh

 

Bài 3: Bất an môi trường xung quanh hai nhà máy sắn

 

* Bài 4: “Chỉ có mỗi KCN Hòa Hiệp là có hệ thống xử lý nước thải hoàn chỉnh”

 

Như thông tin ở số báo trước, đa số các cơ sở, nhà máy sản xuất công nghiệp trên địa  bàn tỉnh hiện chưa xây dựng hoàn chỉnh hệ thống xử lý nước thải. Vậy đâu là nguyên nhân? Và, trách nhiệm của các ngành chức năng đến đâu? Giải pháp nào để giải quyết tình trạng này? Chúng tôi đã  có cuộc trao đổi với Giám đốc Sở Công nghiệp Đào Tấn Cam và Phó giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Nguyễn Kim Phúc.

 

“NGÀNH CÔNG NGHIỆP CHỈ THAM GIA THẨM ĐỊNH ĐTM”

 

061121-ong-Cam.jpg

Đ/c Đào Tấn Cam

* Với chức năng nhiệm vụ của mình, Sở Công nghiệp có tham gia thẩm định dự án, và kiểm tra việc thực hiện dự án về nội dung của quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (Đ.T.M)  hay không, thưa đ/c?

 

- Đ/c Đào Tấn Cam (ĐTC): Ngành công nghiệp phải tham gia cùng hội đồng thẩm định của tỉnh để thẩm định dự án công nghiệp. Về nguyên tắc đầu tư nhà máy công nghiệp, chủ đầu tư bắt buộc phải lập báo cáo Đ.T.M. Việc đăng ký Đ.T.M phải được các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt thì mới hợp pháp. Khi xây dựng nhà máy, chủ đầu tư phải thực hiện đúng, đầy đủ các nội dung bảo vệ môi trường nêu trong báo cáo Đ.T.M và các yêu cầu của quyết định phê duyệt báo cáo Đ.T.M.

 

* Vậy tại sao các chủ dự án không đầu tư hệ thống xử lý chất thải đồng bộ với hệ thống sản xuất như đã  đăng ký  ban đầu?

 

- Đ/c ĐTC: Về mặt nguyên tắc, đúng pháp luật, thì chủ đầu tư phải đầu tư xây dựng hệ thống xử lý môi trường. Về vấn đề tại sao các chủ đầu tư không xây dựng đồng bộ hệ thống xử lý nước thải có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Nhưng, hiện nay sau khi Đ.T.M được phê duyệt hoặc đăng ký, chúng ta phải thanh tra, kiểm tra chủ đầu tư có thực hiện đúng đầu tư và vận hành hệ thống xử lý đó hay không, chứ không phải để họ muốn làm gì thì làm(!)

 

* Có ý kiến cho rằng Sở Công nghiệp thiếu quản lý, kiểm tra các hạng mục công trình xây dựng ở các cơ sở công nghiệp, nhà máy như đã đăng ký?

 

- Đ/c ĐTC: Theo luật quy định hoặc theo Nghị định 279 về quản lý chất lượng công trình, thì hàng năm ngành phải thực hiện nhiều đợt kiểm tra công trình công nghiệp, nhà máy. Tuy nhiên, mỗi lần đi kiểm tra như vậy cần “n”  (tức chỉ số nhiều – PV) người, rất phiền phức. Hơn nữa ngành cũng chỉ kiểm tra thiết kế cơ sở, kiểm tra đối chiếu giữa thiết kế thi công với thiết kế cơ sở xây dựng từng hạng mục công trình. Trong trình tự pháp luật xây dựng có thêm NĐ 16, NĐ112 không phân biệt nguồn vốn, chủ đầu tư phải lập dự án đầu tư và hồ sơ thiết kế công trình. Nhà nước chỉ quản lý thiết kế cơ sở chứ không quản lý dự án đầu tư. Sau khi trình thiết kế cơ sở phê duyệt thì chủ đầu tư mới được phê duyệt dự án đầu tư. Sở phải thẩm định “n” loại giấy tờ, thủ tục đầu tư, nên rất khó khăn.

 

“LÂU NAY NGÀNH (TÀI NGUYÊN – MÔI TRƯỜNG) ĐÔN ĐỐC, NHẮC NHỞ LÀ CHÍNH”

 

061121-ong-Phuc.jpg

Đ/c Nguyễn Kim Phúc

* Thưa đồng chí, Sở TN-MT có trách nhiệm chính trong việc thẩm tra, thẩm định báo cáo Đ.T.M của các dự án, cơ sở theo phân cấp của luật định…?

 

- Đồng chí Nguyễn Kim Phúc (NKP): Đúng. Việc này Sở TN-MT là cơ quan thường trực. Không chỉ đánh giá Đ.T.M mà còn thực hiện giám sát, kiểm tra. Lâu nay, ngành vẫn thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về môi trường.

 

* Tại Điểm đ, Điều 23 Luật Môi trường quy định: “Chỉ được đưa công trình vào sử dụng sau khi đã được cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, xác nhận việc thực hiện đầy đủ yêu cầu quy định về môi trường”, vậy tại sao ở một số CCN, KCN, nhà máy chưa có hệ thống xử lý nước thải, mà vẫn được  duyệt đưa vào sử dụng?

 

- Đ/c NKP: Nếu áp dụng theo luật quy định, thì việc này hoàn toàn có lỗi của ngành. Tuy nhiên, có thể nói có việc chấp hành không tốt của các cơ quan Nhà nước trong việc đầu tư xây dựng CCN, KCN, nhà máy. Sở sẽ kiểm tra lại toàn bộ các cơ sở, nhà máy và sẽ tham mưu, phối hợp với chính quyền địa phương để có hướng xử lý thích hợp lâu dài.

 

* Được biết, hiện nay toàn tỉnh có đến 115 cơ sở, nhà máy sản xuất công nghiệp, nhưng chỉ có mỗi KCN Hòa Hiệp xây dựng hoàn chỉnh hệ thống xử lý nước thải chung, còn hầu hết các cơ sở còn lại không có hệ thống xử lý nước thải theo đúng quy định. Để xảy ra tình trạng như vậy, thì trách nhiệm quản lý ở đây như thế nào?

 

- Đ/c NKP: Đúng là hiện nay chỉ có KCN Hòa Hiệp xây dựng hoàn chỉnh hệ thống xử lý nước thải chung. Lâu nay, ngành chỉ đôn đốc, nhắc nhở là chính, chứ chưa có biện pháp chế tài, xử phạt theo đúng pháp luật. Điều này, dẫn đến tình trạng một số đơn vị ỷ lại không chịu đầu tư hệ thống xử lý nước thải. Thật ra, hầu hết các cơ sở, nhà máy đều có báo cáo đánh giá Đ.T.M, nhưng chưa thực hiện tốt việc xây dựng theo ĐTM. Nguyên nhân chủ yếu do chủ đầu tư thiếu vốn; thiếu nhận thức về bảo vệ môi trường. Đối với các KCN Đông Bắc Sông Cầu, An Phú…, Đ.T.M đã được phê duyệt nhưng hiện nay chưa xây dựng hệ thống xử lý chung  là trách nhiệm của Ban quản lý các KCN. Trước mắt, từng cơ sở sản xuất ở các KCN này đã được đánh giá Đ.T.M, nhưng lâu dài không có hệ thống xử lý nước thải chung thì không đảm bảo môi trường, sẽ gây ô nhiễm...

 

MỖI KCN, CCN, NHÀ MÁY PHẢI CÓ GIẢI PHÁP KHẮC PHỤC Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG

 

* Hiện nay, việc xử lý tạm thời nước thải từ các nhà máy ra ngoài đồng ruộng  sẽ gây ô nhiễm môi trường, gây ảnh hưởng đến đời sống nhân dân xung quanh?

 

- Đ/c NKP: Thực tế xử lý như vậy ở cụm CN Hòa An là chưa đảm bảo môi trường, nhưng việc đã rồi, chẳng lẽ bây giờ bắt buộc các cơ sở sản xuất ngưng hoạt động(!) Hệ thống xử lý nước thải chung ở cụm CN này vẫn còn khó khăn trong việc tìm nguồn vốn xây dựng. Do vậy, để giúp các đơn vị sản xuất ổn định, trước mắt sở sẽ giúp địa phương tìm giải pháp tình thế phù hợp nhất để khi thải ra không ảnh hưởng sản xuất của dân xung quanh. Sở cũng sẽ xử lý các cơ sở đã có Đ.T.M, nhưng vẫn chưa thực hiện đúng. Ví dụ như Nhà máy bia Việt Hòa có thay đổi công nghệ xử lý, sở đang tiến hành kiểm tra, lấy mẫu nước để xét nghiệm, xác định mức độ ô nhiễm. Với các cơ sở khác có thay đổi nội dung Đ.T.M, nhưng không báo cáo với cơ quan chức năng, ngành cũng tiến hành kiểm tra xử lý, nếu không có Đ.T.M thì buộc đình chỉ hoạt động để thực hiện Đ.T.M.

 

* Đối với các cơ sở, nhà máy đã gây ô nhiễm hoặc sẽ có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao như nhà máy sắn Sông Hinh, Đồng Xuân, cơ sở cán thép Ngọc Chính… thì sẽ có biện pháp quản lý, xử lý như thế nào, thưa ông?

 

- Đ/c NKP: Nhà máy sắn Sông Hinh chưa thực hiện theo đúng Đ.T.M như được phê duyệt. Hiện nhà máy này cũng đã ngăn dòng làm hồ xử lý nước thải, chúng tôi sẽ kiểm tra việc này, nếu vi phạm luật môi trường lẫn vi phạm đất đai, thì sẽ xử phạt hành chính theo luật định. Riêng Nhà máy sắn Đồng Xuân đã thừa nhận trong vụ trước có nhiều lần tự xả thải ra ngoài gây ô nhiễm, nhưng hiện nay đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải đảm bảo theo đúng yêu cầu Đ.T.M đã đăng ký. Với cơ sở cán thép Ngọc Chính ở phường 8, TP Tuy Hòa, ngành đang kiểm tra và sẽ đình chỉ họat động nếu có vi phạm.

 

Sở sẽ có công văn yêu cầu các nhà máy trên, cũng như nhiều cơ sở, nhà máy công nghiệp khác nữa, trước khi đưa vào hoạt động phải báo cáo với Sở để kiểm tra, đánh giá Đ.T.M đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường.

 

“TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ, BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRONG PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG”

 

* Ngành sẽ làm gì để tăng cường các biện pháp quản lý các cơ sở sản xuất công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường bền vững?

 

- Đ/c NKP: Quả thật, đến bây giờ mức độ ô nhiễm ở cơ sở sản xuất công nghiệp cũng cần phải lên tiếng rồi. Quan điểm chỉ đạo của ngành là phải tăng cường thực hiện kiểm tra, rà soát lại toàn bộ các cơ sở công nghiệp, các KCN, cụm công nghiệp, và có biện pháp cứng rắn hơn, mạnh “tay” hơn trong việc xử lý vi phạm về ô nhiễm môi trường. Nếu đơn vị nào không thực hiện tốt Đ.T.M thì kiến nghị thu hồi giấy phép, cấm hẳn hoạt động.

 

Tôi nghĩ, về lâu dài, ngoài việc vận động các nhà máy phải tự khắc phục và điều chỉnh đừng để gây ô nhiễm môi trường xung quanh, sở sẽ tăng cường công tác quản lý, đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản, quan trắc, dự báo, cảnh báo về môi trường. Ngành từng bước đầu tư hiện đại hóa trang thiết bị, kỹ thuật phục vụ công tác đánh giá về bảo vệ môi trường, trên cơ sở đó hình thành và phát triển ngành công nghiệp môi trường. Nghiên cứu xây dựng luận cứ khoa học phục vụ công tác hoạch định chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về bảo vệ môi trường trong phát triển bền vững.

 

TỔ PHÓNG VIÊN ĐIỀU TRA

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek