Chủ Nhật, 06/10/2024 13:33 CH
Giải pháp giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật
Thứ Sáu, 02/03/2012 09:00 SA

Thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) đóng vai trò quan trọng trong việc phòng trừ sâu bệnh, bảo vệ sản xuất, bảo đảm an toàn lương thực, thực phẩm. Bên cạnh những đóng góp tích cực thì việc sử dụng, nhất là xu hướng lạm dụng thuốc BVTV đã gây ra những hệ lụy xấu, đối với sản xuất, môi trường, hệ sinh thái, sức khỏe cộng đồng và phát triển bền vững...

 

phun-thuoc120302.jpg

Nhiều loại cây trồng còn sử dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật - Ảnh: N.TRƯỜNG

Theo Cục BVTV (Bộ NN-PTNT), trong giai đoạn 1981-1986, số lượng thuốc sử dụng khoảng 9.000 tấn thương phẩm, tăng lên 20-30.000 tấn trong giai đoạn 1991-2000 và từ 36 đến 75,8.000 tấn trong giai đoạn 2001-2010. Lượng hoạt chất tính theo đầu diện tích canh tác (kg/ha) cũng tăng từ 0,3kg (1981-1986) lên 1,24-2,54kg (2001-2010). Giá trị nhập khẩu năm 2008 là 472 triệu USD, năm 2010 là 537 triệu USD. Số loại thuốc đăng ký sử dụng cũng tăng nhanh, trước năm 2000, số hoạt chất là 77, tên thương phẩm là 96, đến năm 2011 lên 1.202 và 3.108. Như vậy trong vòng 10 năm (2000-2011), số lượng thuốc BVTV sử dụng tăng 2,5 lần, số loại thuốc đăng ký sử dụng tăng 4,5 lần và giá trị thuốc nhập khẩu tăng khoảng 3,5 lần. Số lượng hoạt chất đăng ký sử dụng ở Việt Nam hiện nay đạt gần 1.000 loại, trong khi của các nước trong khu vực từ 400 đến 600 loại, như Trung Quốc 630 loại, Thái Lan, Malaysia 400-600 loại.

 

Mạng lưới sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV tăng nhanh và khó kiểm soát. Ðến năm 2010 cả nước có hơn 200 công ty sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV, 93 nhà máy, cơ sở sản xuất thuốc và 28.750 cửa hàng, đại lý buôn bán thuốc BVTV. Trong khi đó, hệ thống thanh tra BVTV mỏng, yếu, cơ chế hoạt động khó khăn. Theo tính toán, hiện nay, một thanh tra viên phụ trách 290 đơn vị sản xuất, buôn bán thuốc BVTV, 100.000ha đất trồng trọt và 10 vạn hộ nông dân sử dụng thuốc BVTV. Mạng lưới này là quá tải, rất khó kiểm soát.

 

Năm 2010, vẫn còn 10,2% mẫu nông sản có dư lượng thuốc BVTV quá mức cho phép. Thuốc BVTV làm tăng tính kháng thuốc của sâu bệnh, tiêu diệt ký sinh thiên địch, có thể gây bộc phát các dịch hại cây trồng. Sử dụng nhiều thuốc tác động xấu đến môi trường. Theo thống kê, cả nước hiện còn tồn đọng hơn 706 tấn thuốc cần tiêu hủy và 19.600 tấn rác bao bì thuốc bảo vệ thực vật chưa được thu gom và xử lý, hằng năm phát sinh mới khoảng 9.000 tấn.

 

Nguyên nhân chính là sử dụng thuốc quá nhiều, quá mức cần thiết, thiếu hiểu biết về kỹ thuật, sử dụng thuốc quá liều lượng khuyến cáo, tùy tiện hỗn hợp khi sử dụng và không tuân thủ thời gian cách ly. Có một bộ phận nông dân cố tình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sai quy định pháp lý và kỹ thuật vì mục đích lợi nhuận, xem nhẹ luật pháp và lợi ích cộng đồng. Ðặc biệt ở các vùng rau, quả, chè, hoa, nông sản có giá trị cao, Cục BVTV cho biết, còn 5,19% số hộ dùng thuốc cấm, ngoài danh mục, 10,22% không đúng thời gian cách ly, 51% không thực hiện theo khuyến cáo của nhãn.

 

Thực tế những năm qua cho thấy, khi nông dân áp dụng các tiến bộ kỹ thuật (TBKT) như IPM, “3 giảm 3 tăng”, thâm canh lúa cải tiến SIR, thực hành nông nghiệp tốt VietGap, công nghệ sinh thái BVTV... việc sử dụng hóa chất BVTV giảm 30-60%, trong khi năng suất vẫn tăng 5-10%, lợi nhuận tăng 8-16%, nông sản đạt tiêu chuẩn an toàn. Năm 2010, cả nước có khoảng 1,5 triệu ha áp dụng các TBKT nêu trên. Nếu áp dụng trên diện tích 5-7 triệu ha, đã có thể giảm 20-30% lượng thuốc BVTV sử dụng hằng năm.

 

Cần sớm xây dựng chiến lược sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ở Việt Nam trong 10-15 năm tới, với các định hướng chủ yếu sau: Giảm nguy cơ, giảm sử dụng thuốc BVTV. Nâng cao hiệu quả sử dụng thuốc BVTV cả về kỹ thuật, sản xuất, kinh tế, bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và sức khỏe cộng đồng. Bảo đảm an toàn trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Nâng cao nhận thức, hiểu biết và trách nhiệm xã hội của người sử dụng thuốc BVTV.

 

Xây dựng lộ trình giảm nguy cơ, giảm sử dụng thuốc BVTV ở nước ta từ nay đến năm 2020 theo hướng: Giảm lượng thuốc sử dụng hằng năm khoảng 30-40%, đặc biệt trên lúa, rau, chè, quả, vùng nông sản xuất khẩu. Giảm số lượng hoạt chất trong danh mục 30-40%, số sản phẩm thương mại cho một loại hoạt chất (tối đa 5). Nâng tỉ lệ thuốc sinh học, thuốc có độ độc thấp (nhóm 4, 5), thuốc thân thiện môi trường lên 40-60%. Giảm số lượng các doanh nghiệp nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV ở mức còn 20-30 đơn vị.

 

Xây dựng chương trình hoặc đề án tổng thể việc mở rộng ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới có tác dụng giảm, chống lạm dụng và nâng cao hiệu quả sử dụng thuốc bảo vệ thực vật như IPM, 3 giảm 3 tăng, công nghệ sinh thái BVN, SIR, VietGap.

 

Tăng cường thanh, kiểm tra khâu sản xuất, kinh doanh và sử dụng thuốc BVTV, khâu ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới. Củng cố và nâng cao quyền lực của hệ thống thanh tra chuyên ngành về BVTV, môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm. Ðặc biệt, xác định rõ quyền hạn và trách nhiệm của chính quyền cấp xã, phường trong quản lý, giám sát, kiểm tra việc sử dụng thuốc BVTV. Xây dựng và củng cố về tổ chức và chính sách, nội dung hoạt động của mạng lưới dịch vụ bảo vệ thực vật - khuyến nông cơ sở.

 

KS TRƯƠNG QUỐC TÙNG

(Theo ND)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek