Chủ Nhật, 06/10/2024 15:26 CH
Kinh tế trang trại:
Tận dụng quỹ đất, nâng cao thu nhập
Thứ Năm, 01/03/2012 08:00 SA

Các địa phương trong tỉnh đang khuyến khích các chủ trang trại phát triển kinh tế trang trại với những mô hình đa dạng, phong phú. Một số hộ mạnh dạn đầu tư biến vùng đất hoang thành những trang trại trù phú, đem lại thu nhập cao.

 

trang-trai120301.jpg

Thu mũ cao su ở một trang trại xã Sơn Định (huyện Sơn Hòa) - Ảnh: H.NAM

CHINH PHỤC ĐẤT HOANG HÓA

 

Vùng đồi núi mênh mông phía tây huyện Sông Hinh có những trang trại với màu xanh bạt ngàn của mía, cà phê, cao su cùng các loại cây ăn trái. Ông Nguyễn Văn Mỹ, chủ một trang trại mía ở xã Ea Ly kể: Trước đây ông ở xã Đức Bình Đông, gia đình đông con, cuộc sống khó khăn. Năm 1993, ông cùng một số người bạn đến xã Ea Ly để khai phá đất hoang làm kinh tế, mỗi năm trồng một ít mía, sắn, đến mùa thu hoạch có thu nhập, ông lại đầu tư mở rộng diện tích. Niên vụ 2010-2011, với 25ha mía, ông Mỹ thu nhập trên 1,2 tỉ đồng. Vụ mía năm nay, giá mía nhích lên 950.000 đồng/tấn thì gia đình người nông dân này sẽ thu về gần 1,5 tỉ đồng.

 

Ông Võ Luận, chủ một trang trại ở xã Ea Bar (huyện Sông Hinh) cho hay: Từ một vài hecta sắn của những ngày đầu lập nghiệp, đến nay gia đình đã có một trang trại rộng gần 31ha. Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, từ trồng sắn, nuôi bò, rồi lập vườn cà phê; khi có lãi, tôi chuyển sang trồng cao su có giá trị kinh tế cao hơn. Để nuôi cây cao su, gia đình trồng xen cây sắn. Mỗi hecta sắn thu lãi 15 triệu đồng cùng với 10ha cà phê, bình quân 2 tấn nhân/ha, mỗi năm gia đình có thể nắm bạc tỉ trong tay...”. Còn chị Bùi Thị Hạnh ở thôn Ngân Điền, xã Sơn Hà, huyện Sơn Hòa đến đây lập nghiệp đã gần 15 năm. Gia đình chị vay ngân hàng, trồng được 4,5 sào mía, vụ đầu tiên thu hơn 20 triệu. Số tiền này chị Hạnh đầu tư mở rộng đất sản xuất và mua một con bò nuôi lấy công làm lời rồi cứ thế nhân dần lên. Hiện chị Hạnh có một trang trại rộng gần 8ha.

 

Anh Lê Hoài Phong ở thôn Phước Nhuận, xã Xuân Quang 3, huyện Ðồng Xuân, rời quê đến vùng 13, xã An Nghiệp (huyện Tuy An) để khai hoang, lập trang trại trồng rừng. Sau hơn 10 năm, anh đã biến 40ha đất bạc màu thành rừng kinh tế. Không chỉ đàn ông “sức dài vai rộng” mới làm được điều đó mà phụ nữ “chân yếu tay mềm” như bà Nguyễn Thị Nga cũng tham gia trồng rừng trên mảnh đất này. Ban đầu, bà Nga trồng mía nhưng do đất có độ dốc lớn, mưa xói lở nên đất bạc màu, bà chuyển sang trồng rừng, mỗi năm trồng vài hecta. Cứ thế, hơn 10 năm qua, cây rừng đã đem lại cho bà Nga nguồn thu nhập hơn 50 triệu đồng/năm.

 

HƯỚNG ĐẾN PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

 

Theo Sở NN-PTNT, toàn tỉnh đã có trên 2.700 trang trại với tổng vốn đầu tư hơn 374 tỉ đồng, bình quân mỗi trang trại được đầu tư hơn 127 triệu đồng. Hàng năm, thu nhập của các chủ trang trại bình quân đạt 102 tỉ đồng. Trong tổng số trang trại của tỉnh, có gần 1.800 trang trại hoạt động theo mô hình nông - lâm kết hợp.

Phong trào làm kinh tế trang trại đã và đang phát triển mạnh ở các vùng nông thôn thuộc các huyện Ðồng Xuân, Sơn Hòa, Sông Hinh, Phú Hòa. Huyện Phú Hòa đã có 30 trang trại được cấp giấy chứng nhận, trong đó có 9 trang trại hoạt động theo mô hình nông - lâm kết hợp. Ông Lương Công Dũng, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Phú Hòa cho biết: “Hầu hết các trang trại làm ăn có hiệu quả, với mức lãi bình quân 30 triệu đồng/năm, cá biệt có mô hình cho lợi nhuận trên 100 triệu đồng/năm”. Trong khi đó, theo Phòng NN-PTNT huyện Sơn Hòa, toàn huyện có 62 trang trại, đa phần kết hợp trồng mía, trồng rừng và chăn nuôi bò đàn. Số trang trại làm ăn có hiệu quả chiếm hơn 80%, trong đó có 48 trang trại lãi từ 50-120 triệu đồng/năm. Trang trại tập trung nhiều nhất ở các xã Krông Pa, Ea Chà Rang, Sơn Phước, Sơn Long, Sơn Nguyên, Sơn Định…; mỗi trang trại thường xuyên sử dụng từ 10-20 lao động.

 

Kinh tế trang trại phát triển đã thu hút một lượng lao động đáng kể, nhất là ở vùng nông thôn, miền núi. Với nhiều địa phương, khi đất sản xuất nông nghiệp bị chuyển đổi mục đích sử dụng, các trang trại đã góp phần tạo thêm việc làm cho người dân. Những trang trại hoạt động theo mô hình nông - lâm kết hợp được xem là một giải pháp tối ưu, vì vừa tạo ra sản phẩm hàng hóa, mang lại thu nhập cho người lao động, vừa chống xói mòn.

 

Tuy nhiên, phần lớn trang trại đều phát triển tự phát, các địa phương chưa có quy hoạch, hướng dẫn cụ thể. Khó khăn nhất hiện nay là việc tiếp cận nguồn vốn vay của Nhà nước, bởi tỉ lệ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các trang trại còn rất thấp. Hiện tỉnh mới chỉ cấp giấy chứng nhận cho 170 trang trại, chiếm hơn 6% trong tổng số trang trại, tập trung ở các huyện miền núi. Ðể trang trại phát triển, các ngành chức năng của tỉnh cần giúp đỡ chủ trang trại tiếp cận, ứng dụng các thành tựu khoa học - kỹ thuật vào trồng trọt và chăn nuôi; định hướng phát triển, đồng thời nhanh chóng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để người dân có điều kiện thế chấp vay vốn đầu tư mở rộng sản xuất.

  

LÊ TRÂM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek