Thứ Hai, 07/10/2024 15:27 CH
Lúa nước giúp Sông Hinh thoát nghèo
Thứ Bảy, 18/02/2012 11:00 SA

Những năm qua, huyện Sông Hinh đã quan tâm mở rộng diện tích lúa nước theo từng vùng, ưu tiên khu vực có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Để làm được lúa nước, huyện đã đầu tư một số công trình thủy lợi, trong đó có công trình thủy lợi sau thủy điện tại buôn Quang Dù, xã Đức Bình Tây.

 

lua-nuoc120218.jpg

Bà con ở buôn Quang Dù chăm sóc lúa đông xuân - Ảnh: P.NAM

MỞ RỘNG DIỆN TÍCH LÚA NƯỚC

 

Cách đây 5 năm, diện tích lúa nước ở huyện Sông Hinh chỉ vào khoảng 300-400ha nhưng đến cuối năm 2011 đã có hơn 1.200ha. Với tốc độ phát triển như vậy, Sông Hinh đã trở thành địa phương có diện tích lúa nước lớn nhất so với các huyện miền núi trong tỉnh. Theo Bí thư Huyện ủy Sông Hinh Lê Tấn Hổ, chủ trương của Đảng bộ huyện là làm sao mỗi người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số phải có một phần diện tích lúa nước để có thể chủ động cái ăn tại chỗ, từ đó đẩy mạnh đầu tư chăn nuôi bò, trồng sắn, mía và các loại hoa màu khác, nâng cao thu nhập.

 

Hiện nay, màu xanh của các ruộng lúa nước đã trải đều ở tất cả các xã thuộc huyện Sông Hinh, mỗi địa phương có từ 80 đến hơn 110ha. Trong năm 2012, huyện Sông Hinh phấn đấu nâng tổng diện tích lúa nước lên khoảng 1.300ha. Ông Nguyễn Khắc Sự, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Sông Hinh cho biết: Để đạt được mục tiêu mà Nghị quyết Đảng bộ huyện đề ra là phấn đấu đến năm 2015 nâng tổng diện tích lúa nước lên 1.600-1.800ha, huyện đang tập trung mọi nguồn lực, phát huy tối đa các nguồn vốn đầu tư, đồng thời vận động nhân dân tận dụng triệt để các diện tích ven sông, suối, ao hồ để mở rộng làm lúa nước. Địa phương phấn đấu bình quân hàng năm phát triển thêm 50-100ha lúa. Theo ông Sự, trước mắt huyện Sông Hinh tiến hành đầu tư công trình thủy lợi phục vụ nước tưới cho khoảng 200ha lúa ở xã Sơn Giang từ dự án thủy lợi sau thủy điện Sông Hinh; dự kiến công trình này sẽ hoàn thành vào cuối năm nay.

 

TÍN HIỆU VUI Ở QUANG DÙ

 

Ông Trần Thanh Định, Phó chủ tịch UBND huyện Sông Hinh cho biết: Sau khi ổn định diện tích lúa nước, huyện sẽ tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng tăng diện tích cây công nghiệp, từng bước hình thành các vùng sản xuất chuyên canh gắn với công nghiệp chế biến. Đến năm 2015, Sông Hinh phát triển ổn định khoảng 2.500ha mía, gần 7.000ha sắn, tăng diện tích cây cao su lên 5.000ha... phấn đấu nông - lâm nghiệp chiếm hơn 32% tỉ trọng cơ cấu nền kinh tế.

Dự án san ủi đất trồng lúa nước cho nhân dân buôn Quang Dù và Mả Vôi, xã Đức Bình Tây có vốn đầu tư 1,4 tỉ đồng cùng hệ thống kênh mương dài 4km, kinh phí đầu tư 4,7 tỉ đồng nhằm tận dụng nguồn nước từ công trình thủy lợi sau thủy điện Sông Ba Hạ phục vụ tưới tiêu cho 46ha lúa nước. Ông Nguyễn Đình Phước, Phó chủ tịch UBND xã Đức Bình Tây cho biết: “Để bà con sản xuất kịp thời vụ, ngay sau khi được huyện phê duyệt, xã đã tiến hành chia đất cho dân, ưu tiên cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Bình quân mỗi hộ nhận được hai đến ba sào tùy theo số nhân khẩu trong gia đình. Hiện nông dân đã trồng được hơn 40ha lúa”. Ông Y Quở, Chủ tịch UBND xã Đức Bình Tây từ những năm đầu giải phóng, phấn khởi cho biết: “Gia đình tôi có 5 nhân khẩu, được chia 3 sào đất và hỗ trợ phân bón. Vụ hè thu năm 2011, gia đình thu hoạch được gần 1 tấn lúa. Hy vọng vụ đông xuân năm nay, lúa sẽ cho năng suất cao hơn vì chúng tôi đã nắm được khoa học kỹ thuật và kinh nghiệm sản xuất lúa nước. Có được cánh đồng này, cái bụng tôi phấn khởi lắm”.

 

Lập gia đình từ năm 2003, trước đây vợ chồng anh Lê Mô Y Beo ở buôn Quang Dù quanh năm trông chờ vào gần 1ha lúa rẫy, sản xuất kém hiệu quả nên phải chật vật kiếm sống. Được xã Đức Bình Tây giao cho 2 sào lúa tại cánh đồng Quang Dù, Y Beo không giấu nổi niềm vui: “Vụ lúa vừa rồi, tôi thu được gần 20 bao, dư dả để cả nhà lo cái ăn. Do được hướng dẫn kỹ thuật canh tác lúa nước cho năng suất cao và học hỏi kinh nghiệm từ một số người Kinh nên vụ đông xuân này, gia đình có thể thu được khoảng 1,5 tấn lúa. Ngoài ra, tôi còn có 7 sào đậu đỏ đang thu hoạch. Hiện đậu đỏ đang có giá hơn 16.000 đồng/kg, có lẽ gia đình tôi cũng sẽ thu được lãi”.

 

Trong tổng số 63 hộ dân ở buôn Quang Dù thì có đến 56 hộ được giao ruộng lúa nước, sản xuất ổn định từ năm 2011 đến nay. Ông Lê Mô Y Đênh, Trưởng buôn Quang Dù phấn khởi cho hay: Nhờ bảo đảm cái ăn tại chỗ, bà con yên tâm trồng các loại cây khác. Hộ ít nhất cũng có 3-5 sào đất, nhiều thì 5-10ha trồng mía, sắn và hoa màu. Nhờ vậy mà thu nhập bình quân năm sau đều hơn năm trước và đến năm 2011 mỗi nhân khẩu trong độ tuổi lao động có mức thu nhập trung bình hơn 500.000 đồng/tháng.

  

PHƯƠNG NAM - KIM CHI

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek