Thứ Tư, 09/10/2024 22:15 CH
Nguồn nhân lực cho du lịch miền Trung:
Thiếu và yếu
Thứ Ba, 10/01/2012 07:30 SA

Là một ngành dịch vụ, năng lực cạnh tranh để phát triển du lịch phụ thuộc rất lớn vào chất lượng nguồn nhân lực. Thế nhưng, nguồn nhân lực cho du lịch ở các tỉnh vùng duyên hải miền Trung từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa còn quá nhiều hạn chế, bất cập, chất lượng lao động vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển du lịch trong xu thế hội nhập và phát triển. Thiếu lao động du lịch được đào tạo cơ bản về chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ.

dlbt120110.jpg

Nhân viên tại một khu du lịch ở Khánh Hòa đưa khách đi tham quan - Ảnh: Q.THUẦN

THIẾU VÀ YẾU

Hiện toàn vùng duyên hải miền Trung có 35.997 lao động làm việc trong ngành du lịch (riêng tỉnh Khánh Hòa có nhiều lao động du lịch nhất với 15.500 người, TP Đà Nẵng 13.241 người, tỉnh Phú Yên 3.250 người, Bình Định chỉ có 3.250 người), chỉ chiếm khoảng 2,4% lao động du lịch trong cả nước. TS. Trần Thị Mai (Trường Cao đẳng nghề du lịch Huế) cho biết, mặc dù các tỉnh duyên hải miền Trung có trên 1.329 hướng dẫn viên du lịch, nhưng hướng dẫn viên du lịch tiếng Anh chỉ chiếm 51,5%, đang thiếu nghiêm trọng hướng dẫn viên tiếng Nga, Thái Lan, Lào, Ý, Trung Quốc, Tây Ban Nha, Đức... Nguồn nhân lực cho du lịch duyên hải miền Trung không những thiếu, hiện tại còn yếu trên nhiều mặt: kỷ luật lao động, tính chủ động, sáng tạo trong công việc, kỹ năng làm việc theo nhóm, tính kế hoạch, tư duy chiến lược... Theo đánh giá chung của nhiều chuyên gia nước ngoài và kết quả điều tra bộ phận nhân viên thường xuyên tiếp xúc với khách hàng, nhân viên du lịch ở các tỉnh duyên hải miền Trung rất thân thiện, vui vẻ, nhiệt tình, nhưng kém về kỹ năng quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm, thiếu tính tự tin, tính sáng tạo và năng lực tổ chức công việc.

Tiến sĩ Trần Du Lịch, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh cho rằng: Các tỉnh duyên hải miền Trung có nhiều lợi thế để phát triển mạnh về du lịch. Song, nguồn nhân lực du lịch trong vùng còn nhiều hạn chế, chất lượng lao động chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển du lịch trong xu thế hội nhập và phát triển. Thêm một thực tế nữa là, mạng lưới đào tạo nghề tại các tỉnh duyên hải miền Trung thiếu các quy định cụ thể về tiêu chuẩn giáo viên, cơ sở vật chất vừa thiếu và lạc hậu, chương trình đào tạo chưa phù hợp với đặc thù trong kinh doanh du lịch, chưa có chương trình đào tạo phù hợp với doanh nghiệp du lịch vừa và nhỏ...

Toàn vùng chỉ có ba trường cao đẳng có đào tạo nghề du lịch tại Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng và Khánh Hòa; chưa có trường đại học đào tạo về du lịch mà chỉ có các khoa trong trường đào tạo về du lịch, như quản trị kinh doanh dịch vụ du lịch, quản trị khách sạn, kỹ thuật chế biến món ăn Âu - Á... Một số cơ sở đào tạo chạy theo lợi ích kinh tế, không quan tâm đến nhu cầu tuyển dụng lao động, cũng như khả năng, cơ hội tìm được việc làm của học sinh, sinh viên. Một số ngành nghề du lịch có nhu cầu tuyển dụng lao động cao, nhưng các cơ sở đào tạo nghề chưa mở ngành đào tạo.

Sao-Viet120110.jpg

Nhân viên Khu du lịch Sao Việt (TP Tuy Hòa) phục vụ du khách - Ảnh: M.NGUYỆT

MỞ RỘNG ĐÀO TẠO NGUỒN NHÂN LỰC

Đòi hỏi cấp thiết trong phát triển du lịch duyên hải miền Trung lâu dài là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Nhưng để có nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao đòi hỏi các địa phương phải quan tâm giải quyết các vấn đề liên quan đến nhận thức, định hướng chiến lược, chính sách phát triển nguồn nhân lực và xử lý các khâu của quá trình quản trị nguồn nhân lực du lịch từ việc lập kế hoạch đào tạo, tuyển dụng, chính sách đãi ngộ. Tiến sĩ Trần Thị Mai cho rằng, cần phải hình thành khối liên kết các cơ sở đào tạo nghề du lịch có trụ sở tại các tỉnh duyên hải miền Trung, xây dựng chương trình đào tạo liên thông giữa các trường từ nghề lên trung cấp và cao đẳng; tiến tới xây dựng trường đại học du lịch hiện đại tại khu vực miền Trung. Theo các nhóm tư vấn du lịch miền Trung, các tỉnh, thành trong khu vực mở rộng quan hệ hợp tác với các trường đào tạo nghề du lịch quốc tế; đa dạng hóa và phát triển các chương trình đào tạo; liên kết tổ chức các khóa đào tạo chuyên sâu về du lịch và mở rộng hình thức đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Trần Quang Nhất cho rằng giải pháp trước mắt để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch là nhanh chóng điều tra, phân loại trình độ nghiệp vụ cán bộ nhân viên tại các tỉnh, thành trong khu vực để đưa ra kế hoạch đào tạo nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch. Cần ưu tiên phát triển nguồn nhân lực tại chỗ, quan tâm đồng bào các dân tộc, khuyến khích kêu gọi lao động du lịch từ các khu vực khác,... Đối với đào tạo nguồn nhân lực cho hoạt động du lịch Phú Yên, cần lựa chọn chương trình, phương thức và cơ sở đào tạo phù hợp với nhu cầu phát triển ngày càng cao. Phú Yên đang rất cần sự hỗ trợ của Tổng cục Du lịch Việt Nam trong công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch trong thời gian tới.

 

LƯU PHONG

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek