Thứ Ba, 01/10/2024 06:30 SA
Việt Nam trước sân chơi mới
Thứ Hai, 06/11/2006 07:44 SA

Ngày 7/11 tại Geneva, Việt Nam sẽ trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) Chuyên gia Đông Bắc Á, GS Carlyle Thayer ĐH New South Wales (Úc) viết ”VN sẽ lần đầu tiếp cận thị trường toàn cầu trên cơ sở tốt nhất, và đừng quên những nguy cơ...”

 

CƠ HỘI

 

Một khi gia nhập WTO, VN sẽ không còn bị một số nước riêng lẻ nào đó đối xử kỳ thị. Hàng hóa VN sẽ tiếp cận được các thị trường của các thành viên WTO khác trên cơ sở không phân biệt. Điều đó có nghĩa biểu thuế đánh vào hàng dệt và may mặc của VN cũng như các rào cản khác sẽ bị tháo dỡ. Điểm mấu chốt là VN giờ đây sẽ có lối tiếp cận thị trường toàn cầu lần đầu tiên trên cơ sở tốt nhất có thể.

 

061106-doanhnghiep.jpg

Gia nhập WTO sẽ mở ra nhiều cơ hội, đồng thời mang đến những thách thức lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam - Ảnh: TNO

 

Như một thành viên của WTO, VN sẽ trông cậy vào sự phân xử của tổ chức và kháng cáo trong trường hợp cảm thấy thua thiệt. Xuất khẩu VN sẽ được bảo vệ trong các cuộc tranh chấp mậu dịch. VN có thể cùng các nước đang phát triển khác trong WTO yêu cầu trợ giúp và cân nhắc đặc biệt trong việc áp dụng các luật lệ của WTO. Điều này sẽ giúp củng cố năng lực cạnh tranh quốc tế của VN.

 

Tư cách thành viên của WTO cũng giúp thị trường VN sẽ trở nên hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư nước ngoài nào vốn quen với các lề lối của WTO. Các nhà đầu tư nước ngoài sẽ lần đầu tiên được tiếp cận với những khu vực như viễn thông, ngân hàng, bảo hiểm.

 

Về phần mình, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ giới thiệu công nghệ mới và những kinh nghiệm kinh doanh tốt hơn, giúp tăng sản xuất của VN, phát triển thị trường địa phương và tạo ra những cơ hội việc làm. Sự phát triển một thị trường địa phương còn tạo điều kiện cho người tiêu dùng VN cơ hội chọn lựa các hàng hóa và dịch vụ chất lượng hơn trước.

 

Tư cách thành viên của WTO cũng sẽ thay đổi khuôn khổ các qui định và pháp luật VN. Nó sẽ tạo môi trường cho các doanh nhân VN sử dụng khuôn khổ mới này để bước vào những thị trường cạnh tranh khu vực và quốc tế.

 

Tư cách này mặt khác sẽ làm tăng thêm áp lực khiến VN đẩy mạnh cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, từ bỏ một số độc quyền nhà nước và chấm dứt tình trạng liên hệ chặt chẽ giữa Nhà nước và các xí nghiệp quốc doanh. Nếu VN điều chỉnh theo các biện pháp qui định của WTO, VN sẽ có thể phát triển thành một cơ sở chế tạo đầy cạnh tranh trong khu vực!

 

VÀ NGUY CƠ...

 

Tuy nhiên, không thể bỏ qua những nguy hiểm của sân chơi mới. Khi tư cách thành viên có hiệu lực, các doanh nghiệp VN sẽ phải nới lỏng thị phần và bước vào một giai đoạn điều chỉnh nhanh. Các doanh nghiệp VN được cho là có chất lượng chưa cao, công nghệ lỗi thời, giá cao, hệ thống phân phối yếu và kiến thức chưa đầy đủ về hệ thống pháp luật. Họ sẽ phải cải thiện ba lĩnh vực sau: kiếm được nhiều vốn hơn, có biện pháp quản lý tốt hơn và các công nghệ mới hợp nhất với qui trình sản xuất. Các công ty VN cũng phải đối mặt nguy cơ bị các công ty nước ngoài “thôn tính” hoặc thất bại trong những cuộc tranh cãi pháp lý.

 

Nhiều công ty và doanh nghiệp VN chưa quen với các qui định mới và thực tiễn của WTO. Hệ thống pháp luật và qui định hiện nay sẽ được thay đổi nhiều hơn nữa, dẫn tới việc trong thời kỳ đầu các doanh nghiệp này sẽ bị áp lực cạnh tranh khi các nhà quản trị địa phương và chủ doanh nghiệp lao vào việc học điều chỉnh nhanh để đáp ứng môi trường mới.

 

Việc thay đổi các qui định ở VN cũng sẽ đặt ra một thách thức cho khu vực dịch vụ không nhiều vốn liếng lẫn công nghệ và kinh nghiệm làm ăn với các đối tác nước ngoài. Hệ thống phân phối của VN đối với thị trường trong nước sẽ gặp thách thức lớn từ các công ty nước ngoài.

 

Tất cả các ngành công nghiệp nội địa VN sẽ gặp những cấp độ cạnh tranh cao hơn. Chúng sẽ phải đáp ứng việc sản xuất hàng hóa và dịch vụ chất lượng hoặc phải phá sản. Những khu vực cạnh tranh yếu như dịch vụ, ngành thép, lắp ráp ôtô và nông nghiệp sẽ bị đe dọa. Độc quyền nhà nước trong viễn thông, điện lực sẽ bị áp lực mở cửa.

 

Tình trạng phá sản sẽ đặt ra những vấn đề về thất nghiệp và bất ổn xã hội, gây áp lực buộc Chính phủ phải chi trợ cấp xã hội và tái đào tạo.

 

Thay đổi nhanh trong kinh tế VN sẽ tiếp tục dẫn tới việc xuống cấp của môi trường, trong khi dòng vốn nước ngoài, trong một số trường hợp, sẽ gây ra sự bất ổn tài chính.           

 

CARLYLE THAYER (Theo TTO)

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
“Loạn” quảng cáo
Chủ Nhật, 05/11/2006 14:05 CH
Nhiều mẫu xe tay ga mới
Chủ Nhật, 05/11/2006 13:51 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek