Thứ Năm, 28/11/2024 11:34 SA
Nhà máy sản xuất, chế biến tinh bột sắn FOCOCEV (Sông Hinh):
Nhà máy FOCOCEV: Khả năng tiếp diễn ô nhiễm môi trường rất cao
Thứ Hai, 06/11/2006 07:35 SA

Nhà máy sản xuất, chế biến tinh bột sắn của Công ty cổ phần FOCOCEV (ở huyện Sông Hinh) đã bước vào vụ sản xuất mới với công suất chế biến tăng gấp đôi so với vụ trước. Nhà máy cũng đã tiến hành xây dựng hệ thống xử thải, nhưng theo đánh giá của ngành chức năng là chưa phù hợp với báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đã được phê duyệt. Chính vậy, khả năng nhà máy này tiếp tục gây ô nhiễm môi trường ở khu vực này là rất cao.

 

061106-bechua.jpg

Hồ số 2 trong hệ thống xử thải của Nhà máy sản xuất, chế biến tinh bột sắn FOCOCEV. Hệ thống xử lý này được cơ quan chức năng đánh giá là chưa phù hợp với báo cáo ĐTM đã được UBND tỉnh phê duyệt trước đó – Ảnh: K.DUY

 

Năm 2004, FOCOCEV mua lại Nhà máy chế biến tinh bột sắn Sông Hinh và có làm báo cáo ĐTM. Báo cáo này đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định 2246/QĐ-UBND ngày 3/10/2005. Theo đó, FOCOCEV phải đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải theo công nghệ sinh học gồm bể lắng cát, hồ xử lý protein, 3 hồ xử lý ổn định (số 1, số 2 và số 3) với diện tích 4,2 ha có thể tích chứa 180.900 m3 và 2 hồ ổn định (số 4 và số 5) với diện tích 4 ha với thể tích chứa 16.000 m3. Đầu tháng 8/2006, Sở Tài nguyên và Môi trường tiến hành kiểm tra cho thấy hệ thống xử lý nước thải của nhà máy “xây dựng chưa phù hợp với báo cáo ĐTM đã được phê duyệt” và cũng chưa thực hiện chương trình quan trắc môi trường. Cụ thể, FOCOCEV đã cho gộp 3 hồ xử lý ổn định (số 1, số 2 và số 3) thành hồ số 1 có diện tích 5 ha với sức chứa 144.000m3; còn 2 hồ ổn định số 3 và số 4 có diện tích 5ha với sức chứa 130.000m3. Theo giải thích của lãnh đạo FOCOCEV, công ty đã phối hợp các hồ xử lý ổn định số 1, 2, 3 chung lại thành hồ số 1 có tổng thể tích chứa và diện tích mặt thoáng lớn hơn nên sẽ không ảnh hưởng đến quy trình xử lý nước thải. Bên cạnh đó thì hai hồ số 2 và số 3 (tương đương với cách gọi trong ĐTM là hồ số 4 và số 5) cũng có diện tích và thể tích lớn hơn các tiêu chuẩn ĐTM nên cũng sẽ không ảnh hưởng đến quy trình xử lý nước thải của nhà máy(?). Về lý do không làm đúng ĐTM được phê duyệt, FOCOCEV giải thích: “Do điều kiện địa hình khu đất xây dựng rất phức tạp (tận dụng lòng suối), có nhiều đá ngầm và đá nổi nên để vừa bảo đảm cho việc xử lý nước thải và vừa đảm bảo thiết kế các hồ chứa an toàn theo địa hình thực tế” (!)

 

Công nghệ xử lý chất thải mà FOCOCEV sử dụng là chọn giải pháp xử lý cưỡng bức nhẹ kết hợp với phân hủy tự nhiên. Nghĩa là nước rửa sắn củ sau khi dùng tách vỏ lụa cho vào bể lắng cát, nước được lắng trong theo mương thải dẫn đến hồ phân hủy sinh học (hồ xử lý ổn định số 1). Còn đối với nước thải công nghệ sau phân ly được dẫn đến bể trung hòa cho nước vôi vào đạt pH = 6-7; sau đó bơm lên hồ xử lý protein (bã sắn), tại đây cho polyme keo tụ lắng kết giữ lại bã sắn, nước thải này được xử lý diệt khuẩn bằng clorin, nhập chung với dòng nước rửa củ đưa ra hồ xử lý ổn định số 1. Sau thời gian lưu trên 60 ngày để phân hủy sinh học, nước được chảy sang hồ hiếu kỵ khí số 2, ở đây nước thải được tiếp tục phân hủy chất hữu cơ và lắng trong trước khi chảy sang hồ hiếu khí số 3 và tiếp tục phân hủy chất hữu cơ còn sót lại trước khi thải ra suối cạn chảy ra sông Hinh.

 

Phó Giám đốc FOCOCEV Huỳnh Văn Trung giải thích thêm về quy trình xử lý nước thải nói trên và cam đoan: Nước thải ra môi trường tự nhiên bảo đảm đạt tiêu chuẩn loại B, nghĩa là có thể nuôi cá được. Mặc dù, lúc nào nhà máy cũng phảng phất mùi chua hôi bốc lên từ các hồ xử lý nước thải, song đó là mùi đặc trưng của bất kỳ nhà máy sắn nào cũng có, vấn đề là làm sao để hạn chế sự phát tán của nó. Ông cho biết, công ty đã ươm 20.000 cây keo lá tràm để trồng chung quanh khu vực xử lý nước thải giảm thiểu phát tán mùi hôi. Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Lê Văn Thứng cũng cho biết, hiện nay nước ta chưa đưa ra được tiêu chuẩn về mùi nên chưa có cơ sở để đánh giá tác động gây ô nhiễm môi trường do mùi hôi gây ra.

 

Vụ sản xuất 2006 – 2007, FOCOCEV có kế hoạch chế biến 80.000 tấn sắn củ, sản xuất 24.000 tấn tinh bột sắn, tăng gấp 2 lần so với vụ sản xuất vừa qua. Điều này cũng có nghĩa nhu cầu nước cung cấp cho hoạt động sản xuất và lượng nước thải sẽ tăng tương ứng với 2 lần. Trong lúc hệ thống xử lý nước thải của nhà máy chưa thực hiện đầy đủ theo yêu cầu ĐTM thì tình trạng gây ô nhiễm môi trường của nhà máy tinh bột sắn này sẽ còn tái diễn. Cơ quan chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát yêu cầu nhà máy thực hiện nghiêm túc quy trình xử lý nước thải, đặc biệt phải lấy mẫu đánh giá chất lượng nước thải đạt yêu cầu trước khi cho phép thải ra bên ngoài. Có vậy mới hạn chế tối đa việc gây ô nhiễm môi trường có thể xảy ra ở nhà máy chế biến tinh bột sắn này.

 

 

NGUYÊN TRƯỜNG

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek