Thứ Sáu, 11/10/2024 14:17 CH
Thông tin liên lạc đối với tàu cá hoạt động trên biển
Giảm thiểu rủi ro cho ngư dân
Thứ Năm, 22/12/2011 08:10 SA

Tàu cá của ngư dân hoạt động trên biển thường xuyên phải đối mặt với diễn biến thất thường của thời tiết, tai nạn, rủi ro khó lường, đặc biệt là trong mùa mưa bão. Máy thông tin liên lạc trên tàu cá đã đóng vai trò hết sức quan trọng, làm nhiệm vụ thu nhận thông tin về tình hình thời tiết, thông tin liên lạc giữa các tàu với nhau và từ tàu về đất liền, thông tin liên lạc về cứu hộ, cứu nạn... đã góp phần giảm thiểu thiệt hại cho bà con ngư dân.

Cangu4.jpg

Chuẩn bị nguyên, nhiên liệu trước khi ra khơi - Ảnh: N.CHUNG

Ngư dân nên mua sắm, lắp đặt, sử dụng máy thông tin liên lạc (máy đàm thoại) nhỏ gọn để tiết kiệm không gian lắp đặt. Máy phải được thiết kế chống ẩm, chống nhiễm mặn, có anten phân bố sóng phát đều xung quanh tàu. Anten là thiết bị để thu phát sóng điện từ, khi phát công suất dòng cao tần được biến thành năng lượng sóng điện từ bức xạ vào không gian. Khi thu, anten biến sóng điện từ thành một sức điện động để truyền vào mạch khuyết đại. Do đặc điểm của các máy đàm thoại và kích thước, cấu trúc của tàu cá Việt Nam hiện nay có chiều dài phổ biến dưới 30m, nên Anten cần loại nửa sóng là phù hợp nhất cho máy tầm gần, công suất giải tần HF (25-30MHz) và anten dây cho máy tầm xa, công suất lớn dải MF/HF (1,6-50MHz). Khi lắp đặt anten trên tàu cần phân bố anten hợp lý để tránh gây nhiễu lẫn nhau. Khối máy chính lắp đặt trong ca bin tàu cần chọn chỗ khô ráo, thoáng khí, tránh nhiệt độ cao; khối nguồn có phát nhiệt không lắp gần khối máy chính.

Khi gặp sự cố, ngư dân cần gọi tới các trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải hoặc các đài thông tin duyên hải, thông báo các thông tin như: Tên tàu, vị trí tọa độ, thời gian bị nạn, tình trạng tai nạn, số người trên tàu, tình trạng sóng gió... và giữ liên lạc thường xuyên. Khi cần cấp cứu, các tàu phải phát tín hiệu: mayday, mayday, mayday... cấp cứu, cấp cứu, cấp cứu...

Theo quy chế thông tin đối với tàu cá hoạt động trên biển, trong điều kiện thời tiết bình thường, các tàu cá phải duy trì chế độ trực canh tự động 24/24 giờ trong ngày; giữ liên lạc và báo cáo ít nhất ba ngày một lần cho Bộ đội Biên phòng tỉnh về vị trí tàu, số lượng lao động, tình trạng tàu cá hoạt động trên biển, thành viên của tổ mình và tình hình an ninh trên vùng biển đang hoạt động.

Khi có áp thấp nhiệt đới, bão xa hoặc tin thời tiết nguy hiểm trên biển, các tàu cá phải duy trì chế độ trực canh như đã nêu ở trên; thường xuyên theo dõi các bản tin dự báo áp thấp nhiệt đới, bão xa hoặc thời tiết nguy hiểm trên biển qua các phương tiện, hệ thống thông tin, liên hệ chặt chẽ với các tàu cá hoạt động trên biển trong tổ và các tàu cá hoạt động trên biển gần nhất để chủ động phối hợp phòng tránh; các tàu cá hoạt động từ vùng biển A2 trở ra phải thực hiện chế độ báo cáo ít nhất hai lần trong ngày, mỗi lần cách nhau 12 giờ cho đài trực canh Bộ đội Biên phòng tỉnh hoặc đài trực canh của Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản địa phương về vị trí tàu, số lượng lao động, tình trạng tàu cá.

Khi bão gần, bão đã vào biển đông, các tàu cá phải duy trì chế độ trực canh như đã nêu ở trên; các tàu cá hoạt động từ vùng biển A2 trở ra phải thực hiện chế độ báo cáo ít nhất ba lần trong ngày, mỗi lần cách nhau 8 giờ cho đài trực canh gần nhất của bộ đội biên phòng hoặc đài trực canh của chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản địa phương về vị trí tàu, số lượng lao động, tình trạng tàu cá; thông báo kịp thời cho các tàu cá khác đang hoạt động trong khu vực; chấp hành lệnh của cơ quan quản lý nhà nước trong bờ (gọi vào bờ hoặc tìm nơi trú ẩn).

Khi đang trong vùng ảnh hưởng của bão, tàu cá cần duy trì chế độ trực canh. Các tàu cá hoạt động từ vùng biển A2 trở ra phải giữ liên lạc liên tục 24/24 giờ trong ngày với đài của bộ đội biên phòng, hệ thống Đài Thông tin duyên hải Việt Nam và các tàu cá gần nhất về vị trí tàu cá của mình đang hoạt động và phát tín hiệu cấp cứu khi phương tiện bị nạn.

Khi bão tan, các tàu cá phải duy trì chế độ trực canh; các tàu cá hoạt động trong vùng biển từ A2 trở ra phải sử dụng mọi biện pháp có thể thông báo cho bộ đội biên phòng nơi gần nhất, UBND các xã, phường, thị trấn nơi cư trú hoặc chính quyền địa phương nơi tàu đang trú ẩn về vị trí, tình trạng người và tàu cá của mình, đồng thời duy trì liên lạc liên tục 24/24 giờ với đài của Bộ đội Biên phòng tỉnh, hệ thống Đài Thông tin duyên hải Việt Nam trên tần số 7903 kHz để tham gia điều động cứu nạn, cứu hộ (nếu có). Khi phát hiện có hiện tượng thiên tai trên biển, ngư dân thông báo ngay cho hệ thống Đài Thông tin duyên hải Việt Nam và hệ thống thông tin của bộ đội biên phòng để các cơ quan chỉ đạo phòng, chống thiên tai đề ra những biện pháp xử lý kịp thời.

Khi tàu cá hoạt động trên biển bị tai nạn cần sự giúp đỡ, cứu hộ, cứu nạn, ngư dân phải kịp thời thông báo cho các tàu cá nơi gần nhất và đồng thời thông báo cho hệ thống Đài thông tin duyên hải Việt Nam hoặc Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng về vị trí tàu cá của mình đang hoạt động và có biện pháp ứng phó kịp thời. Khi phát hiện tàu cá khác bị nạn, thuyền trưởng phải đưa tàu đến hỗ trợ ứng cứu kịp thời và nhanh chóng thông báo cho các tàu cá, các đài thuộc hệ thống Đài Thông tin duyên hải Việt Nam hoặc các đài thuộc bộ đội biên phòng nơi gần nhất biết để cùng hỗ trợ và phải chấp hành sự chỉ đạo, điều động của cơ quan, đơn vị có thẩm quyền về tìm kiếm cứu nạn trên biển.

NGUYỄN KHẮC TÂN

Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek