Gần 2 năm nay, thị trường nhà, đất cả nước nói chung, Phú Yên nói riêng rơi vào tình trạng đóng “băng”. Mặc dù các doanh nghiệp kinh doanh địa ốc đã thực hiện nhiều chính sách khuyến mãi nhằm kích cầu nhưng xem ra cũng không “sáng sủa” gì hơn.
TỪ “SỐT”
Năm 2004 là thời điểm “sốt đất” ở TP Tuy Hòa. Khi ấy, những phiên đấu giá quyền sử dụng đất dọc theo đường Hùng Vương, nhất là đoạn từ đường Trần Hưng Đạo đến Nguyễn Huệ, luôn thu hút rất đông người. Nhiều “đại gia” ở Phú Yên muốn chớp thời cơ kinh doanh nhưng cũng không ít người vì “tức nhau tiếng gáy” đã đẩy giá nhiều lô đất ở đây lên cao ngất ngưỡng. Có những lô đất nằm ở vị trí đẹp của tuyến đường này giá đã vượt hơn gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi so với giá sàn. Thấy ngon “cơm”, gần như ngay lập tức, một số doanh nghiệp kinh doanh địa ốc ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và cả Phú Yên đã nhảy vào đầu tư các khu đô thị mới để đón đầu nhu cầu của người dân. Các khu đô thị mới Hùng Vương, Hưng Phú, rồi khu dân cư mới của Công ty cổ phần Xây dựng Phú Yên lần lượt hình thành dọc theo hai bên đường Hùng Vương.
Khu đô thị cao cấp Hưng Phú đã có trên 80% căn hộ có chủ, nhưng tốc độ bán số căn hộ còn lại vẫn chậm - Ảnh: HOÀI TRUNG
ĐẾN “BĂNG”
Thời gian đầu, các khu dân cư này cũng đã thu hút được sự quan tâm của một số người có thu nhập khá. Nhưng kể từ năm 2005 trở lại đây, nhu cầu mua địa ốc của người dân Phú Yên giảm đáng kể. Mặc dù đã liên tục hạ giá khởi điểm, nhưng nhiều phiên đấu giá đất đường Hùng Vương gần như không có người mua. Tình trạng cung vượt cầu nhiều lần đã xảy ra khi tỉnh bán đất đường Hùng Vương, rồi TP Tuy Hòa và một số huyện cũng tạo quỹ đất để bán thu ngân sách. Giá đất vì thế bị “rớt” thảm hại, mãi lực kinh doanh thị trường địa ốc ở Phú Yên yếu dần. Một số người đầu cơ đất đã phải rao bán bằng giá, thậm chí chịu lỗ chút ít. Nhiều tháng nay dọc theo đường Hùng Vương, người ta thấy nhiều lô đất được treo bảng bán vì theo các chủ đất, nếu cứ “ôm” các lô đất này thì tiền trả lãi vay ngân hàng để đầu cơ mua đất sẽ rất lớn.
Không chỉ có các lô đất mặt tiền mà ngay cả những lô đất bên trong nội bộ đường Hùng Vương và các khu vực khác cũng rơi vào tình trạng ế ẩm. Vào thời kỳ cao điểm của cơn “sốt” đất, những lô đất diện tích chỉ khoảng 80m2 có thể bán được với giá từ 150 triệu đồng đến 180 triệu đồng,thậm chí là 200 triệu đồng nếu vị trí đẹp. Thế nhưng hiện nay những lô đất như vậy chỉ có giá từ 110 triệu đến 130 triệu.
Đất mất giá nên các doanh nghiệp kinh doanh địa ốc đua nhau khuyến mãi để thu hút khách hàng. Hiện một số công ty chuyên kinh doanh địa ốc được lập nên bởi các “cò” đất đường Hùng Vương trước đây đang tăng cường công tác tiếp thị, quảng cáo về trung tâm các huyện để nhắm vào những người có đủ tiền muốn mua đất xây nhà ở thành phố. Còn chủ đầu tư khu đô thị Hưng Phú thì tung ra chương trình hỗ trợ khách hàng bằng cách hỗ trợ vay tối đa 80% giá trị căn nhà trong vòng 15 năm với lãi suất đặt biệt tại Ngân hàng Sài Gòn thương tín chi nhánh Phú Yên.
CHỈ BIẾT CHỜ CHÍNH SÁCH MỚI
Theo đánh giá của những chuyên gia trong lĩnh vực địa ốc, hiện thị trường nhà đất ở TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh thành khác đang ấm dần lên. Nhưng tình trạng “đóng băng” trong lĩnh vực này ở Phú Yên vẫn chưa có những dấu hiệu khả quan. Thu nhập của phần lớn người dân Phú Yên còn rất hạn chế do vậy nhu cầu về nhà ở, đất ở của một bộ phận nhân dân là rất thấp. Cơn sốt nhà, đất trong thời gian vừa qua chỉ là cơn sốt “ảo” và điều đó đã làm cho một số đại gia muốn kiếm lời từ kinh doanh địa ốc và cả các doanh nghiệp rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Tất cả đang chờ những thay đổi thêm trong chính sách nhà, đất của Chính phủ để có thể làm tan “băng” thị trường địa ốc…
THANH HOÀI