Thứ Ba, 01/10/2024 16:30 CH
Màu xanh Sơn Ngọc
Chủ Nhật, 29/10/2006 08:18 SA

Phú Hoà là huyện có nhiều tổ hợp tác trang trại nhất của tỉnh, trong đó nổi bật hơn cả là tổ hợp tác trang trại Sơn Ngọc. Tại đây có nhiều mô hình đạt giá trị 50 triệu đồng/ha và có hộ thu nhập 50 triệu đồng/năm.

 

061029-O-Quyen.jpg

Ông Quyển trồng 3ha rừng, sau 2 năm cây keo lá tràm đã cao 3-4m -  Ảnh: N.T

Từ trụ sở xã Hoà Quang Bắc đi ngược theo xã lộ 22 chừng 7 cây số, qua 2 con suối cạn, chúng tôi đến khu vực tổ hợp tác trang trại Sơn Ngọc. Đây là vùng đất tương đối bằng phẳng được bao bọc bởi những rặng núi cao nên từ sau giải phóng, nhiều người dân trong xã rủ nhau đến khai hoang làm nương rẫy, lập vườn trồng cây, trồng rừng, nuôi bò, hình thành những trang trại trồng trọt kết hợp với chăn nuôi. Tuy nhiên, do tự ai nấy làm, còn hạn chế trong việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên hiệu quả kinh tế chưa cao. Cuối năm 1998, ông Huỳnh Văn Tánh, một cán bộ công an nghỉ chế độ về sinh sống tại đây đã đứng ra vận động các chủ trang trại trong vùng thành lập tổ hợp tác trang trại Sơn Ngọc nhằm hỗ trợ nhau trong sản xuất. Đây là mô hình kinh tế hợp tác trong lĩnh vực trang trại đầu tiên của tỉnh nên được sự quan tâm giúp đỡ của các ngành các cấp chính quyền địa phương. Sơn Ngọc đã có những bước đi vững chắc, trở thành điểm sáng của kinh tế hợp tác trang trại Phú Yên. Từ 31 hộ tham gia ban đầu, đến nay Sơn Ngọc đã tập họp tất cả 66 hộ trong vùng tham gia với thu nhập bình quân 7,5 triệu đồng người/năm, phần nào nói lên sức sống của vùng đất núi hẻo lánh này. Ông Huỳnh Văn Tánh nhớ lại: “Khi có tổ hợp tác, việc chúng tôi làm được đầu tiên là chung sức đặt ống đưa nước từ Lỗ Chài về tưới cho cây trồng. Việc này được cấp trên chú ý, sau đó hỗ trợ chúng tôi kiên cố đập dâng đảm bảo nước tưới quanh năm, nhờ đó mà các phương pháp thâm canh cây trồng bắt đầu có hiệu quả rõ rệt. Từ đó, phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi diễn ra sôi nổi. Hằng năm, chúng tôi được cấp trên hỗ trợ các mô hình khuyến nông lâm như làm vườn cây sinh thái, vỗ béo bò thịt, nuôi cá, trồng dưa hấu, trồng bắp lai, trồng cây lâm nghiệp… Bà con nhân rộng có hiệu quả nên mùa nào cây nấy, làm không hết việc. Rồi đường sá được cải tạo, mở rộng; sản phẩm làm ra bán tại chỗ, có xe đến tận nơi đưa về xuôi. Rồi điện lưới đến từng nhà, làng xóm đông vui. Nhưng điều mừng nhất là ai cũng có của ăn của để, không còn hộ nghèo nữa”.

 

Trong tổng số 200 ha đất của tổ hợp tác trang trại Sơn Ngọc hiện có 65 ha trồng cây lâm nghiệp, 55 ha cây ăn quả, 42 ha trồng cây ngắn ngày, 18 ha ao nuôi cá, còn lại là diện tích trồng cỏ cho đàn bò lai hơn 200 con. Trang trại của tổ trưởng Huỳnh Văn Tánh được xem là điển hình làm kinh tế VAC trong vùng. Trên diện tích gần 10ha, ông Tánh trồng 3 ha bạch đàn, 2 ha cây ăn quả gồm xoài, nhãn, mãng cầu, chanh… diện tích còn lại cây ngắn ngày như bắp, thuốc lá hoặc rau, đậu theo từng mùa và trồng cỏ nuôi bò. Dưới tán cây ăn quả là ao nuôi cá. Ông nhẩm tính, năm vừa rồi, chỉ riêng trồng khổ qua, dưa leo đã thu vào  60 triệu đồng, đó là chưa kể các nguồn thu từ vườn cây ăn quả, chăn nuôi bò, gia cầm. Tính ra thu nhập có đến 100 triệu đồng.

 

Ông Trương Quang Hưng cũng là người ăn nên làm ra được nhiều người biết đến của tổ hợp tác trang trại Sơn Ngọc. Là một trong những người đến lập nghiệp cách đây hơn 15 năm, chưa có điều kiện tiếp cận các loại cây trồng có giá trị như bây giờ, ông chủ yếu trồng mít và mãng cầu dai kết hợp với trồng cỏ chăn nuôi bò. Ấy vậy mà từ nhiều năm nay, 100 gốc mít và 640 cây mãng cầu cho ông khoản thu nhập hằng năm không dưới 30 triệu đồng. Cộng các khoản thu nhập khác từ trồng rau màu và chăn nuôi, ông Hưng thu nhập từ 50- 70 triệu đồng/năm. Các ông Trương Đình Phùng, Nguyễn Văn Quyển, Đặng Văn Tiên… cũng có thu nhập không kém ông Hưng, trở thành những nông dân sản xuất giỏi tiêu biểu của tổ hợp tác trang trại này.

 

Trưởng phòng Kinh tế huyện Phú Hòa Lương Công Dũng: “Khi đưa những dự án khuyến nông lâm về đây, chúng tôi rất yên tâm. Hầu như tất cả các mô hình đều được bà con thực hiện rất thành công”.

Thời điểm này, chủ nhân của các trang trại đang tất bật chăm sóc, thu hoạch rau màu vụ đông và chuẩn bị cho vụ đông xuân sắp tới. Tính ra, diện tích trồng rau màu ngắn ngày dùng “chạy chợ” nhằm “lấy ngắn nuôi dài” đó đã đạt giá trị hơn 50 triệu đồng/ha. Ông Nguyễn Văn Quyển bảo: “6 ha bắp lai trồng hơn tháng đã cao muốn phả đầu, tốt lắm, sau khi thu hoạch tôi sẽ trồng lại cây thuốc lá. Năm trước, thực hiện mô hình luân canh bắp lai vụ thu đông với thuốc lá đông xuân, tính ra giá trị có đến 60 triệu đồng/ha”. Nói đến chuyện trồng thuốc lá, ông Tánh như chợt nhớ, chen lời: Năm vừa rồi, được phòng Kinh tế huyện giới thiệu, Tổng công ty Khánh Việt (Khánh Hoà) tìm đến đưa giống, hướng dẫn chúng tôi trồng thử nghiệm thuốc lá. Kết quả thật bất ngờ, chỉ trồng hơn 3 tháng rưỡi, mà tính ra mỗi ha thu trên 30 triệu đồng, lãi một nửa nên vụ này các trang trại đã đăng ký trồng trên 20 ha. Đây là đối tượng cây trồng mới đầy hứa hẹn, có thể tạo nên vùng chuyên canh trong những năm đến.

 

Quả thật, câu chuyện làm ăn của những chủ trang trại ở đây dường như không bao giờ cạn. Chuyện trồng cây gì, nuôi con gì được họ bàn với nhau rất kỹ, nhất là cách thức nuôi trồng để có hiệu quả cao nhất.

 

Còn tôi nhận ra rằng, chính sự hình thành tổ hợp tác trang trại mà tổ trưởng Huỳnh Văn Tánh là người có đóng góp rất lớn, đã tạo nên sức mạnh, gắn kết họ với nhau, hỗ trợ nhau khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai ở đây tạo nên diện mạo mới cho vùng đất hẻo lánh này.

 

NGUYÊN TRƯỜNG

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek