Mùa mưa lũ 2006 đã đến. Công trình thủy điện Sông Ba Hạ thi công trên đoạn sông hiểm trở, lưu lượng nước lớn và nguy cơ lũ gây thiệt hại cho công trình là không nhỏ. Tuy nhiên, các đơn vị thi công đã chuẩn bị tất cả các phương án phòng tránh lũ cần thiết, nhất là đối với các hạng mục thi công quan trọng ngay trong lòng và trên mặt sông.
Ong Nguyễn Quốc Khánh, Phó Trưởng BCH công trình tổng thầu xây lắp dự án thủy điện Sông Ba Hạ (Tổng Công ty Cơ điện xây dựng nông nghiệp và thủy lợi), cho biết: Với tầm quan trọng của công trình và dự báo nguy cơ cũng như sức lũ trên sông Ba, ngay từ đầu BQL và BCH công trình đều đề ra mục tiêu đạt các cao trình vượt lũ đối với tất cả các hạng mục có nguy cơ bị ảnh hưởng trước mùa mưa bão. Đến ngày
Đường công vụ, hạ lưu chân đập chính là một trong những điểm ảnh hưởng lớn khi có lũ - Ảnh: Ly Kha
Tại hạng mục đập tràn, ngày 15/8, hạng mục này đã đạt cao trình vượt lũ là 78,5m. Tổng Công ty Cơ điện xây dựng nông nghiệp và thủy lợi là đơn vị thi công hạng mục đập chính, đập tràn và từ tràn 5 đến tường chắn bờ phải của đập. Anh Bùi Chí Hoàn, kỹ thuật giám sát của đơn vị tổng thầu, cho biết: Vấn đề đạt cao trình vượt lũ được đặt ra sớm và yêu cầu thực hiện nghiêm túc nhất. Tại đập chính, vẫn đảm bảo được ngăn tràn để thi công khi có lũ. Sau bão số 6, hai đêm liền mưa lớn từ thượng nguồn đã dẫn lũ về đạt tới cao trình 85,5m. Lưu lượng lũ rất lớn, diễn ra trong thời gian ngắn nên một khi có sự cố thì hầu như không thể khống chế thiệt hại ngay thời điểm lũ. Nhưng vì đã chủ động trước tất cả các phương án, tháo dỡ cầu tạm thượng lưu nên đã không có thiệt hại. Sau mỗi buổi thi công, lực lượng thu dọn vệ sinh công trường tiến hành làm sạch các điểm thi công và kiểm tra toàn bộ độ an toàn trên công trường nhằm chủ động tránh lũ ở mọi thời điểm.
Tại các hạng mục đều có lán trại công nhân và người túc trực 24/24, BCH theo dõi mọi diễn biến của thời tiết và đều đo lưu lượng dòng chảy của sông thường xuyên. Anh Hoàn cho hay, tường cánh hạ lưu và bờ phải đập chính vẫn đang được gấp rút thi công nhằm đạt cao trình hoàn thiện 111m. Tại đập tràn, đơn vị này đang thi công 12 cửa cung và các trụ bin. Bờ trái và các tràn từ 1 đến 4 được Công ty Xây dựng 47 thi công cũng đã đạt cao trình vượt lũ và chủ động tránh lũ trong tháng 8/2006.
Anh Nguyễn Quang Vũ, Trưởng phòng tổ chức đơn vị tổng thầu, cho hay: Hiện trong tổng số 6 đơn vị thi công tại công trình này có 2 đơn vị sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp khi có lũ. Lượng công nhân trên công trường cũng rất lớn lên đến 2.000 người có mặt thường xuyên; cao điểm, con số này là 3.000 người nên công tác đảm bảo an toàn và phòng tránh lũ cũng phải được quán triệt đối với từng người.
Tại hạng mục đường hầm, đơn vị Sông Đà 10.2 (thuộc Công ty Sông Đà 10) đang thi công kết cấu vỏ hầm 1, hầm 2 đoạn từ cửa lấy nước đến ngách hầm phụ. Đơn vị cũng đã khai thông toàn bộ hệ thống rãnh thoát nước xung quanh hố móng cửa vào hầm phụ và các khu vực lán trại, nhà kho, trạm trộn; lắp máy bơm nước hố móng trong hầm cũng như ngoài cửa vào hầm phụ đảm bảo công suất bơm thoát nước hố móng.
Vinaconex 10 nạo vét đất đá toàn bộ hệ thống rãnh thoát nước tại cơ 60m, cơ 50m của hạng mục nhà máy và kênh xả; gia cố bảo vệ đê quây MC6-6 và đê quây tại NL9 cuối kênh xả đạt cao trình 42m. Nhìn chung công tác chủ động phòng tránh lũ của tất cả các đơn vị trên công trường đều đã được tính toán và triển khai thực hiện. Anh Nguyễn Quang Vũ cho hay, vấn đề đối với công nhân và công trường, kể cả thiết bị máy móc đều đã chủ động phòng tránh, vấn đề còn lại là người dân trong vùng. Một khi có lũ, thời gian lũ quét rất nhanh và sức tàn phá lớn, người dân lại thường xuyên qua lại tại những khu vực nguy hiểm trong khi các đơn vị thi công không chủ động được vấn đề này. Anh Vũ cho rằng để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân, phải có sự phối hợp của chính quyền địa phương nhiều hơn. Tới nay, yếu tố này vẫn chưa được các địa phương chú ý đúng mức.
LY KHA