Năm 2011, Phú Yên diễn ra nhiều sự kiện quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động thương mại, dịch vụ của tỉnh phát triển. Hiện tại, ngành Công thương Phú Yên đang tập trung bình ổn thị trường những tháng cuối năm.
Siêu thị Co.opMart Tuy Hòa thuộc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Sài Gòn- Phú Yên luôn có nguồn hàng sẵn sàng tham gia bình ổn thị trường. - Ảnh: N. TRƯỜNG
TỔNG MỨC BÁN LẺ HÀNG HÓA TĂNG
9 tháng qua, tổng mức bán lẻ hàng hóa trên địa bàn đạt gần 8.173 tỉ đồng, đạt 76% kế hoạch cả năm và tăng 26% so với cùng kỳ. Trong đó, kinh tế cá thể đạt trên 6.000 tỉ đồng, tăng gấp 2,7 lần; kinh tế tập thể đạt gần 22 tỉ đồng, tăng 39%; kinh tế tư nhân đạt 1.500 tỉ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước. Tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt gần 121 triệu USD, đạt 83% kế hoạch, tăng 39% so với cùng kỳ năm 2010. Một số mặt hàng chủ lực có mức tăng trưởng cao, như hàng thủy sản, may mặc, chế biến hạt điều...
Ngành Công thương đã thực hiện tốt các biện pháp dự trữ hàng hóa bình ổn giá, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, đảm bảo đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân. Trong 9 tháng qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành có liên quan tăng cường công tác kiểm tra, rà soát thị trường, quản lý giá cả, nhờ vậy chỉ số giá tiêu dùng tháng 9 tăng 14,51% so với tháng 12/2010 và đang có xu hướng giảm dần.
Theo Sở Công thương, nhờ thực hiện tốt những giải pháp về kiềm chế lạm phát, ổn định thị trường, tình hình giá cả thị trường Phú Yên khá ổn định. Có thể nói, một thành công lớn của hoạt động thương mại trong năm 2011 là việc tổ chức tốt các chương trình bán hàng lưu động về các huyện miền núi, nhất là chương trình đưa hàng Việt về tận các xã vùng sâu, vùng xa của các huyện miền núi Đồng Xuân, Sông Hinh, Sơn Hòa và đưa hàng về phục vụ tại khu công nghiệp trong Tháng công nhân. Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn đã góp phần bình ổn thị trường, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng trong tỉnh, nhất là người lao động có thu nhập thấp. Với 10 đợt bán hàng lưu động các doanh nghiệp đã đưa hàng về các xã nghèo, thực hiện chính sách ưu đãi giá đã giúp người tiêu dùng khu vực vùng sâu, vùng xa được tiếp cận hàng hóa với giá cả hợp lý.
Ngoài ra, ngành Công thương Phú Yên cũng đã tổ chức thành công hai hội chợ cấp tỉnh, năm hội chợ cấp huyện. Các hội chợ tiêu dùng cấp huyện đã đáp ứng nhu cầu mua sắm, giải trí của người dân ở xa trung tâm TP Tuy Hòa. Đặc biệt, tháng 9/2011, tỉnh Phú Yên đã tổ chức Hội chợ thương mại quốc tế miền Trung - Tây Nguyên thu hút hơn 150.000 lượt khách đến tham quan, mua sắm. Đây cũng là dịp để các doanh nghiệp, đơn vị trao đổi kinh nghiệm giao lưu ký kết hợp đồng. Qua hội chợ, các doanh nghiệp đã ký kết 19 hợp đồng kinh tế giá trị trên 21 triệu USD và 55 tỉ đồng; tạo được những mối quan hệ hợp tác làm ăn lâu dài giữa các doanh nghiệp của Phú Yên với các doanh nghiệp trong và ngoài nước thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của tỉnh phát triển.
Chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn” được nhiều người tiêu dùng ở các xã vùng sâu, vùng xa quan tâm. - Ảnh: N.XUÂN
TẬP TRUNG BÌNH ÔN THỊ TRƯỜNG CUỐI NĂM
Những tháng còn lại của năm 2011, Sở Công thương Phú Yên đặt ra nhiệm vụ trọng tâm là kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ thị trường, đảm bảo dự trữ nguồn hàng hóa để chủ động điều tiết thị trường cuối năm và nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Thìn 2012. UBND tỉnh đã cho Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Sài Gòn - Phú Yên và Công ty cổ phần Thương mại miền núi tỉnh tạm ứng 15 tỉ đồng từ ngân sách để mua hàng hóa thiết yếu dự trữ từ tháng 10/2011 đến hết tháng 3/2012. gồm: Thực phẩm tươi sống, thực phẩm công nghệ: đường, sữa, dầu ăn, bột ngọt, gạo, muối, mì ăn liền, nước uống… Với nguồn hàng dự trữ trên, trong điều kiện bình thường, các doanh nghiệp còn tổ chức bán hàng thông qua mạng lưới bán lẻ của doanh nghiệp, nhằm hạn chế tình trạng khan hàng. Nếu thị trường thiếu hàng, các doanh nghiệp phải ưu tiên phân phối cho hệ thống bán lẻ, không để xảy ra khan hiếm hàng cục bộ ở các địa bàn dân cư. Khi thị trường có biến động về giá, các doanh nghiệp phải đưa hàng về địa bàn bán với giá thấp hơn giá thị trường ít nhất 10% để bình ổn thị trường.
Ngoài ra, ngành Công thương còn chủ động xây dựng các điểm dự trữ hàng hóa để cung cấp ổn định về số lượng và giá cả cho nhu cầu của thị trường; tăng cường các biện pháp quản lý thị trường; chỉ đạo các lực lượng chức năng lập danh sách các hộ kinh doanh có khả năng tích trữ hàng hóa số lượng lớn, kiểm tra lượng hàng tích trữ và các biện pháp quản lý, can thiệp khi cần thiết. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng các doanh nghiệp liên kết găm hàng, tăng giá bán. Đồng thời tăng cường công tác an ninh trật tự, kiểm tra số lượng, chất lượng hàng bình ổn giá, không để xảy ra biến động về giá cả. Mặt khác ngành Công thương tiếp tục phát triển thị trường nội địa, hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển thị trường mới; trong đó chú trọng thị trường nông thôn, thực hiện tốt việc tiêu thụ hàng hóa nông sản cho nông dân và tạo thuận lợi phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Bên cạnh đó, vận động, khuyến khích các tổ chức, cá nhân triển khai thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cũng là nhiệm vụ mà ngành Công Thương quan tâm thực hiện xuyên suốt trong thời gian tới.
XUÂN NGÔ