Việc Ngân hàng Nhà nước phối hợp với cơ quan Công an phát hiện một số tổ chức tín dụng vi phạm quy định về việc ấn định lãi suất huy động bằng đồng Việt Nam (VND) vượt quá mức lãi suất tối đa 14%/năm và một số tổ chức tín dụng huy động kỳ hạn 24 giờ, 2 ngày, 1 tuần, 2 tuần với mức lãi suất tối đa 14%/năm, gây tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cho toàn hệ thống ngân hàng. Để khắc phục tình trạng trên, đảm bảo an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 30/2011 quy định lãi suất tối đa đối với tiền gửi VND của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng.
Theo đó, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới một tháng là 6%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ một tháng trở lên là 14%/năm; riêng Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở ấn định mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi kỳ hạn từ một tháng trở lên là 14,5%/năm. Các tổ chức tín dụng niêm yết công khai lãi suất tiền gửi VND tại các địa điểm nhận tiền gửi theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đồng thời nghiêm cấm tổ chức tín dụng khi nhận tiền gửi thực hiện khuyến mại dưới mọi hình thức.
Có thể nói, việc Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 30 là một “liều thuốc đặc trị” nhằm lập lại trật tự trên thị trường tiền tệ. Theo các chuyên gia ngân hàng, Thông tư 30 nhằm lập lại trật tự, kỷ cương trong hoạt động huy động vốn, ngăn chặn các “biến tướng” trong việc cạnh tranh lãi suất để huy động vốn, tiến tới giảm lãi suất cho vay để giúp các doanh nghiệp mở rộng sản xuất, kinh doanh. Và quan trọng hơn là Thông tư 30 đã ngăn chặn từ xa những rủi ro thanh khoản, rủi ro kỳ hạn cho các tổ chức tín dụng, đồng thời “nắn” lại đường cong lãi suất, qua đó, giúp cơ cấu nguồn vốn của các ngân hàng ổn định hơn.
Doanh nghiệp nào cũng muốn lãi suất thấp để giảm chi phí sản xuất, kinh doanh, tăng sức cạnh tranh. Chia sẻ với doanh nghiệp, thời gian qua, các ngân hàng cũng đã triển khai nhiều gói tín dụng với lãi suất 17-19%/năm dành cho lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Thậm chí có ngân hàng còn cho vay với lãi suất thấp hơn. Tuy nhiên, hầu hết những gói này chỉ dành cho các khách hàng thân thiết, có dự án tốt và sử dụng trọn gói các dịch vụ tại ngân hàng. Để lãi suất cho vay giảm nhanh hơn nữa thì mặt bằng lãi suất đầu vào (huy động) cần phải hạ thấp tương ứng, trong khi việc chấn chỉnh thực hiện nghiêm quy định lãi suất huy động của ngân hàng 14%/năm mới triển khai hơn một tháng, còn Thông tư 30 mới thực hiện từ đầu tháng 10 đến nay, nên cần phải có thêm thời gian để phát huy hiệu quả. Đó là chưa kể, hiện nhiều ngân hàng còn tồn những hợp đồng huy động vốn với lãi suất đến 18-19%/năm, nếu kéo ngay lãi suất cho vay xuống 16-17%/năm là khó thực hiện được, cần phải có nguồn vốn lãi suất thấp để ngân hàng cân bằng bình quân giá vốn (trộn lãi suất) mới có được những khoản vay lãi suất thấp hơn.
Bên cạnh đó, mặc dù đã giảm tốc trong tháng 8 và tháng 9, nhưng lạm phát vẫn còn rất cao. CPI 9 tháng qua đã tăng đến 16,6%, tăng 22,4% so với cùng kỳ năm 2010. Rõ ràng, khi lạm phát còn ở mức cao thì việc kéo lãi suất giảm nhanh xuống mức 16-17%/năm là khó thực hiện. Do vậy, doanh nghiệp muốn tiếp cận vốn ngân hàng với mức lãi suất thấp thì đành phải… chờ.
NGUYỄN QUANG