Trồng rừng kinh tế hiện đang trở thành phong trào rộng khắp ở Phú Yên. Ngay các vùng núi xa cũng đã được phủ xanh bằng cây lâm nghiệp.
Nông dân huyện Đồng Xuân đang mua giống cây lâm nghiệp tại vườn ươm Long An (TT La Hai) - Ảnh: M.HOÀI
Nông dân huyện Đồng Xuân hiện đang chuẩn bị diện tích đất, hố đào để xuống giống trồng 400.000 cây phân tán. Năm nay tại vườn ươm Long An (thị trấn La Hai), người dân đăng ký mua 800.000 cây nhiều chủng loại như: keo lá tràm, bạch đàn đỏ, xà cừ, sao… So với năm ngoái, giá cây giống lâm nghiệp năm nay không tăng mấy, keo lá tràm 650 đồng/cây, sao 2.500 đồng/cây.
Theo Phòng NN-PTNT huyện Tuy An, đến thời điểm này, nhân dân các xã An Lĩnh, An Nghiệp và An Hiệp đã đăng ký trồng 806ha rừng tập trung với 2 giống cây chính là sao đen và keo lá tràm. Đối với cây phân tán, nhân dân 16 xã, thị trấn trong huyện nhận trồng 40.000 cây, chủ yếu là giống keo lá tràm. Bước đầu, các xã An Xuân, An Nghiệp, An Hiệp, An Hòa, An Ninh Tây và thị trấn Chí Thạnh đã trồng được 15.000 cây phân tán.
UBND tỉnh Phú Yên đã phê duyệt quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2020 với tổng kinh phí 1.886 tỉ đồng, trong đó nội dung phát triển rừng được ưu tiên, chiếm 70% tổng vốn đầu tư, tương đương 1.323 tỉ đồng. Khoản kinh phí còn lại được dành cho công tác bảo vệ rừng và các chi phí khác”.
Ở xã Sơn Định (huyện Sơn Hòa), người dân địa phương đang chuẩn bị trồng 10.000 cây phân tán trong mùa mưa năm nay. Ông Đào Duy Linh, Trưởng Phòng Kinh tế huyện Sơn Hòa cho biết, chỉ tính riêng ba xã cánh bắc của huyện gồm Sơn Long, Sơn Định, Sơn Xuân, hàng năm người dân trồng 1 triệu cây phân tán.
Theo kế hoạch, năm nay toàn tỉnh trồng 4.000ha rừng, trong đó rừng phòng hộ khoảng 150ha, chăm sóc rừng trồng các năm trước 14.500ha.
Ông Phạm Văn Sang, Cán bộ kỹ thuật Trung tâm Giống và Kỹ thuật cây trồng (thuộc Sở NN-PTNT tỉnh Phú Yên) cho biết, chi phí đầu tư từ khi trồng đến khi thu hoạch đối với bạch đàn, keo lá tràm từ 8-10 triệu đồng/ha. Với mật độ 2.500 cây/ha, trong thời điểm hiện nay, người trồng rừng chỉ tốn khoảng 1 triệu đồng mua cây giống. Ông Sang phân tích: “Giống là yếu tố quan trọng quyết định năng suất cây trồng, vì vậy cần phải chọn giống sạch, đạt tiêu chuẩn. Tâm lý của người nông dân là giảm chi phí được đồng nào mừng đồng nấy nhưng đối với trồng rừng kinh tế, tiết kiệm như vậy sẽ không mang lại hiệu quả”.
Theo các cán bộ ngành NN-PTNT, hiện nhiều nông dân tham gia vào trồng rừng là do họ biết chuyển đổi cây trồng cho phù hợp với chân đất, thu được kết quả tốt. Theo tính toán của những người trồng rừng, khi trồng 1.000 cây bạch đàn, 7-8 năm sau có thể cho thu nhập 50 triệu đồng. Trong khi đó, chi phí đầu tư cho trồng cây bạch đàn, keo lá tràm không lớn, công chăm sóc không nhiều. So với trồng sắn mía, chi phí chưa tới 1/10. Rất nhiều hộ nông dân sau một thời gian “theo” cây sắn, mía giờ nhận thấy đất bị bạc màu, họ đã chuyển sang trồng rừng kinh tế với hiệu quả mang lại cao hơn.
LÊ TRÂM