Trong bối cảnh kinh tế của đất nước còn gặp nhiều khó khăn do thị trường thế giới biến động, lạm phát tăng cao; doanh nghiệp thiếu vốn sản xuất đã ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế của tỉnh. Song với sự hỗ trợ của ngành chức năng, các doanh nghiệp của tỉnh đã khắc phục khó khăn, duy trì sản xuất, góp phần cho ngành công nghiệp tỉnh nhà phát triển ổn định, giữ được nhịp độ tăng trưởng khá, chỉ số phát triển công nghiệp tăng 14,6%.
Chế biến nhân hạt điều là một trong những sản phẩm xuất khẩu chủ lực của tỉnh, vẫn phát triển ổn định - Ảnh: N.TRƯỜNG
Sở Công thương Phú Yên cho biết: Mặc dù nền kinh tế của cả nước còn gặp nhiều khó khăn nhưng nhìn chung sản xuất công nghiệp vẫn giữ vững độ tăng trưởng khá. Bên cạnh nhiều ngành duy trì mức phát triển ổn định, một số cơ sở sản xuất có bước phát triển đột phá nhờ mạnh dạn đầu tư trong việc đổi mới công nghệ, tăng năng suất, đem lại hiệu quả kinh tế cao, đồng thời thúc đẩy ngành sản xuất đó tăng trưởng mạnh. Nhờ vậy, trong 9 tháng qua, tổng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh đạt 4.481,2 tỉ đồng, gần bằng 79,1% kế hoạch năm, tăng 16,7% so với cùng kỳ.
Nhiều ngành đạt mức tăng trưởng khá như ngành công nghiệp chế biến tăng 16,7%; trong đó các sản phẩm chủ lực của tỉnh đều tăng mạnh, cụ thể: chế biến đường 93.063 tấn, tăng 43,3%; nhân hạt điều xuất khẩu hơn 13.200 tấn, tăng 19,1%; công nghiệp may mặc xuất khẩu đạt 3,5 triệu sản phẩm, tăng 24,7% so với cùng kỳ; chế biến thủy sản được 2.730 tấn, tăng 13,6%... Bên cạnh đó, ngành công nghiệp sản xuất và phân phối điện cùng tăng trưởng khá nhờ nhà máy thủy điện Krông H’năng với công suất 64 MW được đưa vào sử dụng từ cuối năm 2010 nên sản lượng điện sản xuất tăng 55,3%. Mặt khác, nguồn điện từ hệ thống quốc gia cung cấp ổn định, bảo đảm cho sản xuất và sinh hoạt nên sản lượng điện thương phẩm trên địa bàn tỉnh tăng 20,8%.
Điều đáng ghi nhận, công nghiệp sản xuất mía đường năm nay có sự bứt phá rõ rệt. Trong năm qua, diện tích trồng mía trên toàn tỉnh đạt 20.577ha, tăng 13% so với cùng kỳ, đồng thời năng suất mía đạt gần 57 tấn, tăng 26,14% nên sản lượng mía đạt gần 1.171.400 tấn. Có thể nói, vụ mía đường năm nay thành công về nhiều mặt đem lại lợi ích cho người trồng mía, doanh nghiệp mía đường và xã hội. Trước tiên, cây mía tăng cả 3 mặt: diện tích, năng suất và sản lượng, đồng thời giá cả hợp lý nên người trồng mía có thu nhập hơn hẳn so với các niên vụ trước, Trung bình, mỗi ha trồng mía, người nông dân thu lãi từ 25 - 30 triệu đồng, một số trường hợp cá biệt lãi trên 80 triệu đồng/ha. Nhờ sản lượng mía tăng 42,5% nên 3 nhà máy đường trên địa bàn tỉnh với công suất 7.400 tấn/ngày khắc phục được tình trạng “đói” nguyên liệu như những niên vụ trước mà ngược lại vào thời điểm chính vụ các nhà máy phải hoạt động vượt suất thiết kế mới tiêu thụ hết mía cho nông dân.
Bên cạnh đó, ngành may mặc Phú Yên cũng phát triển mạnh nhờ có thêm nhiều cơ sở được các doanh nghiệp ở TP Hồ Chí Minh đầu tư tại các huyện trong tỉnh nhằm tận dụng nguồn lao động sẵn có ở vùng nông thôn. Trong 2 năm nay, các doanh nghiệp kinh doanh trong ngành may mặc không ngừng đầu tư thêm nhà xưởng, mở rộng quy mô sản xuất nhằm đáp ứng thị trường may mặc xuất khẩu đang rộng mở. Hiện Phú Yên có 7 doanh nghiệp lớn và hàng chục doanh nghiệp nhỏ hoạt động trong ngành may mặc xuất khẩu giải quyết việc làm ổn định cho gần 4.000 lao động của tỉnh.
Sản xuất đường tinh luyện cao cấp của Công ty TNHH công nghiệp KCP Việt Nam - Ảnh: N.TRƯỜNG
Ngoài ra, các ngành công nghiệp khai thác mỏ, sản xuất gạch nung các loại, xi măng, phân bón, dược phẩm… đều có bước phát triển ổn định, đạt và vượt so với cùng kỳ năm 2010. Tuy vậy, vẫn có một số sản phẩm có khối lượng lớn hoặc giá trị cao vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm nên sản lượng đạt khá thấp và giảm so với cùng kỳ như ngành sản xuất bia giảm 29,1% (do các nhà máy bia trên địa bàn tỉnh bị cắt giảm hợp đồng gia công); lắp ráp xe ô tô giảm 64,7%...
Ông Hoàng Trọng Trọng, Phó giám đốc Sở Công thương cho biết: Thực hiện Chương trình hành động số 01 của UBND tỉnh, Nghị quyết số 02/NQ-CP và Nghị quyết số 11/NQ-CP, ngành đã có nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh, tiêu biểu như thực hiện tốt công tác quản lý vùng nguyên liệu sắn, mía, hạn chế việc cạnh tranh mua nguyên liệu bất hợp pháp của các tỉnh lân cận nhằm ổn định nguồn nguyên liệu cho các nhà máy chế biến; hỗ trợ đào tạo lao động cho các doanh nghiệp thiếu hụt lao động của may mặc, chế biến thủy sản; tổ chức hội chợ thương mại quảng bá sản phẩm của tỉnh… Qua đó, đã chẳng những giúp nhiều doanh nghiệp vượt qua khó khăn mà còn nâng cao năng lực sản xuất, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm Phú Yên, góp phần thúc đẩy công nghiệp tỉnh nhà phát triển ổn định. Trong 3 tháng cuối năm, ngành Công thương tiếp tục tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh, nhất là các lĩnh vực sản xuất có hàm lượng kỹ thuật và công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn; khuyến khích hỗ trợ và áp dụng các biện pháp cần thiết và phù hợp để các doanh nghiệp sử dụng tiết kiệm năng lượng, sử dụng công nghệ cao, công nghệ xanh, sạch, tiết kiệm nguyên vật liệu và năng lượng trong sản xuất kinh doanh.
Ông Trọng cho biết thêm, trong khả năng của ngành, chúng tôi sẽ ưu tiên hỗ trợ các dự án đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất, đào tạo nghề, quảng bá sản phẩm mở rộng thị trường tiêu thụ; thường xuyên cập nhật thông tin thị trường thế giới, các chính sách, rào cản kỹ thuật của các nước để có biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp khai thác có hiệu quả các thị trường đã có, tìm kiếm thị trường mới, nâng cao năng lực sản xuất. Ngành Công thương cũng sẽ phối hợp với các ngành, địa phương liên quan giải quyết nhanh các thủ tục hành chính cho nhà đầu tư; đôn đốc và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khắc phục khó khăn, đẩy mạnh phát triển, sản xuất đạt và vượt kế hoạch năm 2011.
NGÔ XUÂN