Bảo vệ người tiêu dùng (NTD) là một trong những nhiệm vụ quản lý Nhà nước của ngành Công thương, là trách nhiệm của các đơn vị sản xuất, kinh doanh và của cả xã hội.
Người tiêu dùng mua hàng hóa tại một siêu thị ở TP Tuy Hòa - Ảnh: P.V
Thực tế cho thấy, khi nước ta hội nhập sâu vào nền kinh tế khu vực và thế giới thì các doanh nghiệp trong nước đã và đang tích cực sản xuất, chế biến sản phẩm tinh để đáp ứng các cam kết trong AFTA, APEC, WTO… và các cam kết song phương khác. Mặc dù Pháp lệnh Bảo vệ quyền lợi NTD đã có hiệu lực từ lâu, nhưng công tác bảo vệ quyền lợi NTD của tỉnh thời gian qua chưa thực thi hiệu quả. Cụ thể, từ năm 2001 đến nay, lực lượng quản lý thị trường tỉnh đã kiểm tra và xử lý 1.134 vụ vận chuyển hàng cấm, hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng quá hạn sử dụng và vi phạm các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm… Nếu những hàng hóa này đưa ra thị trường thì sẽ tác hại không nhỏ đến sức khỏe NTD và lợi ích của xã hội.
Nguyên nhân của tình trạng này là cho đến nay, cơ quan chức năng vẫn chưa có chế tài đủ mạnh để ngăn chặn, xử phạt cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm và bồi thường thỏa đáng cho NTD nên số lượng và mức độ vi phạm của các vụ việc tiếp tục tái diễn ngày càng nghiêm trọng. Pháp lệnh Bảo vệ quyền lợi NTD cũng chưa có cơ chế xử lý cụ thể đối với các khiếu nại của NTD nên chưa khuyến khích, tạo điều kiện để NTD tự bảo vệ mình hoặc khiếu nại các hành vi vi phạm quyền lợi NTD một cách hiệu quả. Mặt khác, do tâm lý còn e ngại, sợ phiền hà nên NTD bỏ qua các hành vi vi phạm của các nhà sản xuất thay vì phản ánh đến các cơ quan chức năng, tổ chức có thẩm quyền để được giải quyết. Do vậy, từ năm 2001 đến nay chỉ có 56 vụ vi phạm được NTD khiếu nại như: Vụ sản phẩm sữa đặc không đảm bảo chất lượng, đồng hồ đo nước không chính xác, sản phẩm bia đóng chai có vật thể lạ, gian lận trong giá bán tole lợp, gian lận trong đo lường và kinh doanh xăng dầu... Ngoài ra, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong công tác bảo vệ quyền lợi NTD chưa được quy định một cách rõ ràng, khiến các vụ vi phạm quyền lợi NTD không được phát hiện và xử lý một cách kịp thời, triệt để.
Cán bộ Đội quản lý thị trường số 3 kiểm tra lô hàng bị bắt giữ - Ảnh:X.HUY
Để công tác bảo vệ quyền lợi NTD của tỉnh phát huy được hiệu quả, góp phần tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh và đảm bảo sự phát triển kinh tế, xã hội bền vững, ngành Công thương và các cơ quan hữu quan cần tăng cường công tác tập huấn, tuyên truyền, phổ biến, quán triệt luật Bảo vệ quyền lợi NTD và các văn bản dưới Luật đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh và NTD. Đồng thời, lồng ghép tuyên truyền, phổ biến kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế, các cam kết trong hội nhập và danh mục hàng hóa được phép nhập khẩu theo quy định để NTD an tâm hơn trong việc tiếp cận với hàng hóa nước ngoài.
Tăng cường công tác quản lý Nhà nước của ngành nhằm giúp cho doanh nghiệp, tổ chức sản xuất, kinh doanh đúng định hướng, đúng pháp luật và thường xuyên kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh. Tiếp tục thực hiện tốt cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, nhất là sản phẩm có chất lượng sản xuất tại Phú Yên. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường để tạo lập môi trường kinh doanh và cạnh tranh lành mạnh, góp phần ổn định thị trường, giá cả nhằm hạn chế tối đa các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi NTD.
Đối với NTD, cần nâng cao hơn nữa ý thức tự bảo vệ của mình. Chủ động trang bị cho mình những kiến thức cần thiết về pháp luật cũng như kiến thức tiêu dùng khi mua, sử dụng hàng hóa dịch vụ, phản ánh đến các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền về các vụ việc vi phạm để được bảo vệ quyền lợi theo quy định.
ĐÀO TẤN CAM
Giám đốc Sở Công thương Phú Yên