Để góp phần hạn chế rủi ro trong nuôi tôm, Phòng Kinh tế huyện Đông Hòa thực hiện đề tài “Nghiên cứu ứng dụng các giải pháp công nghệ xây dựng mô hình cánh đồng sản xuất một vụ lúa và một vụ tôm tại xã Hoà Hiệp
MÔ HÌNH TỰ PHÁT CỦA NGƯỜI DÂN
Nuôi tôm ở Hòa Hiệp
Cánh đồng ở Hòa Hiệp
Hoà Hiệp
TRIỂN KHAI HAY KHÔNG: CÒN NHIỀU Ý KIẾN TRÁI CHIỀU
Phòng Kinh tế huyện Đông Hòa đang bắt tay nghiên cứu mô hình một vụ lúa một vụ tôm nhằm tạo cơ sở khoa học giúp dân khôi phục sản xuất, giúp môi trường trở lại cân bằng và tạo cho vùng nông thôn có lại sức sống.
Ông Đỗ Kim Đồng, Trưởng phòng Kinh tế huyện Đông Hoà, cho rằng: “Theo cảm quan của tôi, cánh đồng một vụ lúa một vụ tôm sẽ thành công. Vấn đề đặt ra ở đây là thời vụ, thời gian đất ngọt hoá ta trồng lúa vụ đông xuân với những giống lúa chịu mặn, chịu phèn và vụ tôm được nuôi từ tháng 4 âm lịch. Dựa vào đặc tính tự nhiên của vùng nuôi và đối tượng nuôi trồng thì dự án này có cơ sở khoa học”.
Ủng hộ quan điểm này, thạc sĩ Nguyễn Thị Diễm, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng và chuyển giao công nghệ Phú Yên cho biết: “Để phục vụ cho cánh đồng tôm bền vững thì đây là một giải pháp hay. Mô hình không chỉ tạo công ăn việc làm lúc nông nhàn và ổn định thu nhập mà còn cải thiện được môi trường sinh thái. Trồng lúa trước khi nuôi tôm sẽ giúp lúa hấp thu chất hữu cơ được thải ra từ phân tôm, hệ vi sinh vật cũng được cải tạo…”
Nhiều ý kiến cho rằng khả năng một vụ lúa một vụ tôm chỉ áp dụng cho vùng Thọ Lâm 70 ha và Đa Ngư 80 ha chứ điều kiện tự nhiên không cho phép chuyển hết 1.200 ha theo mô hình này. Điều quan trọng là cần chỉnh trị 2 cửa sông để khâu thay chua rửa mặn sẽ hoàn toàn dựa vào tự nhiên.
Tuy nhiên, tiến sĩ Trần Thị Việt Ngân, Giám đốc Trung tâm Giống thủy sản Phú Yên lại cho rằng: “Không thể áp dụng mô hình lúa - tôm và mô hình sản xuất tôm độc canh kiểu xen kẽ (da beo) vì ở đồng bằng sông Cửu Long đã từng ứng dụng mô hình này và kết quả đã trở thành những cánh đồng hoang. Mô hình lúa - tôm không thể áp dụng cho các ao nuôi ngập nước mà không thể cải tạo khô này được. Thực tế, loại ao này ở vùng hạ lưu sông Bàn Thạch chiếm khoảng hơn 50% diện tích tổng thể vùng nuôi”.
Cũng theo TS Ngân, vùng đất này không thể rửa mặn với hệ thống thuỷ lợi như hiện nay là không có kênh cấp, kênh thoát riêng. Mức thuỷ triều tác động tới 2 thôn Thọ Lâm và Đa Ngư yếu, không có động lực rửa mặn tự nhiên, trong khi đó, vùng nuôi này chưa được điện khí hoá.
Đồng tình với quan điểm này, ông Chế Bá Hùng, Phó Giám đốc Sở Thuỷ sản Phú Yên cho rằng: “Đề tài này chỉ mang tính cấp thời chứ không phải là hướng chiến lược cho vùng hạ lưu sông Bàn Thạch vì hệ thống thuỷ lợi chưa hoàn chỉnh. Nếu thực hiện thì nên sử dụng công nghệ sinh học để tạo ra sản phẩm sạch đối với vật nuôi và cây trồng”.
Về điểm này, ông Nguyễn Văn Phương (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Yên) lại cho rằng: “Dù kinh tế không cao nhưng khi con tôm đi vào ngõ cụt, lúa là đối tượng cây trồng giúp nông dân thoát khỏi khó khăn. Một vụ lúa một vụ tôm là cơ hội cho Phú Yên. Đồøng bằng sông Cửu Long ngập mặn khó khống chế nhưng với Phú Yên thì điều này thực hiện được vì mưa lũ rửa trôi lớn và khả năng ngập mặn ít”.
TS Ngân khẳng định: “Trong hệ sinh thái, không thể thấy mặn là rửa mặn ngay được vì mỗi năm đất nhiễm mặn một ít. Có thể một vài năm đầu chúng ta trồng lúa được nhưng đến khi đất đã nhiễm mặn đến không trồng lúa được thì nơi đây sẽ thành cánh đồng hoang vì không thể cào lớp đất 2 – 3 cm trên mặt lên được. Ở ĐBSCL, người ta làm ao nổi chứ không phải như ở Phú Yên. Theo nghiên cứu của FAO, chất lượng tôm nuôi trong nước mặn giá trị khác hẳn nuôi trong nước ngọt. Theo tôi, chỉ nên thực hiện mô hình này với 2 ha trong vòng 2 năm, nếu thành công mới chuyển giao nhân rộng”.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Sở Khoa học – công nghệ Phú Yên kết luận vấn đề này: “Căn cứ tình hình thực tế ở địa phương và việc người dân đã thử nghiệm thì đề tài này cần thiết phải triển khai nghiên cứu để hướng dẫn cho dân. Tuy nhiên, mục tiêu cần xác định rõ ràng là xây dựng quy trình kỹ thuật canh tác lúa và tôm cho vùng nuôi một vụ lúa, một vụ tôm để tạo cơ sở khoa học cho việc chuyển đổi một số diện tích nuôi tôm độc canh kém hiệu quả ở huyện Đông Hoà. Điều đáng quan tâm là đất nhiễm mặn sẽ ảnh hưởng như thế nào khi trồng lúa và sau khi trồng lúa liệu phân bón, thuốc bảo vệ thực vật ảnh hưởng ra sao đối với con tôm. Con tôm có chất lượng như thế nào khi đưa ra thị trường mới là điều quan trọng”.
Mô hình một vụ lúa một vụ tôm nếu khả quan sẽ giải quyết được lao động nhàn rỗi, tạo thu nhập và ổn định vùng nuôi tôm. Song, trước khi triển khai thực hiện, chúng ta nên cẩn thận xem xét các điều kiện để khỏi lặp lại “vết xe đổ” như đã từng xảy ra ở vùng ĐBSCL.
MINH NGUYỆT