Thứ Tư, 02/10/2024 05:38 SA
Những định hướng phát triển nuôi trồng thủy sản Phú Yên
Thứ Tư, 18/10/2006 07:36 SA

Nghề nuôi trồng thủy sản (NTTS) nói riêng và nghề cá nói chung muốn phát triển vững chắc phải thỏa mãn được xu thế hội nhập với điều kiện nhanh chóng thích nghi môi trường, thị trường luôn biến động và cạnh tranh. Bởi vậy muốn cho ngành NTTS của tỉnh Phú Yên phát triển trong nhiều năm tới, thì những định hướng sau đây được xem như là cơ sở để chỉ đạo, điều hành sản xuất.

 

VỀ QUY HOẠCH CÁC VÙNG VÀ ĐỐI TƯỢNG NUÔI

 

061018-thuy-san.jpg

Để phát triển bền vững nghề nuôi trồng thủy sản, cần phải thỏa mãn xu thế hội nhập với điều kiện nhanh chóng thích nghi môi trường, thị trường luôn biến động và cạnh tranh - Ảnh: D.T.X

 

Phát triển diện tích trên cơ sở quy hoạch được duyệt, áp dụng công nghệ nuôi phù hợp để tăng năng suất, hạ giá thành sản phẩm nuôi đi đôi với quản lý chất lượng sản phẩm và vệ sinh môi trường vùng nuôi. Hiện nay, cơ sở hạ tầng thủy lợi, đường sá v.v… các vùng nuôi tôm còn yếu kém, chưa có hệ thống cấp thoát nước, xử lý nước đang phụ thuộc tự nhiên. Do đó, công tác điều tra quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng cấp thoát nước và bảo vệ môi trường cho 4 vùng nuôi tôm tập trung lớn là đầm Cù Mông, vịnh Xuân Đài, đầm Ô Loan, cửa sông Đà Nông đang là một đòi hỏi cấp bách. Quy hoạch vùng nuôi đảm bảo tính linh hoạt dễ thay thế đối tượng, mùa vụ nuôi. Ví dụ: vùng nuôi tôm sú cũng có thể nuôi cá rô phi đơn tính, nuôi cua ghẹ… và khi cần thì thay đổi đối tượng nuôi để giảm thiểu dịch bệnh, không làm ảnh hưởng đến thu nhập của ngư dân. Mở rộng diện tích nuôi biển với nhiều loại thủy sản có giá trị kinh tế cao, đáp ứng cho việc cung ứng thực phẩm thủy sản và xuất khẩu. Dự kiến chỉ tiêu kế hoạch phát triển NTTS đến năm 2010, với diện tích 6.130ha, 22.050 lồng bè nuôi; 207 cơ sở sản xuất giống; sản lượng thu hoạch 11.850 tấn với giá trị xuất khẩu 45 triệu USD, thu hút 30.600 lao động…

 

Ở vùng nước ngọt: Khuyến khích các hình thức nuôi “tĩnh” theo mô hình VAC ở các ao hồ nhỏ dưới 5 ha, nuôi “động” ở sông, suối bằng lồng, bè. Đối tượng nuôi được lưu ý là các loài cá rô phi, lóc, rô đồng, tai tượng, lăng, trắm, trôi, mè, chép, thác lác và tôm càng xanh… Những hồ chứa thủy nông, thủy điện có diện tích từ 5 ha trở lên như Sông Hinh, Đồng Tròn, Phú Xuân… áp dụng các hình thức nuôi mặt nước lớn (thả bù đánh bắt tỉa) kết hợp thả nuôi 500 lồng bè, nuôi eo ngách từ 10-20% diện tích, năng suất nuôi lồng 100kg/m3 lồng. Phấn đấu đến năm 2010 đạt 2.200 tấn sản phẩm, đảm bảo tiêu dùng nội địa và xuất khẩu sang các thị trường Trung Quốc, Mỹ, Nhật. Vùng nước lợ: không tăng thêm diện tích ở vùng ngập mặn, bãi bồi hạ lưu các sông, chỉ chuyển diện tích vùng trên triều, vùng cát sang NTTS khi được xem xét và quy hoạch kỹ lưỡng có đầu tư cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh. Ngoài con tôm sú, chú trọng phát triển các đối tượng khác như tôm thẻ chân trắng, rảo đất, nuôi cá, nuôi ghép cá – tôm; phấn đấu đến năm 2010 đạt 4.250 tấn. Vùng nước mặn: phát triển nghề NTTS ở cửa đầm Cù Mông, vịnh Xuân Đài, Vũng Rô, Hòn Nưa… với diện tích có khả năng nuôi là 1.000 – 2.000 ha. Đối tượng nuôi gồm: tôm hùm, cá mú, cá giò (cobia), cá hồng, cá tráp, cá vược, ngao, vẹm, hàu, bào ngư, rong sụn… Đặc biệt, chú trọng phát triển nuôi tôm hùm lồng đến năm 2010 đạt 16.000 lồng nuôi thương phẩm và 4.000 lồng ươm; sản lượng thu hoạch 800 tấn, tăng hơn 7 lần so với năm 1999. Ngành thủy sản huy động các thành phần kinh tế trong nước, thu hút vốn và công nghệ nuôi biển từ nước ngoài, đặc biệt là nguồn vốn FDI để phát triển nuôi lồng bè một số loài có giá trị kinh tế cao tại các vùng biển Sông Cầu, Tuy An.

 

VỀ ĐẦU TƯ CƠ SỞ HẠ TẦNG VÀ DỊCH VỤ NTTS

 

061018-long-tom-hum.jpg

Với lợi thế lớn về diện tích mặt biển, Sông Cầu được định hướng tiếp tục đẩy mạnh những đối tượng NTTS như tôm hùm, cá mú… - Ảnh: N.LƯU

Cần phải có cơ chế xã hội hóa đầu tư thích hợp, trong đó Nhà nước có vai trò chính yếu trong việc tổ chức, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và dịch vụ NTTS: Hệ thống cấp nước đầu nguồn và tiêu thoát xử lý nước thải cuối nguồn cho các vùng nuôi tôm; mạng lưới dịch vụ nuôi trồng; mạng lưới chợ bán buôn thủy sản; hệ thống thông tin nghề cá v.v… Ngư dân đóng góp xây dựng kênh mương nội đồng, gắn liền đến quyền lợi và nghĩa vụ của từng nông hộ (phải chịu mất 1 phần đất, tự đào kênh theo qui định…); xây dựng và nhân rộng các hình thức tự quản do cộng đồng người nuôi đồng thuận quy chế, lập ra BQL để quản lý vùng nuôi từ 30 ha đến 50 ha/vùng. Nhà nước đóng vai trò giám sát và giúp đỡ, xây dựng chính sách thông thoáng thu hút các thành phần kinh tế, các nguồn lực đầu tư phát triển hoàn thiện cơ sở hạ tầng, công nghiệp hóa và hiện đại hóa NTTS.

 

Mạng lưới dịch vụ NTTS: Dự kiến xây dựng mạng lưới trạm, trại dịch vụ nuôi trồng tại mỗi vùng nuôi tập trung; mạng lưới chợ bán buôn thủy sản… Việc mua bán công khai, thông thoáng theo các hình thức mặc cả thỏa thuận, đấu thầu, ký hợp đồng… giúp cho ngư dân tăng khả năng tiếp thị, hạn chế những thiệt thòi do vài tư thương bắt chẹt giá. Cần đầu tư xây dựng 1 chợ bán buôn tôm cá nuôi, chợ bán buôn thủy sản từ nguồn vốn huy động của địa phương.

 

VỀ KHOA HỌC CÔNG NGHỆ VÀ SẢN XUẤT GIỐNG THỦY SẢN

 

Coi nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ là khâu đột phá phát triển NTTS bền vững. Trong những năm tới cần tập trung vào các giải pháp sau: Nghiên cứu phát triển các công nghệ sản xuất giống mới; nhanh chóng hoàn thiện công nghệ sản xuất giống sạch bệnh; phát triển công nghệ nuôi biển, công nghệ nuôi thâm canh theo qui trình khép kín; ứng dụng rộng rãi các thành tựu khoa học công nghệ thủy sản, nâng cao năng lực và trình độ sản xuất, bảo quản nguyên liệu; nhanh chóng ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ quản lý NTTS.

 

Chú trọng đào tạo nhân lực NTTS, đẩy mạnh hợp tác với các viện, trường nghiên cứu thủy sản trong và ngoài nước, tiếp nhận nhanh các thành tựu khoa học công nghệ, học tập kinh nghiệm quản lý của nước ngoài trong lĩnh vực nghề cá. Khuyến khích các hình thức hộ trang trại, HTX, các hiệp hội nuôi tôm ở mỗi vùng, liên kết chặt giữa nuôi với SX giống và thức ăn cho nuôi trồng. Ở cơ sở sản xuất (thôn, xã, vùng nuôi tôm…), thành lập hội ngư nghiệp để nâng cao vai trò tự quản trong cộng đồng và giúp đỡ nhau trong sản xuất.

 

Để đảm bảo cung ứng giống thủy sản cho ngư dân, đến năm 2010, ngành thủy sản phát triển 1-2 trung tâm sản xuất giống cấp I, sản lượng giống đạt 3-5 triệu con/năm. Để đảm bảo nguồn giống tôm sạch bệnh cho nhu cầu sản xuất của tỉnh và trong nước, cần đầu tư chiều sâu các khu sản xuất giống với khoảng 200 trại, sản lượng giống đạt 2.000 triệu con/năm, tăng hơn 7,5 lần so với năm 1999. Ngành đầu tư Khu sản xuất giống Gành Đỏ: 50 trại, sản lượng 500 triệu con/năm; khu sản xuất giống Xuân Hải: 120 trại, sản lượng 1.200 triệu con/năm; khu sản xuất giống An Hòa: 35 trại, sản lượng 350-500 triệu con/năm. Đối với tôm thẻ chân trắng, dựa vào nguồn giống từ các trại của Doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Phú Yên và một số Trung tâm giống quốc gia; nghiên cứu và xây dựng trại sản xuất giống tôm hùm, tăng cường các biện pháp quản lý, bảo vệ và phát triển nguồn lợi tôm hùm.

 

Để đảm bảo những chỉ tiêu kinh tế phát triển, nhu cầu vốn đầu tư NTTS dự tính theo giá hiện hành, giai đoạn 2006-2010 là 351,6 tỷ đồng.

 

VÕ CHÂU (Giám đốc Sở Thủy sản)

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek