Thứ Năm, 28/11/2024 18:32 CH
Hòn O trước nguy cơ… sập
Thứ Năm, 06/10/2011 07:36 SA

Theo Phòng TN – MT huyện Sông Hinh, trong tháng 9/2011, Cảnh sát môi trường đã kiểm tra, truy quét các tụ điểm khai thác vàng trái phép tại Hòn O (xã Đức Bình Tây), Hòn Ké, Suối Bùn (xã Sông Hinh). Qua đó, đã trục xuất 50 đối tượng, tiêu hủy 5 máy xay đá, 8 máy nổ, tịch thu 6 xe mô tô, phá hủy 30 lán trại lớn nhỏ, gần 250m ống nước và hơn 1.000m dây điện…

 

H4111006.jpg

Đã xuất hiện nhiều vết gãy, nứt rộng, sâu hàng mét ở sườn núi - Ảnh: P.NAM

NGUY CƠ HÒN O 

 

Triền núi bị cày xới tan hoang, còn trong lòng bị móc rỗng ruột như tổ mối. Đó là trực trạng của Hòn O (huyện Sông Hinh) và nó có thể sụp đổ bất cứ lúc nào và thảm họa không thể lường hết.

Theo trục dọc miền Tây, qua xã Đức Bình Tây (huyện Sông Hinh), phóng tầm mắt về hướng đông, chúng tôi bắt gặp một ngọn đồi rộng khoảng 20ha, cao hơn 100m so với mặt đất, đó là hòn Mò O, người dân địa phương quen gọi Hòn O. Lúc này Hòn O lộ những mảng vàng úa của những lùm cây lụi tàn trên nền đất đỏ nham nhở của đất núi. Gần đỉnh đồi, một vệt cắt hình vòng cung như muốn cắt phần ngọn của quả đồi. Một cụ già trạc tuổi 80, người địa phương xót xa: Trước đây, chỉ có ngọn núi này là có cây mò o, hàng ngày người dân địa phương thường vào đây lấy cây này về đan vỉ phơi bánh tráng. Nay không còn một bụi, cơn sốt vàng đã dọn sạch nó.

 

Khi tiếp cận Hòn O, chúng tôi thấy toàn bộ quả đồi như bị lật tung, bề mặt bị đào xới đất đá ngổn ngang. Tại đây có hai miệng hầm đường kính khoảng 70cm được những người tìm vàng móc sâu vào bên trong. Vào sâu khoảng 30m, đường hầm rộng hơn nhưng tối như mực, hai bên thành hầm được lát ván ngăn đá lở, thỉnh thoảng lại có khung cây chống đỡ tạm bợ đề phòng sập hầm. Càng vào sâu, không khí càng ngột ngạt, khó thở. Hệ thống hầm được “thiết kế” quá sơ sài nhưng lại phức tạp như một tổ mối, chằng chịt ngóc ngách, lỗ hang cắt ngang, xẻ dọc khiến chúng tôi có cảm giác Hòn O đã bị móc rỗng ruột.

 

Còn phía trên miệng hầm ở độ cao hơn 50m đã xuất hiện một vết nứt gãy dài hàng chục mét, rộng hơn 50cm, dấu hiệu của sự lở núi; dưới chân núi thẳm là dòng Sông Hinh đỏ đục, chúng tôi lo ngại Hòn O có thể bị sập bất cứ lúc nào, rất có thể là trong mùa mưa lũ năm nay. Và những khối đất đá khổng lồ từ độ cao hàng trăm mét có thể sẽ cắt dòng Sông Hinh….

 

Theo người dân địa phương, tình trạng đục khoét Hòn O vẫn không hề thuyên giảm. Trước đây, các “vàng tặc” hoạt động rầm rộ vào ban ngày, thì nay chuyển về đêm. Từ 18g đến tận mờ sáng, mọi hoạt động diễn ra trong các ngóc ngách của đường hầm rất khó phát hiện. Ông Phạm Văn Bình, Chủ tịch UBND xã Đức Bình Tây cho biết, để lấy được đá, các đối tượng khai thác vàng trái phép chui vào hai đường hầm có sẵn mà trước đây các đơn vị khảo sát thăm dò để lại. Tuy nhiên vô cùng nguy hiểm, vì năm 2009 đã có 1 người bỏ mạng, 2 người may mắn thoát chết do sạt lở núi. Sau sự cố trên, nạn phá núi tìm vàng tại Hòn O tạm lắng một thời gian, nhưng đến giữa năm 2011, bùng phát trở lại với quy mô lớn hơn, lượng người tham gia có lúc lên đến cả 100 người.

 

DOANH NGHIỆP NHẢY VÀO… CHỜ

 

Ông Ngô Văn Sơn, công an viên xã Đức Bình Tây cho biết, cách đây gần 20 năm, một nhóm người Úc đến khảo sát thăm dò, đánh mìn, chặt cây... Họ thuê người địa phương đào hai đường hầm xuyên vào lòng núi, có mặt cắt đáy 2m, cao 1m, chiều dài mỗi đường hầm trên 50m. Sau đó, họ đặt máy khoan nhiều lỗ sâu vào lòng núi có đường kính hơn 20cm, dài hàng trăm mét lấy đá để phục vụ cho việc đánh giá trữ lượng vàng. Số đất đá này không rõ vận chuyển thế nào, đi đâu, nhưng rất có thể họ đã “cuỗm” vàng cuốn gói ra đi, để lại “xác Hòn O không hồn”.

 

Tháng 9/2009, UBND tỉnh có thông báo cho phép Công ty liên doanh Khoáng sản Chúng Thao Hằng Tân (phường 7, TP Tuy Hòa) lập dự án đầu tư khai thác và chế biến vàng Hòn O thì lập tức 2 miệng hầm đó được khai thông trở lại. Đã hơn 2 năm, kể từ khi UBND tỉnh thông báo thỏa thuận địa điểm với đơn vị khai thác, đến nay vẫn chưa thể cấp giấy phép. Theo nội dung đầu tư điều chỉnh năm 2009, Dự án khai thác và chế biến vàng Hòn O có quy mô 165.000 tấn quặng/năm (tăng 66.000 tấn so với giấy chứng nhận đầu tư lần đầu vào năm 2007), trên diện tích khai thác mỏ 25ha và thời gian hoạt động là 30 năm.

 

Tháng 4/2011 Công ty Chúng Thao Hằng Tân đã cho dựng nhà xưởng có diện tích hàng trăm m2, cắm 3 chốt bảo vệ, ngăn chặn người dân vào khu vực này. Anh Phan Hữa Chí, bảo vệ Công ty Chúng Thao Hằng Tân cho biết, chúng tôi thay phiên túc trực từ 7 giờ đến 18 giờ hàng ngày, còn ban đêm không biết tình hình ra sao. Theo người dân địa phương, sự tồn tại của các đơn vị khảo sát, thăm dò nhiều năm là một trong những nguyên nhân “hấp dẫn” khiến người dân địa phương vào phá núi tìm vàng.

 

BẢO VỆ SAO ĐÂY?

 

Vài năm trở lại đây, tình trạng khai thác vàng sa khoáng trái phép trên địa bàn huyện Sông Hinh diễn ra khá phức tạp, trải đều ở nhiều xã. Chính quyền các cấp đã nỗ lực truy quét ngăn chặn, nhưng cũng chỉ hạn chế trong thời gian ngắn, mà chưa có biện pháp giải quyết triệt để. Thông thường, khi thấy tình hình quá nóng, chính quyền đia phương vào cuộc, tổ chức truy quét nhưng một thời gian ngắn, mọi việc đâu lại vào đấy. Hiện nay, ngày đêm các đối tượng vẫn âm thầm đục khoét đào đá ở Hòn O, Hòn Cồ, Hòn Ké… tìm vàng. Điển hình như tại núi Hòn O, ngoài việc liên tục phối hợp truy quét, chính quyền địa phương đã phân công 10 công an viên và dân quân luân phiên trực tại lối ra vào dưới chân núi từ 7 giờ đến 17 giờ hàng ngày, với mức hỗ trợ 5 triệu đồng/tháng. Ông Ngô Văn Sơn, công an viên xã Đức Bình Tây cho biết, chúng tôi phải dỡ cơm mang theo để đảm bảo thời gian trực không bị gián đoạn vào ban ngày. Còn ban đêm thì không thể kiểm soát được. Anh Sơn cho biết thêm, đầu tháng 9/2011, huyện cũng đã cử lực lượng cùng với địa phương tổ chức truy quét ban đêm, nhưng khi tiếp cận hiện trường thì không có một bóng người, rất có thể họ đã bỏ trốn trên núi, hoặc chui trong hầm sâu.

 

Để ngăn chặn người dân vào Hòn O tìm vàng, theo ông Phạm Văn Bình, Chủ tịch UBND xã Đức Bình Tây, phương pháp tối ưu là cho nổ mìn đánh sập, bịt hai miệng hầm và thường xuyên chốt chặn, kiểm tra mọi hoạt động ra vào Hòn O. Đây cũng chính là quan điểm của ông Trần Thanh Định, Phó chủ tịch UBND huyện Sông Hinh. Ngoài ra, ông Định còn kiến nghị Công ty liên doanh Khoáng sản Chúng Thao Hằng Tân làm việc với Ban chỉ huy Quân sự huyện và các cơ quan liên quan của tỉnh sớm triển khai việc làm trên; Đồng thời kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành chức năng tìm biện pháp đảm bảo an toàn, đảm bảo an ninh trật tự tại mỏ vàng Hòn O.

 

PHƯƠNG NAM – NGÔ XUÂN

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek