Năm nay, diện tích nuôi tôm sú của tỉnh Phú Yên chỉ còn 1599 ha, giảm 33,1% về diện tích và 31% về năng suất so với năm trước. Nhưng tình hình đó ngược lại ở Sông Cầu, diện tích thả nuôi tăng 32% và năng suất tăng gần gấp đôi. Điều này cho thấy nghề nuôi tôm sú của Sông Cầu đang có hướng khôi phục.
Trước năm 2000, Sông Cầu có 750 ha mặt nước đưa vào nuôi tôm sú nhưng đến năm 2004 chỉ còn 350 ha. Năm này có gần 30 ha bị mất trắng và phần lớn diện tích còn lại đều bị nhiễm bẹânh phải thu hoạch non nên năng suất bình quân chỉ đạt 7,6 tạ/ha. Thế nhưng năm nay, diện tích nuôi tôm sú của Sông Cầu phát triển trở lại với 434 ha mặt nước được đưa vào nuôi, tăng 32% so với năm trước. Điều đáng nói là năng suất tăng đến 6,2 tạ/ha so với năm trước, đạt bình quân toàn huyện 13,8 tạ/ha và năng suất đó cũng cao hơn mức bình quân của tỉnh 3,8 tạ/ha. Do đâu Sông Cầu có được kết quả đáng phấn khởi đó?
Vùng nuôi tôm phú Xuân Phương - Ảnh: Nguyễn Trưởng |
Từ kinh nghiẹâm của những năm trước, vào vụ nuôi năm nay, Sông Cầu đã thống nhất quan điểm chỉ đạo chỉ thả nuôi tập trung một vụ trong năm. Thời vụ xuống giống bắt đầu từ tháng 3 đến tháng 4, khi mà thời tiết đã ổn định, không còn ảnh hưởng của gió mùa đông bắc làm tôm chậm lớn và phát sinh dịch bệnh. Những năm trước, tôm thường thả nuôi với mật độ dày (trên 25 con/m2 ), trong khi đa phần ao đìa ở huyện chưa đáp ứng yêu cầu kỹ thuật nuôi thâm canh nên khi gặp dịch bệnh xảy ra thường không ngăn chặn có hiệu quả. Do đó huyện vận động người dân nuôi thưa (10 đến 15 con/m2 ). Mật độ đó phù hợp với trình độ chăm sóc và quản lý của người nuôi nên đã hạn chế rất nhiều đến tình hình dịch bệnh trên tôm. Thực tế cho thấy vụ này, toàn huyện chỉ có 12,4 ha bị mất trắng chiếm 2,7% diện tích, giảm hơn nhiều so với những năm trước đó. Những diện tích này có nguyên do người dân thả nuôi sớm từ trước và sau tết Nguyên đán, không theo lịch thời vụ của huyện hướng dẫn. Một nguyên nhân nữa thường xảy ra dịch bệnh trên tôm còn do ý thức cọâng đồng trách nhiệm của người nuôi tôm trong vùng chưa cao. Khi tôm bị bệnh dịch, người nuôi thường bỏ ao đìa, không mấy quan tâm đến xử lý trả lại môi trường trong sạch. Điều này làm ảnh hưởng đến những hồ nuôi bên cạnh và từ đó lây lan ra diện rộng. Trong vụ này, Sông Cầu xây dựng quy chế vùng nuôi tôm theo hướng nâng cao ý thức tự quản lý, bảo vệ của người nuôi. Mỗi vùng có Ban điều hành do người nuôi tôm cử ra để theo dõi, giám sát việc thực hiện quy chế đó. Đây là hình thức nuôi tôm cọâng đồng được triển khai thực hiện có hiệu quả bước đầu ở Hoà Mỹ (Xuân Cảnh), Triều Sơn- Tân Thạnh (Xuân Thọ 2). Một nguyên nhân khác không kém phần quan trọng dẫn đến thành công trong năm qua là Sông Cầu có chủ trương thực hiện luân canh trên diện tích nuôi tôm sú. Khi thu hoạch tôm sú xong, ao đìa được tiếp tục trồng rong sụn hoặc nuôi các đối tượng thuỷ sản khác như vẹm xanh, hải sâm, cá chẽm, cá rô phi đơn tính… Điều này chẳng những tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho bà con ngư dân mà còn là giải pháp tích cực cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường. Trước vụ nuôi năm nay, Sông Cầu đã hỗ trợ cho bà con trên 30 triệu đồng mua con giống các đối tượng thuỷ sản trên để thả nuôi 280 ha, trong đó có 220 ha rong sụn nên đã góp phần đáng kể vào việc tái tạo môi trường trong lành cho các vùng nuôi tôm sú.
Với những giải pháp tích cực trên, mặc dù tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi chưa được khắc phục triệt để, nhưng không còn lây lan trên diện rộng như các năm trước. Với 33 điểm nuôi tôm sú ở 10 xã, thị trấn chỉ có 11 điểm thuộc 5 xã còn xảy ra dịch bệnh. Nhiều vùng tôm rộng lớn trên 100 ha được giữ sạch bệnh: Xã Xuân Lộc có 5 vùng nuôi với 156 ha nhưng không có diện tích nào bị mất trắng; xã Xuân Hải thả nuôi 103 ha, cũng chỉ có 0,75 ha bị mất trắng. Nhiều xã đạt năng suất cao như Xuân Hải (17,5 tạ/ha), Xuân Cảnh (15 tạ/ha), Xuân Phương (14 tạ/ha) nên gần 100% hộ nuôi đều có lãi. Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Luyện cho biết: “Kết quả vụ nuôi trong năm thật đáng mừng. Nhưng do giá tôm thương phẩm sụt giảm, lại bị các đầu nậu ép giá và hạ cấp loại đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả kinh tế của người nuôi tôm nên không có nhiều hộ thu lãi lớn như trước đây.”
Có thể nói, với thành công năm nay đang mở ra hướng phát triển bền vững cho nghề nuôi tôm sú của Sông Cầu. Vấn đề đặt ra cho huyện là phải chỉ đạo tốt quy hoạch diện tích nuôi tôm sú, tôm hùm và các đối tượng thuỷ sản, nhằm bảo đảm cân bằng sinh thái không để ảnh hưởng đến việc phát triển du lịch. Trên cơ sở đó, đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng kỷ thuật điện, giao thông, hệ thống kênh mương, xử lý nước thải cho từng vùng nuôi tập trung và triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình nuôi trồng thuỷ sản có sự quản lý cộng đồng. Mặt khác để nghề nuôi tôm sú của Sông Cầu hồi phục và phát triển mạnh, Sở Thủy sản cần tăng cường hỗ trợ công tác kiểm dịch chất lượng tôm giống và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc; để người nuôi có được giống sạch bệnh ngân hàng mạnh dạn đầu tư vốn cho người nuôi, nhất là những vùng nuôi đã ổn định.
NGUYÊN TRƯỜNG