Kinh tế hợp tác xã (HTX) của tỉnh đang gặp phải nhiều hạn chế do chưa mạnh dạn đổi mới, thiếu chú trọng đến việc phát huy nội lực, còn tư tưởng trông chờ vào sự giúp đỡ của các cấp ngành, địa phương. Do vậy, kinh nghiệm phát triển HTX của Đức với hơn 120 năm tồn tại là điều đáng quan tâm…
Đại diện HTX đang thảo luận nhóm về phát triển HTX theo kinh nghiệm của Liên đoàn HTX Cộng hòa Liên bang Đức - Ảnh: X.HUY
Theo Liên minh HTX tỉnh, thời gian qua, kinh tế tập thể đã có những chuyển biến đáng kể nhưng nhìn chung, các HTX vẫn phát triển chậm, thiếu bền vững. Một mặt là do ảnh hưởng của giá cả, thị trường, dịch bệnh,… mặt khác nhiều HTX vẫn còn bị động trong việc tìm ra hướng đi mới trong sản xuất, kinh doanh. Trước tình hình đó, nhờ sự hỗ trợ của các cấp, ngành, Liên minh HTX tỉnh đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, hoạt động thực tế ngoại khóa nhằm tạo điều kiện cho các HTX tham gia trao đổi, học hỏi kinh nghiệm phát triển HTX từ Liên đoàn HTX Cộng hòa Liên bang Đức.
Theo ông Christian Albrecht, Giám đốc Chương trình phát triển HTX của Liên minh HTX Cộng hòa Liên bang Đức tại Đông Nam Á, Luật HTX ở nước Đức được ban hành cách đây 120 năm nay. Kinh tế tập thể được xem ngang hàng với các thành phần kinh tế khác, nhưng
vẫn được Nhà nước gián tiếp hỗ trợ thông qua các chương trình đào tạo nghề, bảo vệ môi trường, ưu đãi thuế... Các HTX coi thành viên của họ giống như một khách hàng thân thiết nên luôn “công khai rộng rãi” các lợi ích kinh tế để thu hút được nhiều thành viên vào HTX. Điều này giúp HTX dễ dàng huy động được vốn, nguồn nhân lực. Ở Đức, cán bộ, xã viên, người lao động đều chú trọng học tập, trau dồi kiến thức, tích cực tham gia các lớp đào tạo để có thể am hiểu, thành thạo hơn trong lĩnh vực mình phụ trách.
Về cơ chế vốn góp, mỗi thành viên HTX góp vốn theo tỉ lệ quy định nhằm tránh tình trạng những thành viên góp nhiều vốn có thể chi phối, gây ảnh hưởng đến quá trình phát triển của HTX. Mặt khác, do góp vốn ít nên các thành viên không mấy chú trọng đến phần lãi được chia mà chỉ quan tâm đến hiệu quả của các dịch vụ HTX cung cấp nhằm phát triển sản xuất kinh doanh, kinh tế hộ gia đình.
So với các nước phương Tây, các HTX của Đức có nhiều nét tương đồng với HTX ở nước ta trong quy mô canh tác với diện tích nhỏ từ một đến vài chục ha. Do thành viên cũng chính là những khách hàng quan trọng nhất của HTX nên mỗi khi phát sinh nhu cầu của thành viên, các HTX đều tổ chức nghiên cứu, thiết kế sản phẩm để phục vụ. Với nguyên tắc kinh doanh “Lợi thế nhờ quy mô, mua bán sỉ tốt hơn mua bán lẻ”, HTX luôn chú trọng giảm tối đa chi phí nhưng hiệu quả cao hơn để đem lại lợi ích kinh tế lớn hơn cho thành viên của mình. Đôi khi không cần tài sản thế chấp, các HTX ở Đức cũng có thể dễ dàng vay vốn từ các ngân hàng nhờ trình bày dự án vay vốn khả thi cũng như nhờ uy tín, hoạt động quản trị, điều hành minh bạch, hiệu quả của mình. Theo quy định của Luật HTX Đức, hàng năm các HTX đều được kiểm toán định kỳ do Hiệp hội HTX thực hiện.
Ngoài việc chú trọng định hướng, tư vấn, hỗ trợ thành viên trong việc trồng trọt, chăn nuôi theo đúng các tiêu chuẩn nhằm tạo ra các sản phẩm “sạch”, mới, các HTX ở Đức còn thường xuyên cung cấp, tư vấn cho thành viên về thông tin thị trường cũng như dịch vụ hỗ trợ đầu ra. Do vậy, nhiều HTX đã tự xây dựng các xưởng sản xuất, nhà máy hiện đại để chế biến sản phẩm của người nông dân thành các thành phẩm có giá trị thương mại cao để được tiêu thụ với giá tốt nhất trên thị trường, giúp người nông dân có thể sống được, sống tốt bằng chính sản phẩm của mình. Các HTX cũng tập trung xây dựng thương hiệu mạnh và thường xuyên quảng bá thương hiệu vì lợi ích của thành viên.
Theo ông Christian Albrecht, trong quá trình phát triển, mỗi HTX phải biết đâu là điểm yếu, điểm mạnh của mình, thường xuyên trao đổi, đánh giá mức độ hoạt động của HTX nhằm tìm ra và triệt tiêu những gì cản trở sự phát triển của HTX. Hầu hết các xã viên ở Việt Nam chưa thực sự thấy được lợi ích khi tham gia HTX, chưa thấy được vai trò của sự hợp tác hỗ trợ giữa các thành viên. Do vậy, công tác tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức trên là hết sức quan trọng.
Ông Lê Luân, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, cho biết: “Việc các HTX tham gia học tập, nghiên cứu kinh nghiệm từ việc phát triển HTX của CHLB Đức là điều hết sức bổ ích, bởi Đức là một đất nước công nghiệp phát triển và các HTX của họ đã đi trước ta rất lâu. Nhờ đó, các HTX thấy rõ tầm quan trọng của việc phát huy nội lực, chú trọng định hướng tổ chức dịch vụ, tư vấn hỗ trợ cũng như công tác kiểm toán nội bộ HTX”.
XUÂN HUY