Hiện trên toàn tỉnh có trên 20 HTX với hơn 10.000 hộ xã viên trồng hàng nghìn ha mía, sắn tập trung chủ yếu ở ba huyện miền núi là Sơn Hòa, Sông Hinh và Đồng Xuân. Nhiều HTX đã tham gia làm đại lý thu mua nguyên liệu cho các nhà máy chế biến.
Nông dân xã Sơn Nguyên, huyện Sơn Hòa thu hoạch mía niên vụ 2010-2011 - Ảnh: P.NAM
Thực hiện Chỉ thị số 27/CT - UBND ngày 01/10/2008 về việc tăng cường chỉ đạo tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng và chỉ đạo của UBND tỉnh về việc thành lập Ban chỉ đạo điều hành sắn, mía ở từng địa phương, nhiều HTX đã thành lập tổ cung ứng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến. Thông qua liên kết với doanh nghiệp, HTX tổ chức cho hộ xã viên sản xuất hàng hóa tập trung; hỗ trợ về vốn, kỹ thuật cho xã viên đầu tư thâm canh và đặc biệt đảm bảo “đầu ra” cho sản phẩm để bà con yên tâm sản xuất. Bên cạnh đó, việc doanh nghiệp trực tiếp ký hợp đồng với HTX giúp chi phí giao dịch giảm đáng kể. Việc làm này có lợi cho các bên, cụ thể: nhà máy đảm bảo được vùng nguyên liệu, ổn định sản xuất, kiểm soát chất lượng sản phẩm; HTX nâng cao hơn nữa vai trò của mình trong phát triển kinh tế địa phương, giúp hộ trồng có nguồn đầu ra ổn định; người trồng nguyên liệu tránh bị tư thương ép giá, yên tâm sản xuất và từng bước nâng cao thu nhập kinh tế hộ gia đình. Ngoài ra, khi doanh nghiệp làm ăn thuận lợi, sẽ hỗ trợ địa phương phát triển cơ sở hạ tầng vùng nguyên liệu, xây dựng các công trình phục lợi ích tập thể giúp nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân. Điều này thúc đẩy tạo ra sự liên kết ngày càng bền vững giữa doanh nghiệp, chính quyền địa phương, HTX và người trồng nguyên liệu.
Với hình thức liên kết đó, trong thời gian qua, chuyên gia của các công ty, HTX cùng xuống đồng giúp người dân về kỹ thuật, cung ứng hạt giống, cây giống và phân bón, tiền ứng trước tạo điều kiện cho nông dân mở rộng diện tích sản xuất, thực hiện thâm canh tăng năng suất cây trồng, cung cấp nguyên liệu ngày càng tăng bảo đảm cho nhà máy hoạt động đạt công suất.
Tuy nhiên, việc phối hợp giữa các bên vẫn còn tồn tại một số khúc mắc: nhiều địa phương chưa tập trung triển khai hiệu quả dẫn đến kết quả thực hiện còn chậm, nhiều doanh nghiệp chưa đầu tư đúng mức vùng nguyên liệu, chưa điều chỉnh kịp thời giá thu mua nguyên liệu, chưa thực sự xem trọng vai trò của HTX - không chỉ là đại lý đơn thuần mà còn là tổ chức liên kết các hộ trồng trọt lại với nhau – nên một số HTX không mặn mà với việc làm đại lý, người nông dân không thực hiện theo hợp đồng. Số lượng thu mua trong hợp đồng ký kết vẫn còn thấp so với quy mô sản xuất của người dân. Các biện pháp chế tài, xử lý vi phạm hợp đồng chưa thực hiện nghiêm túc nên tình trạng tranh mua, tranh bán vẫn xảy ra thường xuyên vào mỗi mùa vụ.
Do đó, các bên liên quan nên trao đổi, thảo luận để tìm ra cách giải quyết hài hòa quyền lợi giữa các bên. Các phòng, ban chức năng của mỗi địa phương cần triển khai các chương trình, dự án về chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng phát triển nông nghiệp toàn diện. Tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung, quy hoạch, hình thành vùng nguyên liệu sản xuất hàng hóa lớn, gắn sản xuất nguyên liệu với công nghiệp chế biến và tiêu thụ nông sản theo định hướng thị trường. Đẩy mạnh việc liên kết giữa HTX, các hộ sản xuất với doanh nghiệp chế biến thông qua việc ký kết các hợp đồng, trong đó chú ý thực hiện nghiêm các biện pháp chế tài theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, chính quyền, các cấp ngành cần tiếp tục đẩy mạnh việc phổ biến, tuyên truyền các chính sách liên quan đến sản xuất, tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng và tiến hành lồng ghép với các chương trình, dự án có liên quan đến sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản.
PHƯỚC BẢO
(Liên minh HTX Phú Yên)