Thứ Tư, 27/11/2024 08:47 SA
Thừa vàng “nội”, thiếu vàng nhập
Thứ Năm, 29/09/2011 08:05 SA

Giá vàng trong nước vẫn cao bất thường, thị trường vẫn khan vàng. Trong khi các công ty vàng “đỏ mắt” chờ được cấp hạn ngạch nhập khẩu thì không ít đơn vị cho biết họ có trong tay nhiều vàng nguyên liệu ở trong nước nhưng không thể dập thành vàng miếng SJC bán ra thị trường.

vang110929.jpg

Vòng luẩn quẩn của thị trường vàng trong nước giúp các doanh nghiệp thu lợi nhờ ứng vàng ra bán giá cao và bù lại bằng giá vàng nhập khẩu khi NHNN cho phép

Lý do là Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn chỉ nhận gia công ra vàng miếng SJC cho các doanh nghiệp có giấy phép nhập khẩu vàng và theo hạn ngạch do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp. Biện pháp này được đưa ra nhằm hạn chế việc tiêu thụ vàng nhập lậu từ Campuchia, qua đó ổn định tỉ giá VND/USD tại thị trường tự do. Tuy nhiên, vàng nguyên liệu ở trong nước rất đa dạng, không chỉ có nguồn gốc từ nhập lậu mà sau đó được hợp thức hóa. Ở nhiều cửa hàng vàng lớn, người ta vẫn mua bán vàng “bóng phân”. Đây là vàng được phân kim từ vàng nữ trang có độ tuổi khác nhau, được gọi là vàng “bóng phân” (phân biệt với vàng “bóng ký” có nguồn gốc nhập khẩu). Hiện có khoảng mười máy phân kim hiện đại có thể cho ra được nguyên liệu vàng đủ tuổi để sản xuất vàng miếng. Giới kinh doanh cho biết do tiêu thụ chậm, hiện nhiều cơ sở vàng tư nhân cũng muốn “xử lý” bớt số nữ trang đã lạc hậu về mẫu mã và đó là nguồn cung cấp nguyên liệu rất lớn cho sản xuất vàng “bóng phân” để dập ra vàng miếng SJC. Ngoài ra, nguồn nguyên liệu trong nước còn được bổ sung từ vàng miếng mang thương hiệu của nhiều công ty vàng khác, ngoài SJC, nhưng không được thị trường ưa chuộng. Hiện một số đơn vị có nhiều vàng miếng dạng này muốn nhờ Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn dập lại thành vàng SJC để tiêu thụ. Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn không nhận vì chỉ gia công vàng nguyên liệu nhập khẩu chính thức. Một số đơn vị muốn dùng vàng miếng thương hiệu của mình để dập ra vàng miếng SJC, vì thị trường chỉ chuộng vàng SJC trong khi nguồn nguyên liệu vàng đang khan hiếm.

Theo ước tính, nếu cho dùng vàng nguyên liệu ở trong nước để dập vàng miếng SJC cũng có thêm được vài tấn vàng thay vì phải bỏ vài trăm triệu USD để nhập khẩu. Tuy nhiên, cũng khó cho NHNN khi hạn chế và nay phải cân nhắc để quyết định có cho dùng vàng nguyên liệu trong nước làm vàng miếng SJC. Bởi không quản lý chặt sẽ mở đường cho các đợt nhập lậu vàng từ Campuchia, châm ngòi cho các đợt bùng nổ tỉ giá VND/USD tại thị trường tự do. Với mức chênh 3-4 triệu đồng/lượng như hiện nay, nếu vàng lậu có nơi tiêu thụ, dù tỉ giá tăng thêm cả ngàn đồng/USD thì giới buôn lậu vẫn về hàng và có lời. Nhưng nếu cho dùng vàng nguyên liệu trong nước để gia công thành vàng SJC, không có gì chắc rằng lẫn trong đó có cả vàng nhập lậu. Với vàng nguyên liệu trong nước, chỉ cần hóa đơn là hợp lệ. Thực tế giới kinh doanh vàng vẫn hợp thức hóa được vàng lậu thành vàng trong nước thông qua hợp thức hóa đơn. Một số thống kê cho biết khi còn cho phép dùng vàng trôi nổi trong nước, có ít nhất 50 doanh nghiệp mang vàng đến gia công ra vàng miếng SJC. Tuy nhiên, kể từ khi chỉ nhận vàng hợp pháp, có nguồn gốc nhập khẩu chính thức thì con số này chỉ còn 10 đến gần 20 doanh nghiệp.

Như vậy, dù đã tốn hàng tỉ USD để nhập khẩu vàng nhưng bài toán tỉ giá, giá vàng vẫn còn nguyên. Nếu tiếp tục siết vàng lậu để kìm tỉ giá VND/USD tại thị trường tự do thì buộc phải cấp phép cho nhập vàng nhưng tốn kém ngoại tệ, về lâu dài ảnh hưởng đến tỉ giá. Thực tế cho thấy việc cấp phép cũng chỉ là “chữa cháy”, hết hạn ngạch giá lại tăng. Còn cho dùng vàng trong nước để sản xuất vàng miếng SJC lại ảnh hưởng đến tỉ giá VND/USD tại thị trường tự do, cũng gây sức ép lên tỉ giá ở ngân hàng.

Theo các chuyên gia, có thể linh hoạt, dung hòa và kiểm soát thật chặt để bớt tốn kém ngoại tệ nhưng vẫn sử dụng được nguồn vàng thật sự có nguồn gốc từ thị trường trong nước. Quản lý thị trường vàng để hài hòa với thị trường ngoại tệ vẫn là bài toán khó cho NHNN, và đó cũng có thể là rủi ro cho một số người khi mua bán vàng trong thời gian này. Nếu mua, bất ngờ NHNN cấp phép nhập khẩu, giá giảm sẽ thiệt. Nếu NHNN không cấp phép, giá tăng có lợi cho bên bán, thiệt cho bên mua...

T.TUYẾN  -  (TTO)

Liên quan đến xử lý chênh lệch quá lớn giữa giá vàng trong nước và thế giới, nhiều chuyên gia cho rằng bên cạnh cho phép nhập khẩu vàng, NHNN nên có cơ chế phù hợp để các ngân hàng có thể chủ động sử dụng lượng vàng hiện có trong nước để can thiệp bình ổn thị trường. Bà Dương Thu Hương, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng, cho rằng NHNN nên khẩn trương thành lập quỹ dự trữ vàng để huy động vốn vàng trong dân nhằm tăng dự trữ ngoại hối quốc gia và can thiệp thị trường khi cần thiết. Trong trường hợp giá vàng trong nước tăng cao bất thường so với giá thế giới, NHNN có thể dùng một phần số vàng này can thiệp thị trường, như vậy sẽ tiết kiệm được ngoại tệ để nhập khẩu vàng.

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek