Trong lúc tình trạng khai thác vàng sa khoáng trái phép trên sông, suối, đồi núi chưa được xử lý triệt để, thì mới đây tại các xã Ea Bia, Ea Trol (huyện Sông Hinh) lại dấy lên “phong trào” thuê đất sản xuất để đào bới tìm vàng. Thực trạng trên nếu không được ngăn chặn kịp thời sẽ để lại hậu quả khó lường.
Đãi vàng “thử nghiệm” ngay tại nương rẫy. - Ảnh: P.NAM
LẬT ĐẤT SẢN XUẤT ĐỂ TÌM VÀNG
Dọc đường về các xã Ea Bia, Ea Trol, chúng tôi bắt gặp nhiều điểm đào bới đất sản xuất để tìm vàng. Trên đoạn đường khoảng 5km từ thị trấn Hai Riêng về các địa bàn trên có đến 4 điểm khai thác vàng tự phát, mỗi điểm tụ tập không dưới 10 người, dựng lán trại tạm bợ, vô tư cày xới đất. Họ cào bỏ lớp đất mặt khoảng 30cm là thấy lớp đá trắng (dạng đá thạch anh), sau đó dùng cuốc, xà beng nậy lên bỏ vào bao đem về xay, đãi ra vàng. Anh Trần Nhật Quang ở khu phố 6, thị trấn Hai Riêng cho biết: “Khu đất rộng khoảng 3.000m2 này là của một hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở buôn Dành, xã Ea Bia vừa mới thu hoạch sắn xong, tôi thuê lại với giá 7 triệu đồng, được quyền “sử dụng” trong thời gian 3 tháng. Hôm nay là ngày đầu tiên, tôi và 5 người khác đào được 20 bao đá, trọng lượng khoảng 1 tấn; không biết trữ lượng bao nhiêu, nhưng chắc chắn sẽ có vàng vì gần khu vực này trước đây đã có người đãi vàng. Chỉ tay về đám mía kề bên, anh Quang khẳng định, ở đó cũng có vàng, nhưng do mía chưa thu hoạch nên chủ đất không cho thuê.
Tại buôn Ly, cách trung tâm xã Ea Trol khoảng 2km có một triền đồi có độ dốc vừa phải rộng chừng 2ha. Nhìn từ xa trông khá đẹp và tương đối bằng phẳng, nhưng khi đến gần thì chúng tôi thấy đất đá, hầm hố ngổn ngang bởi hàng chục người đang tự do đào xới tìm đá đãi vàng. Anh H.V.V ở khu phố 6, thị trấn Hai Riêng phân trần: “Toàn bộ diện tích này đã được mọi người thuê lại của các hộ người đồng bào dân tộc thiểu số từ 4 tháng nay và được quyền khai thác đến đầu năm 2012. Riêng gia đình tôi bỏ ra 6 triệu đồng thuê một khoảnh nhỏ, làm kiếm ngày công lao động. Gần bên, cha con anh L.H.T cũng ở khu phố 6, thị trấn Hai Riêng đang hì hục moi móc, cạy từng viên đá cách mặt đất hơn 40cm. Anh T cho biết: “Mỗi ngày, một người cũng đào được ít nhất 2 bao, khoảng 1 tạ, nếu may thì được 1-2 phân vàng, kiếm 500.000-700.000 đồng. Bình thường cũng kiếm được từ 300.000-400.000 đồng, tính ra cũng hơn ngày công lao động. Tôi làm được hơn một tuần nay, kiếm gần 3 triệu đồng”. Theo những người làm vàng tại đây, nếu gặp loại đá màu hồng, chân chì thì chắc chắn là có vàng, còn trữ lượng tùy thuộc vào sự may mắn.
HẬU QUẢ TRƯỚC MẮT
Tình trạng ồ ạt đi đào đất sản xuất tìm vàng đang gây lo ngại ở một số địa phương thuộc huyện Sông Hinh, nhất là đối với những người có nương rẫy gần khu vực đang bị cày xới hoặc lọt vào “tầm ngắm” của những đối tượng đang tìm đất để đào đãi vàng. Thực tế đã xảy ra tình trạng có người lén lút đào “thử nghiệm” trên đất có cây trồng. Anh N.V.T ở thị trấn Hai Riêng cho biết, cách đây không lâu, cứ đêm đến là có người vác cuốc, xẻng ra đi, mờ sáng thấy họ vác bao đất đem về. Qua theo dõi, phát hiện anh này đi đào đất trong nương rẫy tìm đá, đãi vàng. Mọi người tưởng anh ta trúng vàng nên đổ xô vào rẫy sắn đào bới tan hoang. Đó là chưa kể có trường hợp giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp đất đai, có người đã lợi dụng cơ hội này mà phá hoại cây trồng của người khác.
Mặt khác, không ít người, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số cho thuê đất để kiếm tiền dẫn đến đất đai bị bỏ hoang, đến khi muốn khôi phục sản xuất sẽ mất nhiều công để cải tạo mặt bằng. Tình trạng đào bới đất còn bị mưa lũ rửa trôi lớp đất mặt, làm mất độ màu mỡ của đất và gây nguy hiểm cho người sản xuất do dẫm phải đá sắc cạnh do những người khai thác vàng để lại.
Ông Nay Y Bình, Phó chủ tịch UBND xã Ea Trol, huyện Sông Hinh cho biết, trước sự việc đào đất đá tìm vàng đang rộ lên, chính quyền đã phân công cán bộ đến tận nhà giải thích, vận động bà con không nên cho thuê đất, không nhất thời vì đồng tiền ít ỏi trước mắt mà ảnh hưởng đến sản xuất lâu dài.
Chúng tôi thiết nghĩ, để ngăn chặn tình trạng đào bới đất sản xuất tìm vàng, các cấp chính quyền huyện Sông Hinh sớm có biện pháp xử lý để chấm dứt việc khai thác vàng bừa bãi trên, không để ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp cũng như gây tác hại về môi trường.
PHƯƠNG NAM - NGÔ XUÂN