Trong những năm gần đây, kết cấu hạ tầng của TP Tuy Hòa được đầu tư chỉnh trang, mở rộng ngày càng khang trang, tạo sự khởi sắc cho bộ mặt đô thị. Tuy nhiên, nhiều vỉa hè, lòng đường đang bị chiếm dụng để kinh doanh, gây mất mỹ quan đô thị ảnh hưởng đến trật tự và an toàn giao thông.
Đường cứu hỏa phường 6 thành nơi họp chợ - Ảnh: N.SƠN
VỈA HÈ CÓ CHỦ?
Vỉa hè thuộc kết cấu giao thông đô thị và phải được sử dụng đúng chức năng. Đó là nơi dành cho người đi bộ nhưng nhiều vỉa hè trong TP Tuy Hòa bị lấn chiếm công khai. Nhiều nơi, vỉa hè trở thành điểm kinh doanh, quán cóc ăn uống, buôn bán tạp hóa, tập kết vật liệu xây dựng, bãi giữ xe, họp chợ… Trên các con đường lớn như: Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Tất Thành, Hùng Vương, Nguyễn Huệ, Bạch Đằng, Nguyễn Công Trứ, Phan Đình Phùng, Nguyễn Thái Học, Duy Tân, Nguyễn Trãi… vỉa hè đều bị lấn chiếm. Dọc các đường Bạch Đằng, Hùng Vương, vỉa hè ở đây trở thành các điểm kinh doanh ăn uống của một số người. Bà Trần Thị M. ở phường 7, bức xúc nói: “Buổi chiều, chúng tôi thường xuyên đi bộ tập thể dục tại khu vực Gò Máng (phía tây đường Hùng Vương), nhưng vỉa hè ở đây bị chiếm dụng bán quán nhậu, không còn chỗ cho người đi bộ. Thêm vào đó, tình trạng xả rác thải bừa bãi gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến sức khỏe nhiều người sống trong khu vực, nhưng không thấy cơ quan chức năng nào xử lý”. Sự
chiếm dụng vỉa hè đã đẩy người đi bộ phải đi dưới lòng đường, ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông. Không ít vụ tai nạn đã xảy ra trên địa bàn thành phố, cướp đi sinh mạng nhiều người trong đó có một phần lỗi do vỉa hè không còn dành cho người đi bộ. Tình trạng mất an ninh trật tự, xô xát, đánh nhau ở những quán nhậu vỉa hè cũng thường xuyên xảy ra và lực lượng Công an 113 phải vào cuộc…
Không ít vỉa hè trước mặt các cơ quan Nhà nước trở thành những điểm kinh doanh “hợp pháp”. Vỉa hè xung quanh Trung tâm hoạt động Thanh thiếu nhi tỉnh, mọc lên hàng loạt quán cóc; còn tại góc đường Lê Duẩn - Bạch Đằng, trước mặt Hải đội 2 thuộc Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh mọc lên hai quán nhậu. Nhiều vỉa hè có bảng cấm mua bán nhưng người dân cứ ngang nhiên chiếm dụng như vỉa hè phía đông đường Hùng Vương trước Chi nhánh Ngân hàng Công thương tỉnh…Ông Nguyễn Văn T (cán bộ hưu trí phường 5) cho biết: Chúng tôi thấy các cơ quan chức năng, có tổ chức kiểm tra nhưng không thường xuyên và còn làm ngơ trước sự tồn tại của các điểm lấn chiếm này.
Bức xúc hơn là có những đoạn đường biến thành nơi họp chợ. Theo quan sát của chúng tôi, ngay trong nội thành TP Tuy Hòa có trên 10 điểm có lòng đường bị chiếm dụng làm nơi họp chợ như trên các đường Ngô Quyền, Lương Văn Chánh, Trần Phú, Phan Đình Phùng, đường cứu hỏa (phía tây UBND phường 2)… Những đoạn đường này, người buôn bán cơi nới căng bạt, che dù làm điểm kinh doanh. Có chính quyền địa phương, đơn vị chức năng còn thu phí những hộ kinh doanh này, phải chăng là công nhận sự lấn chiếm lòng đường của họ. Điều hết sức bức xúc, lòng đường biến thành nơi bán rau, trái cây, than, bãi giữ xe… cản trở người và các phương tiện tham gia giao thông và gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của những người dân trong khu dân cư. Khi nơi đây, có hỏa hoạn xảy ra thì còn đường nào cho lực lượng và xe cứu hỏa vào ứng cứu(?)
CÓ GIẢI QUYẾT ĐƯỢC?
Tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè gây mất trật tự an toàn giao thông, cảnh quan đô thị đã trở thành bài toán cho TP Tuy Hòa. Trao đổi với chúng tôi, một lãnh đạo địa phương giải bày: Chúng tôi thấy việc lấn chiếm lòng, lề đường là một vấn đề hết sức bức xúc, nhưng khi triển khai xử lý nơi này thì nơi khác mọc ra. Việc áp dụng Nghị định 34/2010/NĐ-CP của Chính phủ để xử phạt hành vi chiếm dụng đường phố đối với những người bán hàng rong, mua gánh bán bưng khó khả thi, vì mức phạt cao nhưng tài sản của họ chỉ vài trăm nghìn, khi xử lý vi phạm nhiều người sẵn sàng bỏ tài sản, phương tiện lại… Còn ông Hồ Đức Hùng, Phó chủ tịch UBND TP Tuy Hòa cho biết, trong thời gian qua các cấp chính quyền trên địa bàn thành phố đã tổ chức nhiều đợt ra quân lập lại trật tự an toàn giao thông, lực lượng chức năng đã xử lý nhiều vụ lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, thu giữ nhiều phương tiện của những người kinh doanh bất hợp pháp, nhưng tình trạng lấn chiếm vẫn cứ tái diễn. Trong thời gian tới chính quyền thành phố sẽ chỉ đạo ban an toàn giao thông các phường cùng các lực lượng chức năng tăng cường tuần tra kiểm soát; kiên quyết xử lý các trường hợp lấn chiếm đường cứu hỏa, sử dụng trái phép lòng đường, vỉa hè không đúng quy định, giải tỏa các điểm họp chợ không đúng nơi quy định, các trường hợp buôn bán, điểm giữ xe gây cản trở giao thông…
Tuy Hòa đang phấn đấu xây dựng TP lên đô thị loại II, việc giải quyết tình trạng lấn chiếm lòng lề đường đang trở thành vấn đề cấp bách, một thực trạng cần giải quyết. Để chấn chỉnh tình trạng trên, các cơ quan chức năng, cũng như chính quyền địa phương cần vào cuộc một cách đồng bộ, quyết liệt hơn để trả lại cảnh quan đô thị đường thông hè thoáng.
Điểm a, khoản 5, Điều 15 Nghị định 34/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ: Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm Chiếm dụng đường phố để: kinh doanh dịch vụ ăn uống; bày bán hàng hóa; kinh doanh, buôn bán vật liệu xây dựng; sản xuất, gia công hàng hóa; làm nơi trông, giữ xe; sửa chữa hoặc rửa xe; đặt, treo biển hiệu, biển quảng cáo; làm mái che; thực hiện các hoạt động dịch vụ khác gây cản trở giao thông...
CỬU SƠN NGỌC