Hội thảo khoa học “Liên kết phát triển du lịch các tỉnh khu vực Duyên hải miền Trung” sẽ diễn ra tại TP Tuy Hòa vào tháng 12 tới. Trong chuyến công tác mới đây tại Phú Yên của Nhóm tư vấn về liên kết phát triển kinh tế - xã hội bảy tỉnh miền Trung, do tiến sĩ Trần Du Lịch dẫn đầu, Báo Phú Yên có cuộc phỏng vấn tiến sĩ xung quanh vấn đề này.
* Thưa tiến sĩ, những kết quả sơ bộ đạt được sau Hội thảo khoa học “Liên kết phát triển bảy tỉnh Duyên hải miền Trung” tháng 7 qua tại TP Đà Nẵng là gì?
Tiến sĩ Trần Du Lịch trả lời phỏng vấn báo chí - Ảnh: T.Q
- Hội thảo đã xác định liên kết phát triển giữa các tỉnh, thành phố trong khu vực Duyên hải miền Trung là một tất yếu nhằm đảm bảo sự phát triển nhanh và bền vững của từng địa phương, cũng như toàn khu vực trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Lãnh đạo của bảy tỉnh đã thống nhất trên tinh thần chung là “liên kết phát triển”, vì lợi ích chung của khu vực và lợi ích của đất nước. Hội thảo này đã đưa ra bản cam kết thực hiện khoảng 10 nội dung liên kết. Sau hội thảo, đã hình thành Nhóm tư vấn gồm các chuyên gia về kinh tế, xã hội sẽ giúp lãnh đạo các tỉnh, thành phố và ban điều phối khu vực các tỉnh Duyên hải miền Trung hoạch định chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trong mối liên kết khu vực; hình thành quỹ nghiên cứu phát triển miền Trung.
Hội thảo “Liên kết phát triển du lịch” tổ chức tại Phú Yên sắp tới là một trong những kết quả sinh động trong việc thực hiện những vấn đề trong cam kết “Liên kết phát triển vùng” mang tính chuyên sâu trên lĩnh vực du lịch.
* Mục tiêu mà hội thảo tổ chức tại Phú Yên sắp tới sẽ hướng đến là gì thưa tiến sĩ?
- Như tôi đã nói, đây là hội thảo chuyên sâu, cụ thể hóa một trong nhiều nội dung mà lãnh đạo bảy tỉnh đã thống nhất cam kết trong việc liên kết khu vực để tìm ra giải pháp phát triển tốt nhất trong lĩnh vực du lịch. Mục tiêu chính của Hội thảo “Liên kết phát triển du lịch các tỉnh Duyên hải miền Trung” là phân tích, đánh giá tiềm năng, thế mạnh du lịch của khu vực và của từng địa phương; so sánh thế mạnh, tiềm năng với các khu vực khác trong nước và các nước trong khu vực ASEAN. Đồng thời, chỉ ra những hạn chế, yếu kém, đâu là khách quan, đâu là chủ quan để trả lời cho câu hỏi vì sao một vùng có tiềm năng du lịch như Duyên hải miền Trung, nhưng ngành du lịch lại phát triển chưa tương xứng… Từ đó, bàn các giải pháp, mục tiêu liên kết của các tỉnh trong khu vực, phát huy tốt nhất lợi thế về du lịch của từng địa phương, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và phát triển bền vững.
Hội thảo là diễn đàn để cán bộ quản lý, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, doanh nghiệp trao đổi, đóng góp ý tưởng, kinh nghiệm trong quá trình quản lý, hoạch định chính sách phát triển du lịch cho các địa phương trong khu vực; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp du lịch tăng cường mối liên kết và tìm kiếm cơ hội phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng của khu vực và cho từng địa phương; kết nối các tour du lịch liên khu vực. Cũng qua hội thảo, những ý kiến, kiến nghị của các đại biểu sẽ được tập hợp, nghiên cứu để tham mưu cho lãnh đạo bảy tỉnh có những điều chỉnh phù hợp hay kiến nghị lên Chính phủ.
Các tour du lịch trên vịnh Xuân Đài có thể liên kết nối tour với các điểm du lịch ở Bình Định. Trong ảnh: Một góc vịnh Xuân Đài - Ảnh: T.Q
* Do vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên tương tự nhau, nên thế mạnh và những sản phẩm du lịch của các tỉnh trong khu vực là biển, đảo. Như vậy, liên kết để phát triển thì đâu sẽ là nét đặc trưng và lợi thế cạnh tranh của từng địa phương?
- Đúng là đang có tình trạng trùng lắp trong việc hoạch định chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nói chung và các sản phẩm du lịch trong khu vực nói riêng. Có nhiều ý kiến cho rằng, vì sự trùng lắp như vậy khi liên kết với nhau vô tình tạo ra sự cạnh tranh nội bộ và đầu tư không hiệu quả. Theo tôi, không phải vậy, dù đây là một thực tế bởi do yếu tố khách quan là điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý của khu vực mang lại. Vấn đề là làm thế nào liên kết nhưng không trùng lắp, triệt tiêu nhau mà phải điều chỉnh, bổ sung cho nhau để cùng phát triển. Hội thảo sắp đến, vấn đề này sẽ bàn xuyên suốt. Theo đó, phải đặt lại vấn đề làm sao điều chỉnh lại quy hoạch, nguồn lực phát triển của từng địa phương để khai thác tiềm năng du lịch theo đúng thế mạnh của mình, hạn chế sự cạnh tranh lẫn nhau làm phân tán nguồn lực đầu tư (của Nhà nước, của doanh nghiệp). Phải đưa ra cho được những sản phẩm chung và riêng để dựa vào nhau để cùng phát triển, đó là mục tiêu của chương trình này. Theo tôi, để làm được như vậy, phải cần một thời gian và đi từng bước, theo tinh thần cái nào dễ, đồng thuận cao làm trước, cái nào khó, còn nhiều ý kiến khác nhau thì nghiên cứu thêm, làm sau.
* Đâu là những khó khăn, vướng mắc lớn đối với vấn đề phát triển du lịch các tỉnh trong khu vực Duyên hải miền Trung nói chung và Phú Yên nói riêng?
- Đây là một trong những vấn đề lớn mà chúng tôi sẽ tiếp tục thảo luận tại hội thảo sắp đến. Có thể nói, cái khó đầu tiên mà theo tôi, đã và đang tác động trực tiếp đến du lịch của Phú Yên nói riêng và các tỉnh trong khu vực nói chung là vấn đề giao thông. Để khắc phục được vấn đề này cần có một chính sách mang tầm vĩ mô chứ không thể chỉ có sự nỗ lực của một địa phương nào.
* Xin cảm ơn tiến sĩ!
TRẦN QUỚI (thực hiện)