Thời gian qua, nhiều hợp tác xã (HTX) nông nghiệp ở Phú Yên đã phát triển nhiều mô hình dịch vụ, mở rộng liên doanh liên kết, giải quyết việc làm cho lao động, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Tuy nhiên, để hợp tác xã nông nghiệp phát triển bền vững cần tạo điều kiện về cơ sở vật chất, vốn nhiều hơn nữa.
Xã viên một HTX ở huyện Tuy An đang phơi lúa tại sân phơi - Ảnh: X.HUY
Các HTX nông nghiệp đã dần thích nghi với cơ chế thị trường, không còn mang tính hình thức. HTX nông nghiệp đã thể hiện được vai trò “bà đỡ” cho bà con xã viên trong việc hướng dẫn chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, góp phần tích cực thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Nhiều HTX đã tham gia cung ứng các dịch vụ thiết yếu cho xã viên, cụ thể như: có 80% số HTX làm dịch vụ thủy lợi, 40% cung ứng vật tư, 5% HTX làm dịch vụ tiêu thụ sản phẩm... Một số HTX đã mở rộng các loại hình dịch vụ khác gắn với việc đáp ứng nhu cầu sản xuất của các hộ xã viên như dịch vụ tín dụng nội bộ (25% HTX nông nghiệp), dịch vụ tư vấn, thông tin, cũng như các dịch vụ vệ sinh môi trường, nước sạch...
Cùng với quá trình đổi mới và phát triển, nhiều HTX đã xuất hiện, có tác động đến phát triển kinh tế của các hộ xã viên, tạo động lực thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn và xây dựng nông thôn mới. Điển hình như HTX Nông nghiệp Hòa Quang Nam (huyện Phú Hòa), HTX Nông nghiệp Hòa Tân Đông (huyện Đông Hòa)… Các HTX nông nghiệp đa ngành cũng đang phát triển mở rộng như: HTX trồng hoa cây cảnh, sản xuất rau an toàn, tiêu thụ sản phẩm, sản xuất nhang, kinh doanh dịch vụ… Một số HTX còn liên kết, liên kết cung ứng giống vật tư, tiêu thụ sản phẩm trong nông nghiệp như HTX Hòa Thắng 2 ở huyện Phú Hòa, HTX An Ninh Tây (huyện Tuy An), HTX Hòa Phong (huyện Tây Hòa)…
Tuy nhiên, hầu hết các HTX trong nông nghiệp, nông thôn còn gặp nhiều khó khăn do quy mô nhỏ, thiếu vốn, tài sản, khả năng cạnh tranh thấp, chậm đổi mới cơ chế, năng lực nội tại còn yếu; đội ngũ cán bộ quản lý còn hạn chế về năng lực chuyên môn… nên số lượng HTX khá, giỏi chưa nhiều, không ít HTX hoạt động cầm chừng, mới chỉ làm được dịch vụ đầu vào, bỏ trống khâu chế biến, tiêu thụ sản phẩm, chưa mạnh dạn thực hiện liên doanh, liên kết để mở thêm nhiều ngành nghề mới.
Mô hình HTX trong nông nghiệp, nông thôn ở nhiều tỉnh thành công, đã chứng minh rằng: HTX chính là mô hình thích hợp cho các hộ sản xuất, hộ nông dân. Để có thể tồn tại và phát triển, họ phải tập hợp lại để tương trợ lẫn nhau trong sản xuất, lưu thông, đối phó những khó khăn của tự nhiên cũng như từ sức ép kinh tế thị trường, sự cạnh tranh của các thành phần kinh tế nhằm bảo vệ lợi ích của chính mình.
Để chính sách hoàn thiện, thúc đẩy HTX vượt qua những khó khăn, các cấp, các ngành cần quan tâm và tạo điều kiện nhiều hơn nữa như xây dựng các chương trình, dự án, đề án, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, lồng ghép vào việc phát triển kinh tế tập thể cũng như cân đối các nguồn lực để các HTX ở Phú Yên ngày một phát triển. Quỹ hỗ trợ phát triển HTX cần sớm thành lập để các HTX nông nghiệp tiếp cận được nguồn vốn, mở rộng sản xuất kinh doanh.
BẢO PHƯỚC
(Liên minh HTX Phú Yên)