Kinh tế tập thể nói chung, hợp tác xã (HTX) nói riêng ở Phú Yên đã có những bước đột phá, đóng góp quan trọng vào việc giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập hộ xã viên, đẩy nhanhxóa đói giảm nghèo, khai thác được tiềm năng, thế mạnh ở địa phương.
Xã viên HTXNN KDDV Hòa Xuân Đông (Đông Hòa) đang đan tre lá - Ảnh: X.HUY
Mặc dù, các HTX nhận được sự ưu đãi của Nhà nước từ chính sách thuế, tư vấn hỗ trợ đào tạo, tham quan, hội nghị, triển lãm... nhưng mức độ phát triển vẫn còn hạn chế. Ngoài những nguyên nhân không có nguyên liệu đầu vào, kinh doanh thua lỗ, không ký được hợp đồng, xã viên không góp đủ vốn…, hoạt động của đa số các HTX trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua còn mang tính ngắn hạn, chưa có hướng sản xuất, kinh doanh lâu dài, chưa lập các kế hoạch, chiến lược phát triển sản xuất - kinh doanh và các chính sách liên quan đến tổ chức HTX. Các HTX cũng còn thiếu công tác nghiên cứu, nắm bắt nhu cầu mang tính thị trường; sản xuất - kinh doanh vẫn dựa trên những cái mình có mà không chú trọng đến việc thị trường cần. Điều này dẫn đến sản xuất không được mở rộng, năng lực nội tại hạn chế, thu nhập của ban chủ nhiệm và người lao động thấp. Vì vậy, các HTX đang cần có chiến lược đổi mới tổ chức, quản lý, đổi mới hoạt động dựa trên việc xây dựng phương án sản xuất kinh doanh dài hạn để có thể tồn tại và phát triển. Ở Phú Yên, bên cạnh một số HTX làm tốt việc này như HTX Mây tre lá và Thủ công mỹ nghệ Tân Hòa Bình, HTX Nông nghiệp Kinh doanh dịch vụ Hòa Phong (huyện Tây Hòa)… vẫn còn không ít HTX đang mất dần phương hướng hoạt động do phương án sản xuất kinh doanh không được xây dựng hiệu quả.
Do đó, các HTX nên chú ý đến tính thực tiễn, hiệu quả kinh tế, bền vững của phương hướng sản xuất - kinh doanh, kế hoạch hoạt động của mình. Thông qua đó tạo sự đồng thuận trong tập thể xã viên, bổ sung vào dự thảo điều lệ, nghị quyết đại hội xã viên cũng như vận động các đối tượng tham gia HTX. Nội dung phương hướng sản xuất - kinh doanh và kế hoạch hoạt động của HTX cần dự kiến số ngành nghề kinh doanh khả thi, số lượng xã viên tham gia vào mỗi ngành nghề, những khó khăn, thuận lợi trong việc huy động vốn, công nghệ, diễn biến thị trường, mối liên kết kinh doanh, cũng như mục tiêu đạt được về tạo công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo, tham gia các nhiệm vụ kinh tế - xã hội ở địa phương cũng cần đưa vào kế hoạch kinh doanh của HTX.
Ngoài ra, các HTX cũng cần xây dựng phương án sản xuất kinh doanh - dịch vụ đa ngành, đa nghề trên cơ sở khai thác hết mọi tiềm năng, thế mạnh nội lực về đất đai, nguồn nhân lực, cơ sở vật chất. Đó là thiết bị kỹ thuật, công nghệ, phương tiện vận tải cũng như các nguồn vốn vay, vốn góp, vốn tài trợ cùng nhu cầu sản phẩm và dịch vụ của thị trường, khả năng liên kết về sản xuất, dịch vụ giữa HTX với các hộ xã viên và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, HTX còn cần có nguồn tài chính đủ mạnh để triển khai các phương án sản xuất - kinh doanh. Vốn của HTX được hình thành từ nhiều nguồn, nhưng quan trọng nhất phải là vốn góp của xã viên bởi nó thể hiện quyền lợi và nghĩa vụ, sự gắn kết của xã viên với HTX trong hoạt động sản xuất - kinh doanh - dịch vụ và ngược lại. Việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển giao công nghệ phù hợp với tình hình thực tế của HTX cũng cần quan tâm. Các cấp, ngành cần thường xuyên tổ chức trao đổi, học hỏi kinh nghiệm và nhân rộng các mô hình sản xuất tốt, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
TRẦN QUỐC VỸ