Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (NTD) bước đầu đã tạo hành lang pháp lý, hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực và làm lành mạnh hóa thị trường. Tuy nhiên, việc bảo vệ quyền lợi NTD vẫn còn có những hạn chế. Kinh nghiệm bảo vệ quyền lợi NTD của Nhật Bản tại cuộc hội thảo do Sở Công thương tỉnh phối hợp với Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) tổ chức mới đây, đáng để chúng ta tham khảo.
Đội quản lý thị trường số 3 đang kiểm tra hàng lậu, nhái - Ảnh: X.HUY
Thời gian qua, Phú Yên là một trong số các tỉnh, thành thuộc khu vực miền Trung có nhiều vụ vi phạm quyền lợi người tiêu dùng với xu hướng ngày càng gia tăng cả về số vụ và mức độ như gian lận về xăng dầu, mũ bảo hiểm kém chất lượng, phụ tùng xe máy giả, hoa quả, thực phẩm chứa chất bảo quản gây nguy hiểm đến sức khỏe, quảng cáo gian lận, sai sự thật… Từ 2004 đến nay, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ NTD tỉnh đã giải quyết trên 55 vụ khiếu nại, tranh chấp. Tuy nhiên do chưa có kinh phí hoạt động, hội viên đa số hoạt động kiêm nhiệm nên công tác tuyên truyền và bảo vệ quyền lợi NTD của hội còn nhiều hạn chế.
Ông Nguyễn Trung Dũng, Phó cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) cho biết: “Lâu nay, công tác bảo vệ NTD chưa đưa lại kết quả như mong muốn do pháp luật cạnh tranh vẫn chưa thực sự đi vào cuộc sống. Nhiều văn bản quy phạm pháp luật thiếu sự tập trung, nhất quán nên khó áp dụng thực tế. Thị trường ngày càng biến động mà các cơ quan quản lý Nhà nước còn yếu trong khâu kiểm soát, hầu hết chỉ dừng lại ở công tác tư vấn, hòa giải. Ngoài ra, NTD chưa được trang bị đầy đủ kiến thức để phân biệt hàng giả, nhái và còn ngại đấu tranh, tố giác khi quyền lợi bị xâm phạm.
Ông Naomichi Murooka, đại diện cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam, đã chia sẻ những kinh nghiệm của Nhật Bản trong bảo vệ NTD: Chính phủ Nhật Bản rất quan tâm đến hoạt động này, đã thành lập hệ thống tổ chức quản lý Nhà nước bảo vệ NTD mà đứng đầu là Trung tâm Bảo vệ NTD quốc gia Nhật Bản, hệ thống cơ quan chuyên trách từ trung ương đến địa phương, hoạt động tương đối độc lập với đầy đủ các phòng tư vấn, tiếp nhận và hòa giải theo yêu cầu của NTD; có hệ thống dữ liệu (PIO-NET) kết nối phạm vi toàn quốc. Các trung tâm thí nghiệm, đánh giá, kiểm định sản phẩm phải là công cụ hiệu quả trong phát hiện các sản phẩm không an toàn; các văn bản pháp luật, hoạt động tư vấn hòa giải, tuyên truyền và công bố thông tin bằng một cơ chế phối hợp làm việc thống nhất, đồng thời thực hiện chính sách cử chuyên gia làm việc tại nhiều cơ quan khác nhau nhằm tăng cường hợp tác và nâng cao trình độ. Ông Marooka Naomichi đề xuất những giải pháp mà Việt Nam cần áp dụng trong thời điểm hiện nay để phát triển hoạt động này. Trước hết, một cơ quan đủ mạnh, hoạt động tương đối độc lập để thực thi vấn đề này là điều cần có; đồng thời gắn trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đối với NTD, trách nhiệm của tổ chức xã hội trong việc tham gia bảo vệ quyền lợi NTD; giải quyết tranh chấp giữa NTD và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; trách nhiệm quản lý Nhà nước về bảo vệ quyền lợi NTD ở địa phương thông qua các biện pháp thực thi Luật Bảo vệ NTD. Theo ông Naomichi Murooka, việc đầu tư của Chính phủ Nhật Bản cho Trung tâm Bảo vệ NTD quốc gia Nhật Bản rất được coi trọng, từ đó NTD ngày càng có ý thức về quyền lợi của mình. Đơn cử như mỗi năm, Phòng tư vấn NTD của Bộ Kinh tế tiếp nhận khoảng 14.000 thắc mắc theo hình thức gặp trực tiếp, qua email, điện thoại. Năm 2010, Trung tâm Sinh hoạt tiêu dùng Tokyo tư vấn khoảng 128.000 vụ việc, kiểm tra 106 mẫu sản phẩm. Việc thực hiện chế tài các đơn vị vi phạm được thực hiện gắt gao và những đơn vị doanh nghiệp vi phạm đều được công bố trên báo, đài toàn quốc.
XUÂN HUY