Ngay từ đầu vụ hè thu, nông dân ở xã Hòa Thịnh (huyện Tây Hòa) đã áp dụng mô hình quản lý rầy nâu bền vững. Hiện lúa đang ở giai đoạn chín và chuẩn bị thu hoạch, theo dự báo, năng suất bình quân lúa có khả năng đạt 60-65tạ/ha, tăng 10-15% so với vụ hè thu năm ngoái.
Các đại biểu tham quan mô hình “Quản lý rầy nâu bền vững” ở xã Hòa Thịnh (huyện Tây Hòa) - Ảnh: H.NAM
GIẢM NGỘ ĐỘC PHÈN
Ông Đặng Văn Mạnh, Chi cục phó Chi cục Bảo vệ thực vật Phú Yên, cho biết: “Để năng suất, sản lượng lúa đạt cao, người dân cần áp dụng phương pháp sạ hàng, sạ thưa, bón phân cân đối. Tuy nhiên, ban đầu không phải ai cũng mạnh dạn áp dụng phương pháp này. Vì vậy, các ngành chức năng cần tuyên truyền cho nhân dân thấy rõ hiệu quả để áp dụng lâu dài”.
HTX Nông nghiệp Hòa Thịnh có diện tích lúa hơn 1.000ha. Năm nào cũng vậy, vụ hè thu nơi đây luôn gặp nắng hạn, nguồn nước tưới bổ sung không chủ động được, làm cho các tầng đất chứa vật liệu sinh phèn, xì phèn thông qua các kẽ nứt. Đây là nguyên nhân chính làm cho rễ và cây lúa bị ngộ độc. Ông Đặng Văn Mạnh, Chi cục phó Chi cục Bảo vệ thực vật Phú Yên, cho biết: Khi bị ngộ độc phèn, triệu chứng thường thấy là cây lúa có màu hơi vàng, trên lá già xuất hiện những đốm nhỏ màu nâu, lan dần từ chóp lá. Sau đó lá chuyển thành màu nâu, bầm tím, vàng hoặc cam. Trường hợp bị nhiễm độc nặng, tất cả các lá đều có màu nâu và những lá già bị rụi sớm. Cây lúa lùn lại và kém nở bụi. Nếu nhổ bụi lúa lên sẽ thấy rễ thưa, ngắn, có màu nâu đậm và quăn queo (thể hiện tình trạng kém phát triển của bộ rễ) nên khả năng hấp thu nước và dinh dưỡng cung cấp cho cây bị hạn chế, cây lúa bị suy dinh dưỡng.
Cũng theo ông Mạnh, nếu tình trạng này kéo dài cây lúa sẽ bị suy kiệt dần, chết rải rác hoặc từng chòm. Khi áp dụng mô hình quản lý rầy nâu bền vững, nông dân bón phân cân đối, trong đó phân lân và ka li có tác dụng kích thích cây lúa ra các rễ mới thay thế cho những rễ cũ đã bị tổn thương. Thực hiện mô hình này đã hạn chế cây lúa bị ngộ độc phèn.
Nhiều thửa ruộng lâu nay nhiễm phèn, nay nhờ mô hình này mà phát triển với hàng nghìn gié lúa dài, hạt sáng, người dân phấn khởi. Chị Trần Thị Tám lý giải: “Sau khi gieo sạ trên đất nhiễm phèn, được tăng cường bón phân lân để rửa phèn, kết quả cho thấy bông lúa chắc mẩy, năng suất cao”.
Cánh đồng HTX Nông nghiệp Hòa Thịnh vốn bị nhiễm phèn, trước đây có những vụ, lúa trong giai đoạn đẻ nhánh phát triển tươi tốt thì bị ngã rạp. Ông Nguyễn Văn Hiến, một người dân ở đây cho hay: “Tại cánh đồng thôn Mỹ Thành, có những đám ruộng ngập úng, sau khi nước rút, cây lúa còn sống sót thưa thớt chưa kịp ra lá non thì lớp phèn từ dưới đất phụt lên “xóa sổ”. Năm ngoái nông dân nhìn lúa mất trắng chỉ biết than trời”. Theo ngành nông nghiệp, mô hình này còn giúp thay đổi thói quen sạ dày của người nông dân.
Nông dân HTX Nông nghiệp Hòa Thịnh tham quan mô hình “Quản lý rầy nâu bền vững” - Ảnh: H.NAM
NĂNG SUẤT TĂNG
Ông Nguyễn Văn Bính, nông dân HTX Nông nghiệp Hòa Thịnh cho biết, hiện lao động ở nông thôn ngày càng ít, giá nhân công cao, nông dân áp dụng phương pháp sạ hàng, sạ thưa, sản xuất lúa theo mô hình quản lý rầy nâu bền vững sẽ phù hợp với thực tế. Bà Nguyễn Thị Năm cho biết: “Năm nay gié lúa dài, hạt sáng mẩy còn vụ trước bị phèn nhiều, lúa không phát triển, khi trổ gié ngắn ngủn, lép nhiều. Riêng chi phí đầu tư thì giảm nhiều so với năm ngoái”. Theo tính toán của ngành nông nghiệp, nông dân áp dụng mô hình trên giảm được 80-100kg giống/ha và giảm 1-3 lần phun thuốc hóa học/vụ.
Khi triển khai mô hình “Quản lý rầy nâu bền vững”, Nhà nước đã hỗ trợ tiền mua lúa giống cấp xác nhận, tập huấn kỹ thuật cho nông dân tại ruộng trong quá trình chăm sóc… Cán bộ khuyến nông, kỹ sư nông nghiệp đã hướng dẫn nông dân thực hiện theo quy trình đã được thống nhất, hướng dẫn nông dân ghi chép sổ tay theo dõi tình hình sản xuất lúa, hạch toán hiệu quả sản xuất…
Số liệu của Viện Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) cho thấy, nông dân tham gia mô hình đã có lợi nhuận tăng thêm trên 2,5-4 triệu đồng/ha. Riêng ở Hòa Thịnh con số này là 3,9 triệu đồng/ha.
MẠNH HOÀI NAM