Thứ Sáu, 29/11/2024 01:36 SA
Làng nghề truyền thống thời hội nhập quốc tế: Đâu là lối ra?
BÀI 3: Hướng mở cho làng nghề
Thứ Bảy, 27/08/2011 07:34 SA

BÀI 1: Đi qua các làng nghề

Du lịch làng nghề đang là một hướng phát triển của ngành Du lịch ở nhiều quốc gia trên thế giới. Bên cạnh những lợi ích về kinh tế - xã hội, hình thức du lịch này còn góp phần quảng bá văn hóa độc đáo của địa phương. Những làng nghề truyền thống ở Phú Yên vẫn có thể trở thành điểm du lịch hấp dẫn, nếu...

moi-truong110827.jpg

Phát triển làng nghề gắn với tạo ra sản phẩm du lịch - hướng mở cho làng nghề Phú Yên. Trong ảnh: Sản xuất gốm ở làng gốm Trường Thịnh (xã Hòa Vinh, huyện Đông Hòa) - Ảnh: K.CHI

TIỀM NĂNG DU LỊCH

Tham quan, tìm hiểu làng nghề thủ công truyền thống đang trở thành hướng đi mới của dịch vụ du lịch. Du khách thăm làng nghề không chỉ đắm mình trong cảnh làng quê yên ả, trong lành mà còn được chứng kiến hoạt động lao động sản xuất của những nghệ nhân và còn có thể tham gia làm ra sản phẩm. Chính điều này tạo nên sức hấp dẫn riêng của làng nghề truyền thống đối với du khách.

Chị Trần Thị Chiên, nghệ nhân làng gốm Trường Thịnh (xã Hòa Vinh, huyện Đông Hòa), bày tỏ: Chúng tôi rất mong Nhà nước quan tâm, có quy hoạch để sớm đưa làng nghề phát triển theo hướng hội nhập, tạo ra những sản phẩm chất lượng cao. Vì nếu làm được sản phẩm mỹ nghệ, thu hút khách du lịch thì giá sẽ cao gấp nhiều lần so với những sản phẩm bình thường. Như vậy người dân mới có vốn đầu tư sản xuất, có thu nhập ổn định và làng nghề sẽ phát triển bền vững. Theo chị Chiên, nếu có sân vườn rộng như những người làm gốm Bàu Trúc (Ninh Thuận) thì hoạt động của làng nghề sẽ mạnh hơn, làm ra được những sản phẩm tốt, đẹp, tạo được tiếng vang… “Bà con chúng tôi cũng muốn làm ra sản phẩm tượng phù điêu, nhưng phải có đầu ra. Hiện nay, sản phẩm ở các làng nghề của Phú Yên ít tiêu thụ được, một phần do du lịch chưa phát triển. Nếu ngành Du lịch phát triển mạnh, có những tour đưa khách tham quan làng nghề truyền thống, thì chắc chắn nghề gốm mỹ nghệ của bà con cũng sẽ khởi sắc”, nghệ nhân Nguyễn Thị Hạnh bày tỏ.

Nhiều năm qua, việc tìm kiếm ý tưởng mới để cải tiến mẫu mã sản phẩm hàng lưu niệm luôn được những người quan tâm đến làng nghề trăn trở nhưng kết quả đạt được vẫn không như ý muốn. Các làng nghề truyền thống ở Phú Yên vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún, thị trường tiêu thụ hạn hẹp. Bên cạnh đó, các làng nghề ít chú ý đến việc xây dựng thương hiệu, cũng chưa liên kết với nhau để sản xuất những mặt hàng truyền thống đạt chất lượng cao cung cấp cho thị trường. Do vậy, sự đầu tư của Nhà nước trong các chương trình khuyến công ở Phú Yên đem lại hiệu quả chưa cao.

Để giải quyết khó khăn cho các làng nghề và tạo việc làm cho người lao động trong thời điểm hiện tại, Phó chủ tịch UBND huyện Đông Hòa Huỳnh Ngọc Sương cho rằng: Trước mắt phải đặc biệt quan tâm tìm đầu ra cho sản phẩm làng nghề, đẩy mạnh kích cầu thị trường để tăng cơ hội có thêm việc làm cho người lao động. Ngoài ra, cần thiết lập hệ thống bán hàng chuyên nghiệp, đưa các sản phẩm làng nghề vào các siêu thị, đồng thời đẩy mạnh phát triển du lịch làng nghề, tạo thêm nhiều việc làm dịch vụ cho người lao động. Ông Huỳnh Ngọc Sương cho biết, huyện Đông Hòa đã có tờ trình trình UBND tỉnh xin đầu tư xây dựng dự án làng nghề thủ công mỹ nghệ tại thôn Bàn Nham Nam (xã Hòa Xuân Tây) để đưa nghề gốm Trường Thịnh, nghề chiếu cói thôn Phú Hòa (xã Hòa Hiệp Trung) và thôn Thọ Lâm (xã Hòa Hiệp Nam) sản xuất tập trung tại đây. Khi được đầu tư xây dựng, làng nghề gốm rộng khoảng 20ha, còn làng nghề chiếu cói rộng khoảng 30 ha. Khi đó, các làng nghề của huyện được tập trung về một điểm, sẽ tạo cơ hội để đưa khách tham quan du lịch và thúc đẩy nghề truyền thống phát triển bền vững hơn.

Khác với Đông Hòa, huyện Phú Hòa không có chủ trương quy hoạch các làng nghề vào các cụm, điểm công nghiệp vì theo quan điểm của lãnh đạo huyện này, từ bao đời nay, người làng nghề truyền thống thường gắn với nơi ở của họ. Các thành viên trong gia đình có thể tận dụng thời gian rảnh rỗi để làm thêm… “Trong tương lai, huyện cũng có quy hoạch làng nghề phát triển gắn với các sản phẩm du lịch. Còn hiện nay, để các làng nghề phát triển, huyện đã đầu tư xây dựng cổng chào của làng nghề, bê tông hóa đường vào làng nghề, đầu tư hệ thống cung cấp nước sạch, hỗ trợ một số cơ sở mở rộng quy mô sản xuất; hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu tập thể, đăng ký mã vạch, tổ chức nhiều lớp đào tạo nghề, nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh, tham quan học hỏi kinh nghiệm tại một số làng nghề…” - Phó chủ tịch UBND huyện Phú Hòa Phạm Hoàng Nguyên cho biết.

ĐỂ THÀNH ĐIỂM DU LỊCH HẤP DẪN

Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch Phú Yên Phạm Văn Bảy cho rằng, muốn kéo dài thời gian lưu trú của khách, níu chân du khách ở lại Phú Yên thì việc tham quan làng nghề và tạo điều kiện cho du khách thử tay nghề cũng là một hướng kết hợp du lịch với phát triển làng nghề. Các chương trình, nội dung về phát triển du lịch của tỉnh luôn gắn với du lịch làng nghề truyền thống, tiêu biểu như các làng nghề nước mắm Gành Đỏ, bánh tráng Đông Bình, Hòa Đa, đan đát Vinh Ba…, nhằm kéo du khách về nông thôn, tận mắt xem quy trình sản xuất, thậm chí có thể tham gia làm ra sản phẩm... Bên cạnh đó, khi tham quan làng nghề, du khách có thể biết một số nét đặc trưng về văn hóa, tín ngưỡng, lịch sử…, qua đó hình dung ra sinh hoạt của cộng đồng dân cư của từng vùng, miền. Chính những điều này sẽ tạo nên sức hấp dẫn riêng của làng nghề truyền thống đối với du khách.

Theo thống kê mới nhất, Phú Yên hiện có 18 làng nghề truyền thống, trong đó một số làng nghề truyền thống lâu đời, giàu bản sắc văn hóa. Trong quy hoạch phát triển làng nghề đến năm 2020, tỉnh đã chọn một số làng nghề để kết hợp mở tour du lịch như: tuyến ven biển khám phá bản sắc văn hóa qua hò bá trạo, hát bài chòi; tham quan các làng nghề, mua sắm hàng mỹ nghệ làm từ vỏ hải sản, mua hải sản khô, hải sản tẩm sấy, nước mắm, du lịch ẩm thực. Các tuyến du lịch sinh thái miền núi, tham quan hồ thủy điện, khám phá các lễ hội của đồng bào dân tộc thiểu số, mua sắm quà lưu niệm như các sản phẩm mây tre đan, đá cảnh, gỗ lũa ở buôn Lê Diêm (thị trấn Hai Riêng, huyện Sông Hinh)… Bản chất của du lịch làng nghề là khám phá, do vậy phải tạo hứng thú cho du khách, giúp họ hiểu được ý nghĩa của sản phẩm, cảm nhận tâm hồn, tình cảm, sự tài hoa và tính cần cù chịu khó của người dân nông thôn ở các làng nghề.

Quy hoạch phát triển làng nghề mở ra cho các làng nghề vận hội mới để phát triển. Sản phẩm làng nghề là kết tinh sự sáng tạo của nghệ nhân, thổ nhưỡng văn hóa một vùng đất. Bởi thế, bên cạnh giá trị kinh tế, văn hóa nghề hàm chứa những giá trị văn hóa cần được bảo tồn. Hiện nay, địa phương nào cũng có nhiều hoạt động để vực dậy làng nghề truyền thống, như: bê tông hóa các con đường dẫn vào làng nghề, xây dựng điểm trưng bày giới thiệu sản phẩm, quy hoạch khu sản xuất tập trung, hỗ trợ tạo điều kiện để người dân học hỏi nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm...

Du lịch làng nghề còn khá mới mẻ và nhiều tiềm năng, song những thách thức trong phát triển làng nghề gắn với du lịch là không nhỏ. Theo ông Phạm Văn Bảy, xây dựng quy hoạch phát triển làng nghề gắn với tạo ra sản phẩm du lịch cần phải có sự chọn lọc, gắn với các đơn vị lữ hành ngay từ những bước cơ bản, trong đó cần đặc biệt chú trọng đến việc lập bảng chỉ dẫn vị trí, xây dựng cảnh quan làng nghề, bảo vệ môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm trong chế biến đặc sản, hướng dẫn người dân làm du lịch. Ngành Du lịch cũng sẽ xem làng nghề là những điểm tham quan để đưa du khách đến Phú Yên, qua đó tự hào về nghề truyền thống của địa phương mình.

 

KIM CHI - PHƯƠNG ĐÔNG

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek