Giá vàng liên tục biến động mạnh theo hướng khó lường những ngày qua, khiến nhiều người trở tay không kịp. Theo giới kinh doanh vàng tại Phú Yên, giá vàng tăng gần 80% so với đầu năm, một tốc độ tăng chóng mặt so với nhiều kênh đầu tư khác. Tuy nhiên, theo giới kinh doanh, thị trường vàng đang tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Diễn biến thị trường vàng đang chứa đựng nhiều rủi ro. Trong ảnh: Khách hàng giao dịch tại một tiệm vàng ở TP Tuy Hòa - Ảnh: N.QUANG
TIỀM ẨN NHIỀU RỦI RO
Sau khi giá vàng trong nước vượt ngưỡng 49 triệu đồng/lượng vào sáng 23/8, thì đến sáng 24/8 lại giảm 550.000 đồng/lượng và đến sáng qua giá vàng trong nước tiếp tục “lao dốc” còn 45 triệu đồng/lượng. Vàng SJC tại Phú Yên có giá 45,2 -45,52 triệu đồng/lượng, giảm 2,2 triệu đồng chiều mua vào và 2,13 triệu đồng chiều bán ra.
“Kịch bản” giá vàng tăng rồi giảm, giảm rồi tăng đã lặp đi lặp lại nhiều lần trong thời gian gần đây, song nhiều người vẫn rơi vào vòng xoáy “làm giá” của các nhà đầu cơ lớn tại TP Hồ Chí Minh, Hà Nội... Không chỉ giá vàng biến động mạnh, giới kinh doanh vàng còn đẩy biên độ giao dịch giữa mua và bán lên mức 500.000-600.000đồng/lượng nhằm đối phó
với khả năng vàng tiếp tục tăng hoặc giảm. Ông Nguyễn Ngọc Thanh, chủ một tiệm vàng ở phường 4 (TP Tuy Hòa) cho biết, chênh lệch giữa giá bán và mua không đáng ngại, mà điều quan trọng hơn là tạo ra được cơn “sốt” ảo về giá mới là đích đến của các nhà đầu cơ. Kỹ xảo này khiến các doanh nghiệp kinh doanh vàng nhỏ lẻ tại Phú Yên phải thay đổi giá vàng hàng chục lần mỗi ngày cho tương ứng với diễn biến thị trường. Đây là điều mà người dân cần thận trọng khi tham gia giao dịch vàng trong khoảng thời gian này, vì chứa đựng nhiều rủi ro. “Giá vàng tăng thì người dân lại đổ xô đi mua, bất chấp giá thế giới có tăng hay không. Điển hình như ngày 9/8, giá vàng trong nước lên mức 46,3 triệu đồng thì giá vàng thế giới ngay thời điểm đó quy đổi ra vẫn thấp hơn giá trong nước đến 2 triệu đồng/lượng. Vì sao giá vàng trong nước lúc nào cũng cao hơn giá thế giới. Liệu vàng có bị làm giá hay không?”, ông Thanh nói.
CẦN THỐNG NHẤT TRONG ĐIỀU HÀNH THỊ TRƯỜNG
“Nguyên nhân chính khiến giá vàng trong nước tăng cao là do sự bất ổn của tình hình kinh tế thế giới, tình hình tài chính tiền tệ, nợ công của các nước lớn như Mỹ, Tây Ban Nha, Hy Lạp ở mức cao… Bên cạnh đó, giá vàng trong nước phụ thuộc vào tỉ giá VND/USD, chính sách vĩ mô, tình hình lạm phát và tình hình cung cầu vàng của thị trường, cũng đã hỗ trợ làm cho giá vàng tăng cao” - đó là nhận định của các doanh nghiệp kinh doanh vàng tại Phú Yên cũng như trong nước. Trước tình hình này, các nhà đầu tư, người dân chọn kênh đầu tư vàng để bảo toàn giá trị tài sản của mình và tìm cơ hội sinh lãi. Bà Nguyễn Thị Kim Oanh, chủ Doanh nghiệp kinh doanh vàng Kim Thạch Bích (TP Tuy Hòa), đại lý phân phối vàng SJC tại Phú Yên dự đoán: Trước mắt, giá vàng đang giảm, nhưng trong tương lai gần, giá vàng trong nước sẽ vượt ngưỡng 50 triệu đồng/lượng, vì phụ thuộc vào giá vàng thế giới và các nhà đầu cơ trong nước.
Không chỉ bà Oanh, nhiều doanh nghiệp kinh doanh và nhà đầu tư vàng tại Phú Yên cũng nhận định, xu thế giá vàng còn có thể tiếp tục tăng, nếu như tình hình kinh tế thế giới vẫn còn bất ổn, nợ công ở Mỹ và các nước châu Âu không giải quyết dứt điểm hoặc tiếp tục tung tiền ra để cứu trợ, lạm phát vẫn còn tăng cao... Dự kiến, từ nay đến cuối năm 2011 sẽ có lúc giá vàng vượt trên mốc 1.900USD/ounce, giá vàng trong nước sẽ còn cao hơn giá thế giới. Theo các doanh nghiệp kinh doanh vàng, người dân Phú Yên cần lưu ý giá vàng lên xuống thất thường, nhất là khi đạt ngưỡng, các nhà đầu tư tại các thành phố lớn thường chốt lời (bán ra) với số lượng lớn, hoặc Ngân hàng Nhà nước cho nhập khẩu vàng… sẽ làm giá vàng kéo tụt trở lại.
Để bình ổn thị trường vàng, theo bà Oanh, Nhà nước phải để thị trường được liên thông với thế giới, xuất nhập khẩu bình thường khi có nhu cầu, không nên để nạn đầu cơ tích trữ lũng đoạn thị trường, gây thiệt hại người dân, rồi mới cho nhập vàng để bình ổn giá. Trong khi đó, ông Kỳ, chủ Doanh nghiệp kinh doanh vàng Kim Túc (TP Tuy Hòa) thì nói: Nhà nước nên giao việc quản lý kinh doanh vàng cho một bộ, ngành trực tiếp quản lý, không để nhiều đầu mối quản lý, dẫn đến không ai chịu trách nhiệm. Sớm ban hành Nghị định về quản lý kinh doanh vàng (theo yêu cầu của Nghị quyết 11 của Chính phủ); dự báo sát tình hình giá vàng để từ đó xây dựng cơ chế điều hành giá niêm yết mua bán vàng như việc điều hành tỉ giá USD như hiện nay, nhằm tránh tình trạng mỗi nơi, mỗi doanh nghiệp, tiệm vàng nhân cơ hội sốt vàng niêm yết giá tùy tiện, chênh lệch quá mức làm thiệt hại cho người tiêu dùng. Kèm theo đó là Ngân hàng Nhà nước cần phải thường xuyên thực hiện tốt việc ổn định tỉ giá, chuẩn bị từ xa các biện pháp nhằm ổn định lâu dài về tỉ giá VND/USD; xây dựng cơ chế vận hành để huy động được nguồn vốn bằng vàng còn rất lớn trong dân hoặc đang gửi tại các tổ chức kinh tế hay ngân hàng vào xây dựng phát triển kinh tế, đồng thời cũng để bình ổn thị trường vàng khi có biến động.
NGUYỄN QUANG